Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung, Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu. Trước khi nhập viện, người này uống rượu liên tục trong ba ngày. Hôm 24/8, ông tỉnh dậy bị đau đầu, chóng mặt, khó thở, đột ngột hai mắt đều mờ, được gia đình đưa đi cấp cứu.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc rượu chứa methanol, chỉ định đặt nội khí quản cấp cứu, bù dịch và lọc máu liên tục trong 24 giờ. Sau 6 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tạm thời ổn định, tỉnh táo, nhận biết được xung quanh, song mắt vẫn nhìn mờ.
Methanol hay cồn công nghiệp là chất rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm. Bệnh nhân ngộ độc methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể gặp phải tình trạng nguy hiểm dẫn đến nguy cơ tử vong, theo bác sĩ.
Triệu chứng ban đầu ngộ độc là nhức đầu, chóng mặt, kích động, hưng cảm cấp tính, mất trí nhớ, giảm mức độ ý thức bao gồm hôn mê và co giật. Bệnh nhân buồn nôn, nôn, chán ăn, đau bụng dữ dội, xuất huyết tiêu hóa, tiêu chảy, bất thường chức năng gan và viêm tụy. Nhiều người bị rối loạn thị giác, mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, ảo giác thị giác, nhìn mờ, mất thị lực một phần đến toàn bộ và hiếm khi đau mắt, mất cân bằng điện giải, suy thận, tiểu ra máu và chết cơ ở cấp độ tế bào, tiêu cơ vân. Nặng hơn, bệnh nhân loạn nhịp tim, hạ huyết áp, ngừng hô hấp, tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo người dân không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy chứng nhận, rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật, nhất là không được uống rượu khi đang đói, căng thẳng, hay mệt mỏi. Khi có biểu hiện ngộ độc rượu như mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, nôn... cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Tuyệt đối không uống rượu pha với những loại nước có ga, bia, caffein, hoa quả công nghiệp nhiều phẩm màu... Không nên ăn các loại kẹo, bánh mứt quá ngọt hoặc thực phẩm cay nồng và hút thuốc trong khi uống rượu, do khiến cơ thể nhanh chóng bị mệt, tinh thần thiếu minh mẫn...
Minh An