Ngày 15/3, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam, cho biết bệnh nhân đến khám trong tình trạng vùng má nổi u cục lớn, mẩn đỏ, đau rát, biến chứng của việc tiêm silicon.
Cô gái nói khuôn mặt trước đây gầy, má hóp, bị gia đình người yêu chê "tướng sát chồng" nên đến spa tiêm làm đầy bộ phận này. Cô không biết nhân viên thẩm mỹ tiêm chất gì lên mặt.
Bác sĩ Thành nhận định trường hợp này nếu để lâu dài, vùng tiêm có thể bị sưng tấy, nhiễm khuẩn và tạo các u hạt áp xe gây biến dạng hình thể. Đặc biệt, silicon lỏng có thể di chuyển khắp các mô, gây khó khăn khi muốn phẫu thuật loại bỏ.
Hiện, bệnh nhân được nạo vét loại bỏ silicon, dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, khám định kỳ để xử lý các biến chứng tiếp theo (nếu có).
Silicon lỏng là chất làm đầy được dùng để bơm đầy các khoảng khuyết dưới da và phục vụ nhu cầu thẩm mỹ. Chất này đã bị Bộ Y tế cấm từ năm 1995 do gây nhiều biến chứng. Hiện trên thị trường cũng chỉ một số ít chất làm đầy được cấp phép.
Ngoài ảnh hưởng thẩm mỹ, silicon có thể gây biến chứng sốc phản vệ, tắc mạch gây thiếu máu nuôi dưỡng bộ phận được tiêm vào như mắt, mũi, môi... dẫn tới hoại tử. Chất này còn dễ ngấm vào các mô mỡ và mạch máu, rất khó khăn để loại bỏ.
Bác sĩ khuyến cáo nếu muốn làm đẹp cần lựa chọn cơ sở được cấp phép và phẫu thuật viên có giấy phép hành nghề về lĩnh vực thẩm mỹ. Các chất tiêm vào cơ thể phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để tránh hậu quả. Trường hợp xảy ra biến chứng sau làm đẹp, cần đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời.
Thúy Quỳnh