Phát biểu tại hội thảo về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình sáng 14/8, ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Dân số, Bộ Y tế cho biết, từ năm 2006 đến nay, mức sinh của Việt Nam luôn ở dưới mức thay thế. Số lượng trẻ sinh ra giảm (6 tháng đầu năm cả nước có hơn 600.000 trẻ sinh ra, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái), nhưng chỉ giảm trẻ em gái. Tỷ số giới tính khi sinh là 114 - cao hơn cả chỉ tiêu đặt ra vào năm 2015.
Suốt hai thập kỷ (1979-1999), tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam mỗi năm chỉ tăng trung bình 0,1 điểm phần trăm, nhưng từ năm 2006 đến nay, tỷ số này luôn tăng mạnh. Có năm tăng tới một điểm phần trăm, tức là gấp 10 lần so với trước đây. Hiện tỷ số này đã cao tới mức nghiêm trọng.
“Chúng ta đã làm quyết liệt vấn đề này, nhưng vẫn chưa đủ thay đổi tập quán, thói quen thích sinh con trai hơn con gái. Tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, nếu không ngăn được thì hậu quả sẽ rất nặng nề về sau”, ông Trọng nói và cảnh báo đến năm 2025 trở đi Việt Nam sẽ chịu hậu quả của việc thừa nam thiếu nữ.
Bức tranh hiện tại của Trung Quốc, Ấn Độ… là một bài học cho Việt Nam. Trung Quốc hiện thiếu 67 triệu phụ nữ; còn Ấn Độ gần đây nổi lên nhiều hành vi man rợ về bạo lực giới, bạo lực tình dục, đang thiếu 42 triệu phụ nữ.
Nhiều chuyên gia quốc tế từng cho rằng tỷ số giới tính khi sinh tăng ở những nước có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (ưa thích con trai hơn con gái), nhưng chưa có nước nào lại có tốc độ gia tăng nhanh như Việt Nam.
Nhiều người vừa muốn sinh ít con lại vừa muốn sinh con trai nên áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện. Họ áp dụng từ lúc bắt đầu chuẩn bị có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn); trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, thụ tinh, lọc rửa tinh trùng, chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y); khi đã có thai (sử dụng siêu âm, chọc hút dịch ối) để chẩn đoán giới tính, khi thai là con trai thì họ giữ lại, nếu là con gái thì bỏ đi.
Là một trong những địa phương có tỷ số giới khi sinh đang ở mức báo động, ông Nguyễn Trung Thành, Phó chi cục trưởng Dân số Nghệ An cho rằng phong tục, tập quán, thói quen trong sinh đẻ (đẻ nhiều con), đặc thù nghề nghiệp và an sinh xã hội chưa tốt đang là nguyên nhân dẫn tới nhu cầu sinh con trai.
Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của Nghệ An hiện ở mức cao - khoảng 18%, và có thể tiếp tục gia tăng. Có gia đình đến 14 người con, thậm chí có người giữ chức vụ lãnh đạo cũng vi phạm. Ông Thành cho rằng, chính sách nới lỏng việc xử lý cán bộ, Đảng viên vi phạm quy định về dân số góp phần làm tăng tỷ lệ này. Trước kia họ bị cảnh cáo hoặc cách chức thì nay chỉ khiển trách. Số cán bộ, đảng viên vi phạm không nhiều, nhưng người dân nhìn vào và làm theo.
Nam Phương