Ngày 17/8, bác sĩ Phạm Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Y học Giới tính, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết bệnh nhân đến khám khi thường xuyên mất ngủ, lo âu. Khai thác tiền sử, người phụ nữ không mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, không bị rối loạn chuyển hóa. Chị đã kết hôn, có 2 con, mối quan hệ vợ chồng tốt, không phải chịu những áp lực về kinh tế hay công việc.
Cách đây một năm, do lo lắng mang thai ngoài ý muốn, chị tránh thai bằng phương pháp tiêm. Sau 6 tháng, người phụ nữ thấy giảm ham muốn rõ rệt. Tần suất quan hệ trước đây 3-4 lần/tuần, hiện còn 1-2 lần/tháng, mỗi lần ân ái giảm tiết chất bôi trơn, khô rát âm đạo, dẫn đến đau đớn.
"Vì điều này mà vợ chồng thường xuyên cãi vã, bất hòa trong cuộc sống", chị chia sẻ.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị giảm nồng độ estrogen và testosterone, tăng prolactin, dẫn đến tăng ức chế, giảm kích thích tình dục, gây rối loạn kinh nguyệt, chán ăn, mệt mỏi, căng thẳng.
Bác sĩ chẩn đoán người phụ nữ bị suy giảm ham muốn tình dục sau tiêm thuốc tránh thai, tư vấn điều trị bằng liệu pháp nội tiết kết hợp thay đổi lối sống sinh hoạt. Sau hai tháng, người bệnh đã lấy lại được cảm hứng khi yêu, không đau khi quan hệ.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân suy giảm ham muốn tình dục cần thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tập thể dục. Phụ nữ cần giải tỏa áp lực, stress, dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân, đi dạo, yoga; không dùng rượu bia, các chất kích thích, không thức khuya.
Trường hợp bệnh nhân bị suy giảm ham muốn kéo dài từ 3 đến 6 tháng, nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị.
Thúy Quỳnh