Trần Thị Kim Châu, 31 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP HCM, đến Sri Lanka hồi đầu năm, khi nước này chưa xảy ra khủng hoảng kinh tế. Cô và bạn trai người Đức lựa chọn Sri Lanka là nơi gặp nhau, do là nước hiếm hoi thời điểm đó không cần cách ly hay thủ tục phức tạp. Tuy vậy, Kim Châu vẫn thấy "kinh hoàng" mỗi khi nhớ lại chuyến đi, do "đầu xuôi nhưng đuôi không lọt".
Hành trình bắt đầu từ ngày 27/1. Mọi thủ tục nhập cảnh diễn ra đơn giản, Châu nộp phí 16-18 USD để xin visa trước trên website của Chính phủ Sri Lanka, chuẩn bị chứng nhận test nhanh Covid-19 và một số giấy tờ khác... Đi trùng dịp Tết Nguyên đán, Châu có kỳ nghỉ đáng nhớ ở quốc đảo, tham quan những điểm đến nổi tiếng. Cô tới Udawalawe National Park Safari ngắm động vật hoang dã, ngắm pháo đài cổ xưa Galle Dutch Fort, đền thờ động Dambulla - Di sản Thế giới và các bãi biển tuyệt đẹp...
"Mỗi nơi đều có nét đẹp riêng, như ở bãi biển Galle, tôi thích ngồi nhìn dòng người thi nhau học lướt sóng, hay đi cầu cạn Nine Arches được ví là "cầu trên bầu trời" ở Ella. Con người ở nơi đây khá thân thiện, tốt bụng, nhiệt tình, và đặc biệt hầu hết họ đều giao tiếp tốt tiếng Anh, thậm chí tiếng Đức và tiếng Nga, kể cả người dân ở vùng hẻo lánh", Châu dành nhiều lời khen cho Sri Lanka. Chuyến đi tưởng chừng như mơ cho đến khi Châu tạm biệt bạn trai để trở về Việt Nam. "Mình gọi câu chuyện này là 'quá tam ba bận', Châu nhớ lại, khi phải mất 3 chiếc vé máy bay.
Chiếc vé đầu tiên, quá cảnh ở Bangkok, Thái Lan để về TP HCM, có giá 700 euro khứ hồi. Chặng bay đi ngày 27/1 diễn ra bình thường, song chặng về ngày 27/2 bỗng dưng bị hủy, với lý do được báo trên ứng dụng điện thoại là "chuyến bay không tồn tại". Cô đã cố liên hệ trực tuyến với hãng bay và đội ngũ hỗ trợ của ứng dụng nhưng không có câu trả lời.
Châu ngậm ngùi mua chiếc vé thứ hai với giá một chiều 567 euro, quá cảnh hai chặng ở Indonesia và Singapore vào ngày 27/2. Cô xuất cảnh bình thường ở Sri Lanka, song khi đáp máy bay tại Jakarta, Indonesia, cô được hai người mặc đồng phục đón, cầm biển tên "Kim Châu". Tưởng rằng lúc khởi hành bị delay nên được nhân viên hỗ trợ nối chuyến, Châu không nghĩ ngợi nhiều. Tuy nhiên tim cô "lạc nhịp" khi được đưa tới Immigration Officer (Văn phòng Xuất nhập cảnh).
Tại đây, cô được hỏi vài câu và nhận thông báo sẽ trả về nơi bay, nghĩa là trở lại Sri Lanka. Lý do được đưa ra là Châu không có visa nhập cảnh nên không được phép vào Indonesia. "Mình đã giải thích chỉ quá cảnh 2 tiếng rưỡi để tiếp chuyến đi Singapore, đồng thời đưa ra bằng chứng về xét nghiệm PCR âm tính, có đủ 3 mũi tiêm vaccine và chuyến bay nối tiếp... Khi đó, mình cũng hỏi sẽ xin visa liền được không hoặc bỏ chuyến nối và mua vé mới để về Việt Nam, song vẫn không được đồng ý và phải quay lại Sri Lanka", Châu nhớ lại và cũng nhận một phần lỗi do không xem kỹ quy tắc quá cảnh ở Indonesia thời điểm đó, khi nước này chưa mở cửa. Cô được đưa lên một chuyến bay để trở về Sri Lanka với một chiếc vé không có số ghế, không có tên trên chuyến bay và chưa được thông báo giá.
