Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) cho biết các nước xuất khẩu mật ong bị DOC tiếp nhận hồ sơ điều tra chống bán phá giá lần này gồm: Argentina, Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ điều tra biện pháp phòng vệ thương mại. Năm 2001, Mỹ cũng từng điều tra chống bán phá giá với mật ong Trung Quốc và chống trợ cấp với mật ong Argentina.
Nguyên đơn lần này là Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội mật ong Sioux. Các hiệp hội đề xuất thời kỳ chống bán phá giá từ 1/10/2020 đến 31/3/2021, thời kỳ điều tra thiệt hại là từ 1/1/2018. Họ cũng ước tính biên độ bán phá giá là 207,08%.
Số liệu của cơ quan Hải quan Mỹ cho thấy, kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào nước này khoảng 50.700 tấn trong năm 2020, chiếm 25,8% tổng lượng nhập khẩu.
Theo quy định, DOC sẽ xem xét khởi xướng điều tra vụ việc trong tối đa 20 ngày từ khi nhận đơn. Thông thường, đi kèm với thông báo điều tra, cơ quan này sẽ gửi cho doanh nghiệp một bảng câu hỏi về vụ việc. Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp trong nước trả lời đầy đủ bản câu hỏi từ các cơ quan chức năng Mỹ. Nếu doanh nghiệp không muốn bị áp thuế bất hợp tác, trả lời bảng câu hỏi là bắt buộc. Bất cứ hành động thể hiện bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ, có thể bị cơ quan điều tra Mỹ sử dụng các chứng cứ có sẵn, bất lợi để áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất do nguyên đơn đề xuất
Cùng với DOC, Uỷ ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC) cũng đang xem xét đơn kiện của các hiệp hội ong để đánh giá mức độ thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Đức Minh