Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo Ban quản lý dự án 2 (PMU 2) cho biết, qua trời nắng nóng khiến bê tông trên bản thép tại mặt cầu có lúc lên gần 70 độ C. Sau đó mưa đột ngột khiến bê tông co ngót, nhiều đoạn hư hỏng nghiêm trọng.
Từ đầu tuần này, đơn vị thi công là nhà thầu Bảo Quân bắt đầu sửa chữa bề mặt cầu Thăng Long vào ban đêm. Nếu thời tiết thuận lợi, dự kiến việc sửa chữa hoàn thành trong 10 ngày, với chi phí khoảng 700 triệu đồng do đơn vị này chi trả. Sau lần sửa chữa này, cầu Thăng Long sẽ được bàn giao cho Hà Nội quản lý vì đã hết thời gian bảo hành.
"Sau thời gian bảo hành, những đoạn mặt cầu không bị hư hỏng thời gian qua sẽ tồn tại được lâu dài, còn điểm không ổn định thì vẫn phải sửa chữa thường xuyên, như việc chúng ta phải duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường", đại diện PMU 2 cho biết.
Mặt cầu Thăng Long mới đây bị co ngót bê tông tạo vết nứt. Ảnh: Phương Sơn. |
Cuối năm 2009, cầu Thăng Long được đầu tư hàng chục tỷ đồng để bóc toàn bộ lớp phủ, thay lớp bê tông nhựa trên mặt cầu rộng 16,5 m, dài gần 1,7 km. Tuy nhiên, 2 tháng sau khi thông xe, mặt cầu xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài khiến đơn vị thi công phải bóc lớp bê tông và sửa chữa lại với kinh phí 8 tỷ đồng.
Dù đã được thảm lại, song 2 năm qua mặt cầu Thăng Long vẫn bị lồi lõm. Theo lãnh đạo PMU 2, chi phí cho nhiều lần sửa chữa cây cầu này ước tính 5 tỷ đồng, do nhà thầu Bảo Quân chi trả.
Cuối năm 2011, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa dự án sửa chữa cầu Thăng Long vào danh sách 1 trong 5 dự án trọng điểm phải thanh kiểm tra chất lượng. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, các đơn vị thực hiện dự án đã áp dụng giải pháp thiết kế và sử dụng kết cấu chưa phù hợp, thiết kế hệ thống thoát nước không đồng bộ dẫn đến đọng nước làm hư hỏng mặt đường.
Đoàn kiểm tra đã đề xuất phải kiểm điểm việc quản lý dự án cũng như quản lý chất lượng xây dựng công trình đối với những người chịu trách nhiệm.
Đoàn Loan