Khoảng 5 phút sau, anh Vinh (ở huyện Đông Anh, Hà Nội) không còn giữ được bình tĩnh khi không thấy người mua quay lại. Anh gọi điện thoại thì thấy tắt máy. Lúc này, chủ xe mới hay bị lừa nhưng "không biết nó chạy đường nào mà đuổi theo tìm".
Sự việc xảy ra chiều 2/12 khi hai người đàn ông đi ôtô tới nhà Vinh. Một người trong số này hỏi mua chiếc Ford EcoSport màu đỏ đời 2015 anh đang rao bán 400 triệu đồng.
Trong lần lái thử đầu tiên, anh Vinh đi cùng và sau đó xuống xe, nói chuyện với người còn lại. Người hỏi mua xe lúc này xem xét nội thất rồi phóng xe đi thẳng. Khi đó, anh Vinh nghĩ người còn lại đang ở đây, người kia "kiểu gì chả phải quay lại." Nhưng sau đó, anh mới vỡ lẽ, đây là tài xế taxi, chỉ biết chở người vừa xem xe tới đây. Cả hai sau đó cùng đi trình báo Công an huyện Đông Anh.
20 ngày trôi qua, đến hôm nay, chiếc xe vẫn "bặt tăm". Anh Vinh còn treo thưởng 100 triệu đồng cho bất cứ ai giúp lấy lại ôtô bị chiếm đoạt nhưng chưa có kết quả. "Nhiều người gọi, bảo biết xe đang ở đâu nhưng yêu cầu tôi phải chuyển tiền trước. Sợ lại bị lừa, tôi từ chối", anh Vinh nói.
Cũng gặp hoàn cảnh như Vinh, một người đàn ông ở thành phố Phủ Lý (Hà Nam) bị chiếm đoạt chiếc Santafe rao bán hơn 600 triệu đồng vào chiều 14/12. May mắn hơn, sau khoảng 30 tiếng, cảnh sát tìm được xe, bắt 2 kẻ gây án là Phạm Minh Quang, 31 tuổi và Trần Ngọc Hiếu, 23 tuổi.
Chủ xe cho hay Quang mua hẹn xem xe ở vườn hoa thành phố Phủ Lý. Sau khi lái thử, Quang nói "ok hết, xuống trao đổi giấy tờ và chuyển tiền vào việc". Khi chủ xe vừa bước xuống, Quang và Hiếu phóng về Hà Nội, trốn tại quận Hoàng Mai.
Công an thành phố Phủ Lý cho hay Quang và Hiếu có bàn bạc kế hoạch chiếm đoạt chiếc Santafe. Cả hai còn lắp biển số giả để tránh bị phát hiện khi trốn chạy trên đường. Đây là hình thức phạm tội mới, lần đầu xuất hiện tại Hà Nam.
Tiến sĩ Lưu Hoài Bảo, giảng viên Khoa Pháp luật Hình sự, Đại học Luật Hà Nội nhận định, việc người có hành vi chiếm đoạt ôtô trong quá trình mua bán, xem xe như trên có thể cấu thành tội Cướp giật tài sản.
Trên thực tế, tội phạm còn có thể thực hiện những hành vi khác để chiếm đoạt xe trong quá trình "hỏi mua", tương ứng với các tội Cướp tài sản, Cưỡng đoạt tài sản, Cướp giật tài sản, Lừa đảo hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ông Bảo cho rằng gặp những người không quen biết, bên bán cần thận trọng; trước khi giao dịch hoặc cho chạy thử nên cầm một loại giấy tờ tùy thân của bên mua như căn cước công dân, bằng lái xe...
Tránh "vết xe đổ" của các trường hợp ở Hà Nội, Hà Nam nói trên, chủ xe cần luôn có mặt trên xe khi người mua nổ máy kiểm tra động cơ hoặc đi thử; có thể mở cửa cho xem nội thất nhưng phải "luôn giữ chìa khóa".
Giao dịch mua bán xe ở nơi đông người, vào ban ngày cũng góp phần khiến tội phạm "chùn tay". Trường hợp tới công viên, bãi đất trống... để bên mua lái thử, chủ xe rủ người thân đi cùng đề phòng bị dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực cướp xe.
Bên bán cũng không nên ăn, uống, hút thuốc... từ người mua đưa cho bởi có thể trong đó chứa chất gây mê, thuốc hướng thần... "Thực tế đã có tội phạm sử dụng thuốc hướng thần để cướp tài sản", tiến sĩ Bảo cho hay.
Lắp định vị GPS trên ôtô cũng là lựa chọn tốt, sẽ giúp chủ xe truy tìm tài sản dễ dàng trong khi kẻ gian không biết thiết bị này lắp ở đâu.
Đặc biệt trong trường hợp bị cướp xe, nạn nhân cần báo công an "càng sớm càng tốt", giúp lực lượng chức năng có thể trích xuất camera hoặc báo động tới cảnh sát giao thông trên đường nhằm truy tìm nhanh chóng.
Để phòng, chống nhóm tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt ôtô khi mua bán, tiến sĩ Bảo cho rằng khi giao dịch cần có nhân chứng, phải công chứng... không nên "mua bán sang tay".
Khi bán cho người không quen biết, chủ xe cần nhận đủ tiền mặt hoặc có tin nhắn chuyển khoản mới giao xe hoặc ký văn bản công chứng. Lý do, thông báo đã chuyển tiền trên điện thoại "có thể được làm giả".
Người bán biết thông tin người mua càng nhiều càng tốt. Với người không quen biết, chủ xe nên xem kỹ giấy tờ tùy thân hoặc kiểm tra "profile trên các mạng xã hội".
Song Minh