Ăn kiêng đã trở thành một phần văn hóa của Hàn Quốc. Đây là điều đầu tiên nhiều người nghĩ đến nếu muốn giảm cân. Tại các nước khác, khi nhắc đến chế độ ăn kiêng, người ta thường đề cập tới mô hình hoặc thói quen ăn uống duy trì trong thời gian dài. Ở Hàn Quốc, ăn kiêng đồng nghĩa với việc hạn chế lượng thức ăn hoặc ngừng ăn hoàn toàn.
Người dân cũng rất coi trọng văn hóa ăn kiêng. Các xu hướng, phương pháp và sản phẩm ăn kiêng tại Hàn độc đáo và tiên tiến nhất thế giới. Lý do đằng sau đó là tiêu chuẩn khắt khe về ngoại hình, đặc biệt với phái nữ. Các cô gái mang áp lực về thân hình mảnh mai, thon gọn.
Adelina Korganbek, 19 tuổi, đến từ Kazakhstan, cho biết các sản phẩm đa dạng tại Hàn Quốc khiến việc ăn kiêng của cô trở nên dễ dàng hơn. "Tại các quán cà phê và nhà hàng, tôi có nhiều lựa chọn, từ các thực phẩm giàu protein đến những món ít đường và ít calo", cô chia sẻ.
Các nhà hàng tại Hàn Quốc nỗ lực cải tiến những loại thức ăn như mì ống, bánh ngọt theo cách lành mạnh nhất có thể. Điều này cho phép người dùng bác bỏ suy nghĩ thực phẩm tốt cho sức khỏe thường không ngon miệng. Korganbek đã trực tiếp trải nghiệm điều này.
"Ăn kiêng ở Hàn Quốc không khó khăn vì các nguồn thực phẩm sẵn có. Nhiều siêu thị trực tuyến như Kurly, Coupang và Baedal Minjok's B Mart cung cấp lựa chọn dễ dàng, giá cả phải chăng và tốt cho sức khỏe", cô nói.
Tuy nhiên, văn hóa ăn kiêng của Hàn Quốc không dừng lại ở đó. Người tiêu dùng có thể dễ dàng truy cập thông tin về thực phẩm và chế độ ăn uống trên các phương tiện truyền thông, từ gợi ý nhà hàng đến chế độ ăn khuyến nghị.
Sự phong phú này đôi khi ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhiều người. Nhiều phương pháp ăn kiêng phổ biến bị phản tác dụng, để lại kết quả không mong muốn, Amber Harris, 21 tuổi, sinh viên đến từ Mỹ, cho biết.
Cô chỉ ra một chế độ ăn từng phổ biến trên mạng xã hội, trong đó nữ ca sĩ thần tượng K-pop chỉ ăn một quả táo vào bữa sáng, hai củ khoai lang vào bữa trưa và một ly sinh tố protein vào bữa tối. Người này được cho là đã giảm 2 kg mỗi ngày.
Nhiều phụ nữ sau đó thử nghiệm chế độ ăn trên và rầm rộ chia sẻ kết quả của mình trên mạng xã hội. Harris cho rằng trào lưu này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, góp phần tạo ra một văn hóa ăn kiêng "độc hại".
Người Hàn Quốc cũng rất thích tính toán lượng calo nạp vào cơ thể. Thói quen này phổ biến đến mức nhiều nhà hàng chủ động ghi chú mức calo của từng món ăn trên thực đơn.
"Tôi nghĩ nó hữu ích đối với những người quan tâm đến lượng calo nạp vào cơ thể", Nicole Bedia, 19 tuổi, đến từ Philippines, nhận định.
Korganbek cho rằng điều này có lợi cho những ai muốn ăn tối nhưng không muốn hấp thụ quá nhiều calo. Tuy nhiên, nó vô tình khiến các cô gái cảm thấy áp lực, tác động tiêu cực đến cách nhiều người nhìn nhận cơ thể, gây ra sự kỳ thị đối với việc ăn uống.
Harris nhận định xã hội Hàn Quốc có xu hướng khắt khe hơn khi nói đến ngoại hình, "với một tiêu chuẩn về vẻ đẹp lý tưởng cực kỳ không lành mạnh". Bedia cũng lo ngại về ảnh hưởng của văn hóa ăn kiêng đối với thế hệ trẻ.
"Tôi nghĩ rằng người trẻ chịu áp lực phải phù hợp với xu hướng xã hội. Họ có thể trở thành nạn nhân lớn của các chế độ ăn không lành mạnh được lan truyền trên các phương tiện truyền thông", cô nói.
Theo Jinbo He, chuyên gia về rối loạn ăn uống tại Đại học Hong Kong, truyền thông châu Á đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lý tưởng về thân hình gầy, khuyến khích phụ nữ tự ngược đãi bản thân. Tuy nhiên, các cơ quan y tế công cộng và ngành truyền thông vẫn chưa nhận thức được tác hại mà điều này gây ra.
"Mạng xã hội khiến các cô gái ngày càng chú trọng đến ngoại hình và xem gầy gò là thân hình lý tưởng. Họ cho rằng việc cổ vũ chứng rối loạn ăn uống là một trong những phương pháp để phát triển bản thân", Ko Jung-kyung, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện rối loạn Ăn uống và Sức khỏe Tâm thần tại Đại học Inje, nói.
Một trong những hậu quả trầm trọng của chứng rối loạn ăn uống là bệnh chán ăn tâm thần. Bệnh nhân sẽ có cảm giác sợ hãi về việc tăng cân, thậm chí không thể nhận ra mức độ nghiêm trọng khi trọng lượng cơ thể giảm thấp đáng kể.
Bệnh này chia thành hai loại, một là người bệnh hạn chế lượng thức ăn nạp vào bằng cách ăn càng ít càng tốt. Hoặc bệnh nhân tiêu thụ thực phẩm, nhưng sau đó bị nôn hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng để tống thức ăn ra ngoài.
Rối loạn ăn uống từ lâu được coi là hiện tượng của phương Tây. Nhiều người nổi tiếng như Công nương Diana, Taylor Swift và Lady Gaga đã công khai chia sẻ nỗi khó khăn của họ trước công chúng.
Tình trạng này dần trở nên phổ biến ở các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo báo cáo của China Newsweek, Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải ghi nhận số ca rối loạn ăn uống tăng từ một trường hợp vào năm 2002 lên 2.700 trường hợp năm 2019. Hầu hết bệnh nhân gặp khó khăn khi tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia do nhận thức thấp và tình trạng kỳ thị về các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Thục Linh (Theo Korea JoongAng Daily)