Từ năm 2003, luật Đất đai quy định đất đai là tài sản chung của gia đình phải có tên cả vợ và chồng trên sổ đỏ. Ảnh: sanbatdongsanviet.vn. |
Hiện nay toà vẫn chưa biết phân xử như thế nào cho hợp tình hợp lý. Chị Hoa (xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) và gia đình chị giờ mới thấy tiếc vì đã không chuyển đổi tên chủ sở hữu mảnh đất khi mua. Hiện mẹ con chị vẫn đang phải thuê nhà để sống. Thương con, bà Tâm, mẹ chị uất ức nói: "Giá mà ngày đó gia đình tôi biết được chính sách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2 tên thì con gái tôi bây giờ không phải chịu cảnh thiệt thòi như thế".
Không chỉ có chị Hoa, rất nhiều phụ nữ, nhất là ở các tỉnh vùng núi, hay vùng xa, vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc cùng đứng tên với chồng trên sổ đỏ. Thậm chí có nhiều người còn chưa hề nghe nói đến quy định này.
Theo khảo sát mới nhất của Tổ chức ActionAid Việt Nam, phối hợp cùng Mạng lưới Các tổ chức xã hội dân sự vì an ninh lương thực và giảm nghèo (CIFPEN) thực hiện tại 12 xã thuộc 6 tỉnh ở Việt Nam từ 15/7 đến 4/8 vừa qua, phần lớn sổ đỏ 2 tên mới chỉ được cấp cho một tỷ lệ nhỏ. Ở Hoà Bình và Lai Châu là 1-5%; các tỉnh còn lại tỷ lệ cao hơn một chút 10-15% (tính chung cho các loại đất).
Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2003 và các văn bản dưới luật ghi rõ: Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng. Nếu hộ gia đình đề nghị chỉ ghi họ tên vợ hoặc họ tên chồng thì phải có văn bản thoả thuận của vợ và chồng có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều phụ nữ không được thực hiện quyền này, đơn giản chỉ vì họ không biết, nghĩ rằng chỉ mình chồng đứng tên là đủ, không được chồng đồng ý hay thậm chí do thủ tục đổi sổ từ 1 tên sang 2 tên rắc rối, tốn kém. Chỉ khi sự việc gia đình không may xảy ra họ mới nhận thấy bị thiệt thòi và họ cam chịu theo tập quán phụ nữ không phải là người chủ gia đình.
"Tôi chưa bao giờ nghe nói đến giấy chứng nhận quyền sử đụng đất 2 tên cả, bây giờ mới nghe các chị nói lần đầu", chị Đinh Thị Quyết, trưởng trạm khuyến nông khuyến lâm của huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, cho biết.
Còn một chị hội trưởng phụ nữ cấp huyện khu vực Miền Trung - Tây Nguyên thì đơn giản nghĩ rằng "Người Phụ nữ Á Đông vẫn có quan niệm rằng của chồng công vợ nên việc mình có tên trong sổ đỏ hay không là không quan trọng.’’
Tại Trà Vinh và Vĩnh Long, các khảo sát viên của ActionAid Việt Nam cũng ghi nhận nhiều cán bộ và dân địa phương cho rằng đã có sổ đỏ từ lâu rồi, nếu đổi được thì tốt, không đổi cũng không sao.
Trên thực tế việc chủ hộ (là người chồng) đứng tên một mình trong sổ đỏ đồng nghĩa với việc chồng được quyền quyết định với tài sản đất đai, khi chồng muốn bán hoặc chuyển nhượng cho ai, người vợ không có quyền tham gia hoặc tham gia cũng "chỉ lấy lệ". Khi gia đình bất hòa đưa nhau ra toà ly hôn, người vợ thường bị thiệt thòi và gặp rắc rối trong phân chia tài sản vì không chứng minh được nguồn gốc đất. Khi chồng bị ốm đau người vợ muốn vay vốn ngân hàng thì không chủ động được, hoặc không may nếu chủ hộ mất thì việc chuyển quyền thừa kế cũng lâu hơn và thủ tục hành chính khá rườm rà.
Cũng có những lý do từ phía chính quyền cho việc chưa lập sổ đỏ 2 tên. Tại một số huyện, trước kia phòng Tài nguyên và Môi trường đã mua dư nhiều loại sổ đỏ để cấp cho chủ hộ (chủ yếu là người chồng) và mẫu này chỉ có một khoảng nhỏ để in tên một người, nay nó trở thành lực cản cho việc ghi hai tên. Có những nơi, chính quyền cho biết đa phần sổ đỏ đã được cấp trước năm 2003 và từ đó đến nay chưa có người dân nào đề nghị cấp lại và vì vậy họ cũng "không chú ý".
Theo các chuyên gia của ActionAid Việt Nam, với sổ đỏ 2 tên, phụ nữ sẽ có điều kiện để chủ động trong việc quyết định sử dụng quyền sử dụng đất để phát triển kinh tế gia đình, đảm bảo quyền lợi khi ly dị, chồng chết, gia đình bất hòa... Chính vì vậy, chị em phải chủ động trong việc cùng chồng đi đăng ký mới (hoặc chuyển) sổ đỏ sang hai tên.
T. An
* Tên nhân vật Hoa đã được thay đổi