Grecale gia nhập cuộc đua với tư cách là chiếc SUV thứ hai của Maserati, xe nhắm đến đối thủ như Porsche Macan, Jaguar F-Pace và BMW X3. Grecale tiếp tục mang nhiều truyền thống bấy lâu nay của Maserati như cái tên đặt theo tên của một cơn gió ở bắc Địa Trung Hải, tương tự các mẫu xe trước đây.
Xe có kích thước dài 4.859 mm, rộng 1.979 mm, cao 1.659 mm và có chiều dài cơ sở 2.901 mm. Xe được bán ra với bốn biến thể: GT, Modena và Trofeo cùng với một phiên bản giới hạn "PrimaSerie". Ở biến thể GT và Modena đều sử dụng động cơ hybrid nhẹ trang bị khối pin 48 V kết hợp động cơ 2 lít 4 xi-lanh tăng áp, tuy nhiên phiên bản Modena mạnh hơn 30 mã lực (325 mã lực) so với phiên bản GT (296 mã lực). Cả hai động cơ đều sản sinh mô-men xoắn 450 Nm.
Theo Maserati, phiên bản GT tăng tốc 0-100 km/h trong 5,6 giây và 0-200 km/h trong 23,7 giây, trong khi Modena tăng tốc 0-100 km/h trong 5,3 giây và 0-200 km/h trong 21,9 giây. Hãng cho biết cả hai mẫu xe đều có khả năng đạt tốc độ tối đa 240 km/h. Mức tiêu hao nhiên liệu vào khoảng 8,7-9,3 lít/100 km.
Trong khi đó Trofeo định hướng là biến thể hiệu suất hàng đầu, với động cơ 3 lít V6 tăng áp kép, công suất 523 mã lực và mô-men xoắn cực đại 620 Nm, được lấy cảm hứng từ xe đua Công thức 1 cùng với sự phát triển của khối động cơ "Nettuno" trên MC20 trước đó. Maserati cho biết phiên bản Trofeo có thể tăng tốc 0-100 km/h trong 3,8 giây, 0-200 km/h trong 13,8 giây và tốc độ tối đa 285 km/h, mức tiêu hao nhiệu trên đường kết hợp là 11,2 lít/100 km.
So với MC20, sự khác biệt của khối động cơ trên Grecale là các-te ướt thay vì khô. Điều này cho phép ngắt xi-lanh bên phải của động cơ V6, nhưng vẫn giữ nguyên công nghệ Maserati Twin Combustion (MTC) lần đầu xuất hiện trên Nettuno.
Về thiết kế ngoại thất, nổi bật là lưới tản nhiệt đặc trưng được thiết kế lại và hạ thấp hơn. Tuy vậy, những đường nét mềm mại ít đặc biệt hơn và có phần kém khác biệt so với đàn anh Levante, nhưng được làm nổi bật nhờ chi tiết ba khe thoát gió ở chắn bùn trước và logo cây đinh ba ở cột C.
Đèn pha có phần tương tự MC20, nhưng đèn hậu hình "boomerang" mỏng hơn lấy cảm hứng từ chiếc Giugiaro 3200 GT. Phần đuôi xe làm dốc xuống, mang lại hiệu ứng "coupe" cho khoang cabin. Trọng tâm xe được làm thấp hơn so với tiêu chuẩn của một mẫu SUV.
Trên phiên bản Modena và Trofeo có phần bánh sau rộng hơn 34 mm, thân xe được làm hầm hố hơn và hệ ống xả tách rời. Phiên bản Trofeo được ưu ái khi trang bị phanh Brembo với 6 piston ở phía trước và 4 piston ở phía sau. Xe trang bị bốn chế độ lái: Comfort, GT, Sport và Off-road. Riêng chế độ lái "Corsa" chỉ có trên Trofeo, cho phép can thiệp, đo phản ứng chân ga và tốc độ chuyển số. Kiểm soát độ bám đường cũng được điều chỉnh cho phép xe có thể trượt nhiều hơn, có sẵn trong chế độ Launch Control, mang lại cảm giác phấn khích hơn.
Hệ thống treo khí nén là trang bị tiêu chuẩn trên Trofeo và là tùy chọn trên hai phiên bản còn lại. Hệ thống này có thể điều chỉnh khoảng sáng gầm xe, với 6 tùy chọn, bao gồm nâng 30 mm ở chế độ off-road và giảm 30 mm ở chế độ đỗ xe.
Khoang cabin của Grecale được Maserti tập trung rất nhiều trong quá trình phát triển. Các mẫu xe trước đó, bao gồm cả Levante, bị đánh giá là lép vế khi nói đến thiết kế nội thất, cách bố trí truyền thống không nổi trội so với đối thủ như Audi hay Mercedes. Nội thất được thiết kế hiện đại, nhiều công nghệ, loại bỏ nhiều nút bấm vật lý. Maserati sử dụng màn hình chia đôi trung tâm, tương tự với Range Rover Velar hay Lamborghini Urus. Màn hình trung tâm phía trên kích thước 12,3 inch, trong khi màn hình phía dưới được gọi là "bảng điều khiển tiện nghi" có kích thước 8,8 inch.
Maserati tuyên bố có tới 4 màn hình bên trong, ngoài hai màn hình trung tâm và màn hình đa thông tin sau vô-lăng, có thêm một màn hình nhỏ được gọi là đồng hồ thông minh kỹ thuật số nằm ở giữa táp-lô. Đây là chiếc Maserati đầu tiên có đồng hồ được sử dụng như la bàn hoặc đồng hồ đo trọng tâm G-Force.
Xe trang bị hai hệ thống âm thanh Sonus Faber mới, tùy chọn cao cấp nhất là 21 loa và âm thanh 3D với công suất 1.200 W. Tích hợp Apple Carplay và Android Auto, thông qua hệ thống đa phương tiện Maserati Intelligent Assistant (MIA). Bản thân MIA dựa trên Android Auto và được cho là cung cấp trải nghiệm người dùng tương tự như sử dụng máy tính bảng, cho phép kết nối cùng lúc hai điện thoại thông minh qua Bluetooth và nhiều tùy chọn cơ bản khác.
Hệ thống điều hòa điều khiển 3 vùng, hàng ghế sau điều chỉnh thông qua màn hình cảm hứng. Không gian cabin được tối ưu để tận dụng nhiều khoảng trống, diện tích bệ tỳ tay và hộc chứa đồ lớn hơn.
Về giá bán, hãng chưa chính thức công bố, dự kiến ngày giao xe và mức giá sẽ được công bố trong thời gian sắp tới.
Trong năm tới, một phiên bản mới mang tên Folgore (Lightning trong tiếng Italy) sử dụng động cơ hoàn toàn bằng điện sẽ được sản xuất. Chiếc Maserati chạy hoàn toàn bằng điện sẽ có công nghệ sạc 400 V, mang lại lợi thế so với các đối thủ Porsche Macan thế hệ mới sử dụng nền tảng sạc nhanh 800 V. Dự kiến, Grecale không sử dụng nền tảng SLTA EV chuyên dụng, thay vào đó sử dụng nền tảng ICE đã được sửa đổi. Dự kiến, Grecale chạy điện được trang bị khối pin 105 kWh, sản sinh mô-men xoắn 800 Nm. Grecale Folgore sẽ có thêm bảng màu mới, dựa theo màu của cực quang.
Minh Quân (theo Carscoops)