5 năm qua, ông Định, 53 tuổi, liên tục gửi đơn từ huyện đến tỉnh yêu cầu giải quyết việc UBND xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu thu hồi 80 m2 đất tại thôn Toàn Lực để mở rộng trường mầm non sai quy định, nhưng chưa có kết quả.
Ông Định từ nhỏ sống với ông bà nội ngoại, do bố mẹ chia tay. Học hết lớp 11, ông nhập ngũ, ra quân trở về quê làm bốc vác muối và đá lạnh, đi biển đánh bắt cá. Tích góp được ít vốn, năm 1996 ông Định gửi đơn lên UBND xã An Hòa đề nghị bán cho mảnh đất để ổn định cuộc sống.
UBND xã An Hòa đồng ý bán cho ông Định mảnh đất 100 m2 ở thôn Toàn Lực với giá 2 triệu đồng. Thời điểm bàn giao, thửa đất phía đông giáp hợp tác xã; phía tây là mương nước; phía nam nhìn ra đường liên huyện, nay là tỉnh lộ 537B; phía bắc giáp mương nước sát trường mầm non xã An Hòa. Đất được cấp bìa đỏ, ban đầu ghi là sử dụng sản xuất nông nghiệp, sau đó đăng ký biến động sang đất ở lâu năm.
Năm 1998, ông Định đổ đất thuê máy móc đào móng xây nhà trên diện tích đất được xã cấp. Do thiếu tiền, thi công nhà được nửa chừng thì ông Định dừng lại, vào miền Nam làm thuê, nhờ ông Võ Ngọc Hùng (62 tuổi, anh con dì, trú thôn Bắc Lợi) trông coi. Ông Hùng mở tiệm cắt tóc trên thửa đất, thời gian sau thì cho người khác thuê mở xưởng cơ khí, tập kết vật liệu.
Ông Định rong ruổi nhiều tỉnh ở miền Nam, làm thuê nhiều nghề mưu sinh, vài năm mới về thăm quê vào dịp lễ Tết và hầu như không liên lạc với người thân, họ hàng ở huyện Quỳnh Lưu. Năm 2019, tích góp được ít vốn, ông Định quyết định chuyển hẳn về Nghệ An, lên kế hoạch cải tạo nhà để kinh doanh quán nhậu trên diện tích đất mua của xã An Hòa.
"Tôi bàng hoàng khi thấy đất của mình đã nằm trong khuôn viên trường mầm non. Kế hoạch mở quán nhậu bất thành", ông Định kể. Đến gặp ông Hùng, ông Định mới biết người họ hàng đã thay mình ký thỏa thuận đổi 80 m2 đất với UBND xã để mở rộng khuôn viên trường mầm non An Hòa. Hiện thửa đất chỉ còn 20 m2 nằm tiếp giáp với tỉnh lộ 537B.
Theo biên bản thỏa thuận năm 2017, trong 100 m2 đất của ông Định, UBND xã An Hòa thống nhất thu hồi 80 m2 để bàn giao cho trường mầm non, sau này có điều kiện hai bên sẽ bàn bạc, thảo luận phương án đổi một lô đất khác phù hợp.
"Tôi thất vọng vì xã An Hòa cũng như ông Hùng không thông báo chủ trương. Tuy nhiên sự việc đã rồi, đất đã giao gần hết cho trường mầm non, chỉ còn 20 m2 bên lề đường thì không làm ăn được gì, vì thế tôi chấp nhận để xã bố trí đổi cho một mảnh đất khác, nhưng chờ mãi không thấy", ông Định nói.
Ông Võ Ngọc Hùng cho biết năm 2017, đại diện UBND xã An Hòa gọi ông lên làm việc, đặt vấn đề đổi miếng đất do ông Định đứng tên bìa đỏ để mở rộng khuôn viên trường mầm non. Ông Hùng đồng ý ký vào biên bản xác nhận. "Mảnh đất nằm trước trường học, đổi cũng hợp lý, giúp các cháu có không gian vui chơi. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng thứ nhất là giúp xã giải phóng được mặt bằng, tiếp đó thì họ hàng cũng có được một lô đất mới", ông Hùng nói.
Ông Hùng giải thích do lâu không thấy ông Định liên lạc, nghĩ họ hàng chưa có kế hoạch gì ở quê nên đồng ý đổi đất với xã, sau này báo lại cũng chẳng sao. Ông thừa nhận sơ suất do lúc ký biên bản không đề nghị huyện Quỳnh Lưu chứng thực mà chỉ có chủ tịch xã ký xác nhận, vì thế bây giờ gặp rắc rối lớn.
