Vốn biết mình khó thụ thai nên với chị Duyên, ngày biết tin có bầu thực sự là một ngày trọng đại. Lấy chồng gần hai năm, sau bao tháng ngày chờ mong, đi khám hết chỗ nọ đến chỗ kia, chị mới mang bầu. Thế nhưng niềm vui đó chẳng kéo dài lâu, được hơn 3 tháng thì chị bị sốt, hai ngày sau thì bắt đầu phát ban toàn thân.
Đến khi đi khám thì chị nhận được tin dữ mình bị nhiễm virus rubella. Bệnh ảnh hưởng đến thai và gây dị tật, nhất là trong 3 tháng đầu. Nghe bác sĩ nói mà con tim chị như rụng rời, bao nhiêu hy vọng đều tan biến.
"Không có bầu lại là một chuyện khác, đằng này có rồi mà mình không thể giữ được. Phải bỏ đi đứa con mà bấy lâu nay mình mong ước cũng giống như cắt từng khúc ruột của mình. Nhiều lúc tôi tự nhủ hay là mình cứ đánh liều, cứ sinh con ra biết đâu con lại khỏe mạnh. Nhưng rồi tôi lại sợ sinh nó ra lỡ bị gì mà mình thì không sống cả đời với nó để chăm sóc được", chị Duyên buồn bã chia sẻ.
Chị em cần được trang bị kiến thức một cách đầy đầy đủ trước khi có bầu để tránh sinh con dị tật. Ảnh minh họa: P.N. |
Cũng giống như chị Duyên, không ít thai phụ đã phải quyết định phá thai khi phát hiện mình bị rubella trong khi dịch bùng phát mạnh tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc thời gian qua. Nguy cơ trẻ sinh ra bị dị tật khi thai phụ bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu là rất cao, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà cho biết.
"Trong khi đó, biện pháp phòng hữu hiệu nhất chỉ là tiêm văcxin phòng rubella trước khi mang thai thì nhiều chị em lại quên. Không chỉ với rubella mà còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà các bà mẹ đều có thể phòng tránh. Chi phí đó không hề đắt, có khi chỉ bằng một hộp axit folic giá hơn chục nghìn đồng để phòng tránh dị tật ống thần kinh cho trẻ", bác sĩ Dung nói.
Trong một hội nghị khoa học được tổ chức gần đây về giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ông Vũ Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng các dòng họ Việt Nam cho biết, tỷ lệ người bị khuyết tật tại nước đã tăng cao hơn so với những dự báo trước đây. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tỷ lệ người bị khuyết tật là hơn 7%, khoảng 6 triệu người (trong khi dự báo trước đó chỉ khoảng 6,5%).
"Trong số này, có một tỷ lệ không nhỏ là dị tật, khuyết tật bẩm sinh. Trừ một số di chứng chiến tranh - chất độc màu da cam để lại, còn phần lớn phụ thuộc vào sức khỏe, bệnh tật và ăn uống của người phụ nữ khi mang thai", ông Hà cho biết.
Vì thế, theo các chuyên gia rất cần có một kế hoạch tổng thể tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, hướng dẫn các cặp vợ chồng kiến thức để tránh sinh con dị tật.
Theo đó, cần ghi nhớ trong 3 tháng cuối thai kỳ, thai phụ phải ăn đủ các chất béo không no, đủ đạm, sắt, iốt, kẽm... để giúp cho khối óc của trẻ hình thành tốt nhất. Lý do là các tế bào của trẻ được hình thành chủ yếu từ lúc bào thai 7 tháng cho đến khi trẻ 24 tháng tuổi. Từ đó về sau các tế bào não giảm dần về số lượng.
Bên cạnh đó, ngoài việc chăm sóc về thể lực (mẹ tăng 12 - 14 kg kể từ khi thai nghén) thì việc để người mẹ vui vẻ về tâm trí cũng quan trọng. Lý do là rối nhiễu tâm trí từ mẹ sẽ ảnh hưởng đến thể chất tinh thần của con, một điều mà nhiều người chưa chú ý, ông Hà cho biết.
Đặc biệt, để tránh dị tật cho thai nhi, trước khi mang bầu 3 tháng chị em nên đi tiêm phòng các bệnh như cúm, viêm gan B, rubella... Bắt đầu bổ sung viên sắt và axit folic để phòng tránh dị tật ống thần kinh của thai nhi một tháng trước khi có thai.
Phương Trang