Sống ở Việt Nam 15 năm nhưng chuyên gia luật người Nhật Bản Hirota Fushihara vẫn thấy không thể thông cảm với tình trạng chuốc rượu, ép rượu. "Tôi biết ở Việt Nam, nhiều người cho rằng không biết uống rượu thì không phải là đàn ông. 'Rượu bất khả ép, ép bất khả từ' cũng là một câu tiêu biểu thể hiện một nét theo suy nghĩ của nhiều người", ông Hirota nói.
"Tửu lượng không cao" nhưng thời gian đầu sống ở Việt Nam ông Hirota cũng từng cố gắng uống vì không muốn mất lòng ai. "Uống nhiều cũng là rượu, uống ít cũng là rượu. Hãy là mình uống chứ không phải là rượu uống mình. Dần dần tôi đã không uống đến mức đánh mất cả mình nữa, mà chỉ xin phép uống chút", Hirota cho hay.
Vài năm qua từ khi đặt ra nguyên tắc với rượu bia, Hirota Fushihara thấy mình có thể đã làm mất lòng của nhiều người vì bị coi là không nhiệt tình. "Nhưng tôi đành phải như thế để còn sống lâu hơn, làm những việc quan trọng cho mình và xã hội", ông bộc bạch.
Tết 2019 là lần đầu tiên anh Ngọc Thể theo vợ về Bắc Ninh ăn Tết. Lần đầu ra mắt, họ hàng thi nhau tới chúc rượu, loáng cái Thể đã phải uống hơn chục chén. "Mọi người yêu cầu tôi ra mắt bằng cách uống cạn, rất mệt nhưng tôi vẫn cố chiều lòng. Nhưng hết lượt lại bị bắt phải 'đáp lễ'. Tôi từ chối, xin phép tập trung vào ăn thì bị chê tửu lượng kém, không đủ tiêu chuẩn làm rể nhà này", Thể kể.
Chạnh lòng vì những câu nói, Thể quyết định đi mời vài người cho có lệ. Anh cầm chén tới mời bác trưởng họ, người lớn tuổi nhất trên mâm. "Tôi chưa kịp chúc mừng thì đã bị bác ấy gạt ngang, nói tôi hỗn, chỉ bố vợ tôi mới ngang hàng mời rượu bác", Thể kể.
Suốt 3 ngày Tết, dù mệt, muốn nằm nghỉ nhưng Thể phải ngồi đón khách cùng bố vợ. Ai đến cũng phải pha trà mời, bày cỗ rượu khác hoàn toàn với ngày Tết ở quê anh, nơi "chỉ ăn nhẹ và đi chơi, không ép rượu".
Về lại TP HCM sau đợt đó, Thể bị ốm nặng, phải nghỉ làm suốt cả một tuần. Anh "thấm đòn", sợ Tết ngoại. Năm nay Thể kiên quyết không về ngoại. "Tôi nói với vợ, lúc nào ở quê thay đổi được thói quen tụ tập, không còn chuốc rượu, ép rượu nữa thì tôi mới về", Thể nói.
Còn với anh Trương Đức Mạnh, 32 tuổi thì đang chưa biết đối mặt với gia đình và họ hàng như thế nào sau sự cố Tết năm ngoái.
Đức Mạnh là bộ đội, đóng quân ở miền Nam, quê ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Cả năm mới được về Tết một lần nên họ hàng cũng làm cơm mời. Mùng 4 Tết năm ngoái, Mạnh đã đi qua ba nhà họ hàng, nhà nào cũng làm vài ly.
Tới nhà người anh họ, Mạnh chỉ xin uống trà, khước từ cơm rượu để về. "Chú không uống là không tôn trọng anh?", người anh nói đi nói lại, rồi khoác vai, kéo Mạnh xuống mâm nhưng anh kiên quyết từ chối. Hôm sau, người anh họ đến nhà "kể tội" Mạnh khiến anh bị bố giận. Cái Tết năm nay trở nên khó xử với Đức Mạnh.
Theo Phó giáo sư Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia, người Việt có thói quen uống rượu bia vì nhiều lý do khác nhau, như tính quảng giao, thích tụ tập hay vì những lý do mang tính văn hóa cộng đồng như rượu là đồ dâng cúng, thức uống không thể thiếu được trong các nghi lễ, sinh hoạt tập thể. Vì lý do này, ở những nơi tính cộng đồng còn cao, những dịp mọi người tụ tập là những lúc rượu bia được tiêu thụ nhiều.
Văn hóa uống rượu bia tại Việt Nam nay đã khác xưa. Nếu như thời xưa rượu bia là để thưởng thức thì nay trở nên thái quá, tạo nên một trào lưu, một nét xấu trong văn hóa người Việt. Người tửu lượng cao thì liên tục mời ép người khác uống. Đôi lúc các thành viên trong cuộc vui cùng xúm vào khích bác người không uống được phải nhiệt tình cùng tập thể, để "say thì cùng say, không say không về".
Ông Hirota Fushihara cho biết thêm, người Nhật rất quán triệt khẩu hiệu: "Uống thì không lái xe, lái xe thì không uống rượu". Đại đa số người dân Nhật khi uống sẽ nhờ người nhà đón, thuê dịch vụ lái hộ, hoặc sử dụng giao thông công cộng. Còn ở Việt Nam thì hầu như chưa có nhiều người ý thức được tầm quan trọng của khẩu hiệu này.
"Rượu đã góp phần cho sự phát triển của văn hóa, đoàn kết của xã hội, sẻ chia cuộc sống giữa những người dân. Nhưng rượu uống quá nhiều sẽ hại cho sức khỏe bản thân. Uống rượu mà lái xe thì rõ ràng là nguy hiểm cho bản thân và người khác. Trong mọi trường hợp, chúng ta phải biết thế nào là vừa phải. Nếu biết vừa phải, không chuốc rượu, ép rượu thì uống rượu đâu phải là văn hóa xấu", ông Hirota bày tỏ.
Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, năm 2019, cả nước xảy ra 17.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết trên 7.600 người và bị thương trên 13.000 người. 40% số vụ tai nạn giao thông trên cả nước trong 11 tháng có liên quan đến rượu bia.
Từ 1/1, người uống rượu, bia (dù uống ít) mà điều khiển xe ôtô, mức xử phạt cao nhất 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô, mức phạt 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.
Phan Dương