Nhiều năm qua, kho tang vật của Công an huyện Bình Chánh với hơn 1.800 xe máy hư hỏng, dàn áo bạc màu, phủ đầy bụi, nằm chồng chất lên nhau. Xe cũ, bể nát thu giữ từ các vụ án, tai nạn, vi phạm giao thông để lẫn với nhiều chiếc còn mới. Bên ngoài kho, hàng trăm xe xếp dọc lối đi cỏ mọc um tùm. Kho hết chỗ chứa nhưng trung bình mỗi tháng vẫn nhận khoảng 100 xe tang vật khiến nơi đây quá tải, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Tình trạng xe tang vật xếp từng đống, phơi nắng mưa cũng xảy ra tại kho của công an nhiều địa phương, đơn vị ở thành phố. Theo thống kê, hiện các quận huyện và Phòng CSGT TP HCM (PC08) thu giữ khoảng 90.000 xe máy, ôtô vi phạm. Trong đó, hơn 12.800 phương tiện (chủ yếu xe máy) bị Công an thành phố sung vào ngân sách nhà nước để xử lý hoặc bán đấu giá.
Theo quy định, xe tang vật quá thời hạn tạm giữ 30 ngày không ai đến nhận, công an sẽ hai lần thông báo công khai (trên cổng thông tin, báo chí) để tìm chủ sở hữu. Hết một năm kể từ lần thông báo thứ hai, xe sẽ bị tịch thu và đưa ra đấu giá.
Đại tá Phạm Hoàng Thảo, Trưởng công an huyện Bình Chánh, cho biết hiện thủ tục xử lý tang vật mất nhiều thời gian, phải trải qua nhiều bước từ xác minh, tìm chủ xe đến kiểm định, thẩm định. "Trung bình để đấu giá được một xe phải mất hơn hai năm. Kho hết chỗ chứa nhưng ba năm qua, đơn vị chỉ đấu giá được một lần với lô hơn 350 chiếc", ông Thảo nói.
Theo đại diện Công an quận 6, những xe được đưa ra đấu giá phải qua 6 công đoạn xác minh, có khi mất hơn một năm. Sau đó, hồ sơ phương tiện được chuyển cho đội chính trị - hậu cần để lập phương án đấu giá để trình lên Công an thành phố. Sau khi cấp này phê duyệt, hồ sơ phải chuyển ra Bộ Công an xem xét, đồng ý rồi mới chuyển về quận, huyện để đấu giá.
Việc đấu giá phải tiến hành làm lại từ đầu nếu quá trình thực hiện có sự thay đổi lãnh đạo công an quận hoặc chỉ huy đơn vị liên quan. Theo đại diện Công an quận 6, quy trình đấu giá phải qua nhiều tầng nấc như hiện nay khiến việc thanh lý tài sản rất nhiêu khê. Trong khi theo quy định trước đây, sau khi xong công tác xác minh, hồ sơ đấu giá chỉ cần UBND quận hoặc thành phố phê duyệt, thường mất 6-12 tháng.
Ngoài thời gian đấu giá kéo dài, xe hư hỏng và xuống cấp cũng là nguyên nhân khiến công tác thanh lý gặp khó. Đại diện Công ty đấu giá hợp danh Khải Bảo cho hay hầu hết xe đưa ra thanh lý bị bên tham gia đấu thầu xếp vào hàng phế liệu, giá khởi điểm thấp, kén người mua. Thông thường một lô xe tang vật, bên trúng đấu giá chỉ trả hơn 20-30% so với mức khởi điểm.
"Công ty đang làm thủ tục thanh lý 954 xe máy ở kho Công an huyện Hóc Môn, với giá khởi điểm 479 triệu đồng. Lô hàng này trước đó qua hai lần đấu giá với mức trung bình 500 nghìn một xe nhưng đều thất bại do bên trúng thầu bỏ cọc", đại diện Công ty Khải Bảo nói.
Gần một tháng qua, HĐND TP HCM lập nhiều đoàn kiểm tra bảo quản và xử lý xe tang vật ở thành phố. Tại các buổi làm việc, phần lớn công an quận huyện kiến nghị cần đơn giản thủ tục sung công nhằm rút ngắn thời gian đấu giá từ hơn hai năm xuống còn một năm. Với một số loại xe tự chế, không nguồn gốc, cơ quan chức năng có thể bỏ qua bước tìm chủ xe mà tịch thu ngay để giúp đấu giá nhanh hơn.
Đại tá Phạm Hoàng Thảo, Trưởng công an huyện Bình Chánh đề xuất trước khi đưa ra thanh lý, lô xe cần được phân loại về giá trị nhằm thu hút bên mua thay vì bán trộn lẫn theo từng lô. Một lô hàng đấu giá chỉ cần từ 100 xe thay vì bắt buộc hơn 300 chiếc như hiện nay. Việc này tạo điều kiện cho bên mua dễ huy động kinh phí, nhanh giải phóng nguồn hàng, đỡ tốn tiền lưu kho bãi.
Theo một số công an quận huyện, sau khi áp dụng Nghị định 100, mức xử phạt vi phạm giao thông tăng cao, nhiều chủ xe bỏ không đóng phạt. Một năm qua, TP HCM ghi nhận hơn 9.300 xe máy bị tạm giữ không có người nhận, khiến các kho ngày càng quá tải. Trước tình hình này, PC08 thành phố kiến nghị xây 4 kho giữ xe tang vật ở các cửa ngõ thành phố nhằm giảm tải cho các cơ sở.
Thành phố cũng đề xuất Bộ Công an phân cấp, uỷ quyền trong phê duyệt phương án, rút ngắn thời gian xử lý tang vật.
Đình Văn