Đen đủi chưa dừng ở đó. Khi về tới Colombo, Sri Lanka, Châu không nhận được hành lý, còn giấy tờ thì đang bị hãng bay giữ. Bay đi bay lại vừa mệt, vừa đói, vừa bất lực, lại không có giấy tờ tùy thân, Châu cáu kỉnh và cố hết sức để kiên nhẫn chờ đợi. Khi hỏi hãng bay về hành lý, hãng bảo đợi, song 4 tiếng trôi qua không thấy đâu, cô quyết định đòi giấy tờ nhập cảnh. "Mình không hiểu lý do bị giữ giấy tờ, có thể sợ mình không thanh toán vé, nhưng mình đã bảo mệt và cần nghỉ ngơi, ngoài ra không phạm tội gì mà bị giữ giấy tờ tuỳ thân nên đã được trả lại, còn hành lý thì vẫn báo chưa về Sri Lanka", Châu nhớ lại và quyết định không đợi hành lý nữa mà tìm khách sạn ngả lưng. Khi ấy gần 3h sáng.
Nhưng do đến vào lúc hơn 3h sáng nên khách sạn chưa có sẵn phòng (thông thường 11h-14h mới được nhận phòng). Cô được hỗ trợ ngủ ở ghế sofa, hẹn 6-7h sáng sẽ thu xếp được phòng. "Sự nhiệt tình của chủ khách sạn cho mình cảm giác an toàn, ngủ đâu cũng được, chỉ cần được tắm và nghỉ ngơi sau một ngày dài không ngủ", Châu kể.
Ngày hôm sau, hãng bay liên hệ báo hành lý của Châu đã trở về và yêu cầu thanh toán 531 USD vé cho hành trình bị trả về Sri Lanka để lấy lại hành lý. Châu không đồng ý vì cho rằng mình không được thông báo về giá vé trước khi lên máy bay. Mấy ngày sau cô phải đến sân bay liên tiếp để yêu cầu gặp quản lý hãng bay và nhờ phòng an ninh hỗ trợ. Giúp đỡ và đi cùng cô là ông bà chủ khách sạn. Sau nhiều lần như vậy, cuối cùng Châu cũng nhận lại hành lý và không mất tiền oan.
Cuối cùng với chiếc vé thứ ba, vào ngày 1/3, Châu bay được tới Singapore để quá cảnh, rồi cuối cùng hạ cánh an toàn tại TP HCM sau đó. Chiếc vé này cô mua với giá 1.200 USD. "Quá xót tiền. Một chuyến đi tốn kém cả về tinh thần lẫn tiền bạc", cô bày tỏ. Châu gần như bật khóc khi đặt chân xuống Việt Nam. Tổng chi phí cả chuyến đi của cô là khoảng 4.500 USD, tính cả "phí sự cố".
Chuyến đi dù gặp nhiều sự cố nhưng không làm Châu nhụt chí với các trải nghiệm du lịch quốc tế, đặc biệt khi các nước đã mở cửa du lịch trở lại với các hạn chế đa phần gỡ bỏ. "Những trải nghiệm khó quên tại Sri Lanka vẫn không thể chùn được bước của một người ham du lịch như mình, nhưng đó cũng là bài học và kinh nghiệm để mình rút ra những chuyến sau. Mình vẫn ấp ủ cùng bạn trai đi khắp năm châu khi tài chính cho phép", Châu nói.
Trung Nghĩa
Ảnh: NVCC