Khi vừa tốt nghiệp ngành Báo chí, Lan đọc được thông tin tuyển dụng vị trí truyền thông nội bộ của một công ty công nghệ thông tin. Với tấm bằng khá, ngoại hình ổn và từng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa với vai trò MC, tổ chức sự kiện, hậu cần hay hoạt náo viên, Lan tự đánh giá mình phù hợp với mô tả công việc vị trí này. Cô nhanh chóng gửi CV.
Quá thời hạn nộp hồ sơ khoảng một tháng, Lan không nhận được phản hồi nên trực tiếp liên hệ lại bộ phận tuyển dụng. Họ cho biết đã trả lời mọi email ứng tuyển đợt đó và cũng đã tìm được ứng viên phù hợp. Nhà tuyển dụng cho rằng có thể email do Lan gửi đi bị lỗi hoặc thiếu tiêu đề nên bị bỏ qua.
Kiểm tra lại email đã gửi, Lan giận chính mình. Mail của Lan đúng là không có tiêu đề. "Tôi đã quá thiếu sót và chỉ còn biết tự trách mình. Đó là bài học lớn mà đến giờ, khi đã có công việc tương tự ở một ngân hàng, tôi vẫn không thể quên", Lan nói.
Nhiều sinh viên mới ra trường cũng phạm những lỗi tương tự. Trên một số diễn đàn, nhiều chuyên gia tuyển dụng phàn nàn về việc ứng viên cẩu thả trong cách gửi email với một số lỗi phổ biến như: chỉ đính kèm CV, không có nội dung thư; quên đính CV; nội dung thư sơ sài; chuyển tiếp mail xin việc tới vài đơn vị mà không chỉnh sửa, thay đổi.
Chia sẻ tại Hội chợ việc làm - Cầu nối nhân lực năm 2022 do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 28/4, chị Ngô Bảo Ngọc, Phòng Đối tác nhân sự phía Bắc của Ngân hàng TMCP Tiên phong (TP Bank), cho biết từng gặp nhiều sinh viên mới ra trường có chuyên môn tốt nhưng "mất điểm" vì những điều tưởng chừng rất nhỏ như email, CV xin việc.
Nhiều năm làm công việc tuyển dụng, chị nhận được những CV chỉ có tên mà không có ngày sinh; không có số điện thoại, địa chỉ liên hệ; không có ảnh hoặc sử dụng ảnh selfie. "Những CV kiểu đó không gây được thiện cảm với nhà tuyển dụng", chị Ngọc chia sẻ.
Với chị, email ứng tuyển và CV tạo ấn tượng ban đầu, thể hiện ứng viên có chỉn chu, thực sự thiện chí với công việc hay không. Những email hoặc CV cẩu thả, dù là vô ý, cũng có thể khiến ứng viên mất đi cơ hội việc làm tốt.
Ngoài bước gửi hồ sơ, chị Ngọc chỉ ra một số lỗi mà ứng viên gặp phải khi đi phỏng vấn xin việc như lỗi trang phục, thái độ. Chị kể về một buổi phỏng vấn tìm giao dịch viên - vị trí được coi là bộ mặt của ngân hàng, cần ngoại hình và sự chỉn chu.
Hôm đó, hội đồng tổ chức phỏng vấn tập trung với năm ứng viên vào phòng cùng lúc. Một trong năm bạn đó mặc sơ mi trắng nhưng không được là lượt cẩn thận, "trông khá xuề xoà". Một bạn khác thể hiện gương mặt thẫn thờ trong lúc hội đồng đang tương tác với ứng viên khác. Hai bạn này sau đó bị loại.
"Đã bước vào phòng phỏng vấn, cách ăn mặc và mọi cử chỉ, lời nói của các bạn đều được chú ý. Ví dụ với ứng viên thẫn thờ, thiếu tập trung, chúng tôi nghĩ họ không thực sự tôn trọng người tham gia phỏng vấn cùng và nhà tuyển dụng", chị Ngọc nói.
Chị cũng nhận thấy nhiều tân cử nhân không chịu tìm hiểu về vị trí việc làm, doanh nghiệp trước buổi phỏng vấn, khiến họ thiếu thông tin, ngôn ngữ cơ thể không tự nhiên, không thể đặt câu hỏi ngược lại với nhà tuyển dụng mà chỉ trả lời một cách bị động.
Chị Ngọc mong muốn sinh viên chú trọng phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp khi còn ngồi trên ghế nhà trường. "Tham gia các hoạt động ngoại khóa, đi làm thêm, thực tập sớm từ năm hai, năm ba là những cách giúp các bạn cải thiện kỹ năng", chị chia sẻ.
Chị Đặng Minh Huyền, Giám đốc nhân sự Ngân hàng Quân đội (MB), nhấn mạnh ngoài giao tiếp, sinh viên cũng cần trang bị một số kỹ năng khác như tập hợp và giải quyết vấn đề. Theo chị Huyền, gen Z có những điểm rất nổi trội như năng động, sáng tạo, sẵn sàng học hỏi. Nhiều bạn giỏi về chuyên môn nhưng chưa biết cách thuyết phục nhà tuyển dụng bằng CV hay trong khoảng 20-30 phút phỏng vấn.
"Các bạn giỏi nhiều thứ nhưng nếu cứ kể lan man trong CV hay trong lúc phỏng vấn sẽ không tạo được ấn tượng. Biết cách chọn ra điểm mạnh phù hợp với vị trí doanh nghiệp đang tìm kiếm mới giúp bạn thuyết phục được họ ngay và luôn", chị Huyền nhấn mạnh.
Chuyên gia này chia sẻ thêm các nhà tuyển dụng ở nhiều lĩnh vực hiện kỳ vọng sinh viên có khả năng theo đuổi những xu hướng mới về chuyển đổi số và luôn tìm kiếm các ứng viên có tư duy sử dụng công cụ số. Việc trang bị các kỹ năng liên quan này cùng các chứng chỉ ngoài bằng cấp trong trường đại học sẽ là cách tạo lợi thế vượt trội.