"Tập đoàn Masan kính mong Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hậu Giang, Long An... xem xét ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên hệ thống Vinmart và công nhân nhà máy Masan các khu vực trên. Qua đó giúp cán bộ nhân viên tiếp tục phục vụ nhân dân trong tình hình khẩn cấp, đảm bảo tinh thần cán bộ công nhân viên cũng như không có bất cứ sự gián đoạn nào trong khâu bán lẻ, sản xuất", ông Danny Le, Tổng Giám Đốc Tập đoàn Masan, nêu ý kiến trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quyết định 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hôm 8/7 về Kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021-2022, nhóm nhân viên ngành bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng chưa được đề cập ở đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ nhu yếu phẩm cả nước đang nỗ lực bảo đảm nguồn cung, phục vụ người dân theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Công thương.
Masan hiện có 40.000 nhân viên, trong đó mới khoảng 6.500 người được tiêm chủng. Trước và trong giãn cách theo chỉ thị 16, lượng người dân TP HCM đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi mua sắm thực phẩm, thức uống, đồ dùng cá nhân... ngày càng nhiều. Đại diện doanh nghiệp cho biết dù các hệ thống bán lẻ như VinMart / VinMart+ đang áp dụng tiêu chuẩn 5K (yêu cầu khách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, đo thân nhiệt và khử khuẩn khi ra vào...) nhưng việc trang bị cho các nhân viên ngành bán lẻ "lá chắn" vaccine là cấp bách.
Chị Nguyễn Xuân Quỳnh, hiện công tác tại siêu thị VinMart TP HC, cho biết: "Dù thực hiện nghiêm ngặt nhiều biện pháp chống dịch theo chỉ thị của Bộ Y tế và theo quy định của công ty, tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn mong mỏi được tiêm vaccine phòng Covid-19, sớm đảm bảo sức khỏe, yên tâm phục vụ khách hàng, đem lại không gian mua sắm an toàn cho người dân".
Áp lực dồn lên các trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi khi ba chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền Thủ Đức) và 151/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động để phòng, chống Covid-19.
Từ khi dịch khởi phát, hệ thống VinMart, VinMart+ đã kết nối với nhiều nhà cung cấp để đảm bảo cung ứng hàng liên tục, đồng thời dự phòng sản lượng luôn đủ cho 3- 6 tháng.
Chủ động nguồn hàng nhưng khâu lưu thông, vận chuyển của siêu thị đến các điểm bán đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là việc triển khai xét nghiệm theo yêu cầu nhằm đảm bảo dịch không lây lan vào các hệ thống bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất, đang tạo ra nút thắt lớn, có khả năng khiến khâu cung ứng vào các điểm bán hàng thiết yếu bị ách tắc, đứt gãy bất kỳ lúc nào.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - Giám đốc vận hành VinMart Miền Nam - cho hay hàng hóa vào VinMart phải có giấy phép lưu hành do các cơ quan chức năng cấp, đồng thời tài xế cần có chứng nhận xét nghiệm âm tính nCoV trong ba ngày.
"Do giấy chứng nhận xét nghiệm có thời hạn quá ngắn, quy trình xét nghiệm mất thời gian nên đây là nguyên nhân chính gây khó khăn cho công tác lưu thông hàng hóa. Một số nhà cung cấp ở các tỉnh xa vào TP HCM cũng không chuẩn bị kịp các thủ tục xét nghiệm nên hàng bị lưu giữ hoặc không qua được các chốt kiểm dịch", ông Nguyễn Tô Kiều Trinh nói.
Doanh nghiệp kỳ vọng Bộ Y tế sớm bổ sung nhân viên bán lẻ và sản xuất nhu yếu phẩm vào đối tượng tiêm chủng, đồng thời mong nhận sự quan tâm của các cấp lãnh đạo các tỉnh, thành cho nhóm đối tượng này, góp phần đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Từ những ngày đầu chống dịch đến nay, Tập đoàn Masan đã và đang đóng góp gần 200 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống Covid-19 như: ủng hộ 60 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng Covid-19, tài trợ nhiều máy thở ECMO và hơn 100.000 bộ kit test PCR. Song song đó, Masan cũng đóng góp hàng triệu sản phẩm thiết yếu như thực phẩm và nước uống dinh dưỡng... hỗ trợ các chốt biên phòng tại biên giới, bệnh viện và các địa phương nằm trong tâm dịch.
Vạn Phát