Năm 2022, sau nhiều lần khiếu nại, ông Định được xã An Hòa bố trí một mảnh đất trên địa bàn. Nhưng huyện Quỳnh Lưu không đồng ý cấp đất, nói trường hợp của ông Định khi thu hồi đất xã không trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định nên không có cơ sở bồi thường bằng đất.
Tại phiên tiếp công dân định kỳ tháng 8/2023, Chủ tịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đánh giá việc xã An Hòa thu hồi đất mở rộng trường mầm non là tốt, tuy nhiên cách làm không đúng thẩm quyền và quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của công dân đã được Nhà nước thừa nhận.
Chủ tịch tỉnh Nghệ An đã giao huyện Quỳnh Lưu nghiên cứu, xác định vị trí đất phù hợp để bố trí tái định cư, hoặc bồi thường bằng tiền trong trường hợp công dân và chính quyền thỏa thuận được với nhau. Dù được yêu cầu xử lý dứt điểm vụ việc năm 2023, nhưng hơn một năm qua huyện chưa thể hoàn thành.
Ông Định hiện chuyển vào TP Vinh thuê trọ ở, buôn bán hoa quả. Ông nói khiếu nại kéo dài rất mệt mỏi, nếu không thể cấp đất thì đền bù 1,2 tỷ đồng là được. Số tiền này nếu so với giá trị của miếng đất mặt đường thấp hơn nhiều, nhưng từng đó cũng có vốn làm ăn, còn nghĩ đến tương lai.
"Tôi luôn gạt hết nỗi buồn của số phận để phấn đấu. Ngoài ngũ tuần nhưng kinh tế yếu, không muốn kết hôn bởi sợ người kề cận chịu khổ với mình. Sắp tới nếu việc cấp đất giải quyết ổn thỏa, tôi tích góp để cưới vợ, sinh con", ông Định nói.
Ông Hồ Anh Dũng, Chủ tịch xã An Hòa, cho biết sự việc này do lỗi của lãnh đạo xã thời trước làm không đúng quy định, làm biên bản đổi đất mà không có xác nhận của huyện, người ký là ông Hùng cũng không được chủ đất ủy quyền. Ngoài ra, việc đăng ký biến động đất ở trong bìa đỏ do cán bộ địa chính xã tự ghi thêm mà không báo cấp trên, vì thế hồ sơ yêu cầu cấp đất mới không hợp lệ.
Theo ông Dũng, trước kia việc đổi đất do xã quyết được nên mọi người nghĩ đơn giản "cứ làm trước rồi báo cáo huyện sau". Những năm gần đây Luật Đất đai hoàn thiện, chặt chẽ hơn, huyện không thể cấp đất từ văn bản viết tay do xã ký. Huyện đã nhờ các sở Tài Nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải tham mưu, nhưng bên nào cũng phúc đáp rất khó khăn để bố trí, vì thế vướng mắc kéo dài.
"Anh Định số phận trắc trở, xã ủng hộ cấp đất, nhưng cán bộ thời trước làm sai nên giờ rơi vào thế khó", ông Dũng nói và cho hay việc này "trong đúng có sai, trong lý có tình". Về lý ông Định thua thiệt, bản chất xem chưa được cấp đất, vì biến động đất ở ghi trong bìa không có giá trị. Về tình thì công dân đã đóng tiền mua đất, có xác nhận của xã, mong các cấp hiểu rõ để đưa ra phán quyết hợp lý.
Phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Xuân Dinh nói đang giao xã An Hòa rà soát nguồn gốc đất của ông Định, tiếp đó sẽ kiểm tra xem giấy tờ cấp đất ngày trước có hợp lệ hay không, bởi bước đầu bìa đỏ có dấu hiệu chỉnh sửa.
Theo ông Dinh, nếu giấy tờ đủ điều kiện thì làm quy trình đền bù đất hoặc tái định cư, không thỏa thuận được sẽ hướng dẫn công dân khởi kiện ra tòa. Còn xét thấy hồ sơ không hợp pháp, có dấu hiệu hình sự thì chuyển công an làm rõ.
"Xã làm sai bây giờ 'đẩy quả bóng' lên huyện, vì thế rất khó đưa ra phương án hợp lý hợp tình", ông Dinh nói, cho hay vừa rồi huyện đã phê bình, kiểm điểm lãnh đạo xã An Hòa vì chậm xử lý vụ việc, để công dân khiếu nại kéo dài.