Tập đoàn Masan hiện vận hành hơn 30 nhà máy và chuỗi VinMart, VinMart+, chuyên sản xuất hàng thiết yếu như mì gói, phở, nước tương, nước mắm, thịt tươi, thịt chế biến... và cung ứng hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng.
Ngoài 2.500 siêu thị VinMart và VinMart+, Masan còn có mối quan hệ cung ứng mật thiết với gần 300.000 điểm bán lẻ truyền thống phủ khắp cả nước.
Lượng khách gia tăng đột biến do xu hướng tích trữ hàng hóa, cộng thêm các tác động của dịch như khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, chi phí dành cho khử trùng, kiểm dịch, tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên cao... là áp lực đè nặng nhiều nhà sản xuất, bán lẻ.
Bà Nguyễn Thị Phương - Phó tổng giám đốc VinCommerce - cho biết có thời điểm, nhiều siêu thị chỉ còn 10-12 nhân viên bán hàng trên tổng số 100 người do phải cách ly tại khu vực phong tỏa. Nhà bán lẻ này phải điều động nhân sự từ nơi khác về hỗ trợ vùng dịch, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn khi dịch lây lan nhanh.
"Chúng tôi bị ảnh hưởng lớn nguồn lực lao động khi tỷ lệ nghỉ việc của tập đoàn trong năm nay dự kiến đến 100% (nghỉ quay vòng, chủ yếu tập trung ở khối bán lẻ), cao nhất từ trước tới nay", bà Phương nói.
Trong công văn kiến nghị gửi Bộ Y tế và Bộ Công thương, Masan đề xuất: "Công ty VinCommerce khẩn thiết mong Bộ Y tế và Bộ Công thương phối hợp tạo điều kiện cho 22.206 cán bộ nhân viên của VinCommerce được nhanh chóng tiêm vaccine phòng Covid-19. Ngoài mục đích bảo vệ sức khỏe cho tuyến đầu của các doanh nghiệp bán lẻ, song song đó còn tạo môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng".
Bà Phương lý giải kiến nghị này xuất phát từ thực tế các nhân viên làm việc tại siêu thị, cửa hàng mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách. Dù tuân thủ tuyệt đối phương án 5K tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm của nhóm lao động này với Covid-19 rất cao.
Để tiếp tục hoạt động sản xuất, các nhà máy buộc phải thực hiện chỉ thị "ba tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến". Nhưng chưa đầy một tháng thực hiện, nhiều nhà máy ở phía Nam áp dụng "ba tại chỗ" lại đối mặt dịch bệnh bùng phát từ bên trong. Dù đã xét nghiệm sàng lọc, nhanh hay ngẫu nhiên, nguy cơ bỏ sót ca dương tính vẫn khá cao. Nguy cơ đóng cửa nhà máy vì có ca Covid-19 dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào với doanh nghiệp.
"Các doanh nghiệp mong Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động và thân nhân của họ ở các nhà máy, khu công nghiệp, hệ thống bán lẻ. Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả phòng, chống dịch, mặt khác động viên tinh thần, giúp nhân viên bán lẻ, sản xuất an tâm công tác, giải tỏa nỗi lo của họ và gia đình", Phó tổng giám đốc VinCommerce nói thêm.
Trước đó, ngày 2/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) phát thông báo khẩn cấp tìm người liên quan đến một nhà cung cấp thực phẩm có nhiều ca nhiễm. Nhiều nơi liên quan phải tạm dừng hoạt động, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để tiến hành truy vết và thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Trước đó, nhiều công ty sản xuất thực phẩm và siêu thị ngưng hoạt động vì có ca nhiễm. Sáng 28/7, công ty Vissan xin tạm dừng sản xuất để đưa các F0, F1 đi cách ly, điều trị. Từ ngày 19/7 đến 27/7, doanh nghiệp đã tổ chức 10 lượt xét nghiệm cho người lao động và phát hiện 43 ca nhiễm mới, chủ yếu ở các bộ phận thu mua và cung ứng, bộ phận tiếp nhận nguồn heo hơi.
Ngày 6/7, Lotte Mart quận 7 TP HCM buộc phải đóng cửa để thực hiện phòng chống dịch vì có ba ca F0. Sau ba ngày phun khử khuẩn, vệ sinh siêu thị... theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), đơn vị đã được phép hoạt động trở lại.
Vạn Phát (ảnh: VinMart)