Thông tin nêu nghị quyết do hội đồng quản trị thông qua ngày 2/10. Trước đó, tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra đầu tháng 5, ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group, cho biết Masan Consumer đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm trong vòng 6-7 năm qua. Với tốc độ này, ông cho rằng: "Đã đến lúc xem xét thực hiện kế hoạch IPO tiềm năng".
Bàn về kế hoạch này, theo nhận định của HSBC, việc chuyển sang niêm yết trên HoSE có thể giúp cổ phiếu MCH cải thiện tính thanh khoản, phù hợp năng lực mà công ty đạt được. Năng lực được nhắc đến chính là lịch sử kinh doanh ổn định với mức tăng trưởng cao, vượt trội đáng kể so với các công ty cùng ngành FMCG và thực phẩm đóng gói trong khu vực. Trong báo cáo của HSBC, công ty tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2 lần so với thị trường chung, xét giai đoạn 2017-2023.
Xuất phát điểm và ngành hàng trụ cột của MCH là gia vị, đến nay, doanh nghiệp đã tham gia vào 8 ngành hàng tiêu dùng chính tại Việt Nam. Trong đó có 5 thương hiệu đạt doanh thu hàng năm ở mức 150-250 triệu USD.
Theo Kantar, hơn 98% hộ gia đình Việt Nam sở hữu ít nhất một sản phẩm của Masan Consumer. Trong đó, Chin-su, Nam Ngư là những thương hiệu được lựa chọn nhiều nhất ở khu vực thành thị. Còn tại nông thôn, 4 thương hiệu nổi bật là Nam Ngư, Chin-su, Kokomi và Tam Thái Tử. "Ở cả nông thôn và thành thị, chúng tôi đều có tệp khách hàng trung thành, sẵn sàng trải nghiệm những sản phẩm mới, giúp gia tăng doanh số sản phẩm ở nhiều danh mục khác nhau", đại diện đơn vị cho biết.
Theo báo cáo mới nhất của doanh nghiệp, Masan Consumer tiếp tục nối dài đà tăng trưởng kỷ lục năm 2023 với kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2024. Cụ thể, doanh thu tăng 14%, biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 46,3%. Mức tăng trưởng cao nhất ở các ngành hàng như thực phẩm tiện lợi, đồ uống và cà phê, ghi nhận mức tăng lần lượt là 20,7%, 17,6% và 16% so với cùng kỳ 2023. Bên cạnh đó, chiến lược Go Global của doanh nghiệp cũng đạt tích cực với doanh thu xuất khẩu đạt mức tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt từ 32.500 đến 36.000 tỷ đồng. Trọng tâm kế hoạch là sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD và đạt 10-20% doanh thu từ thị trường toàn cầu, cao cấp hóa sản phẩm và mở rộng phạm vi sản phẩm cho từng thương hiệu. Đơn vị kỳ vọng nâng thị trường có thể tiếp cận từ 100 triệu người tiêu dùng Việt lên 8 tỷ người trên toàn cầu.
Ngoài kế hoạch chuyển sàn niêm yết và năng lực của công ty, họ cổ phiếu Masan cũng kỳ vọng đón thêm cú hích từ nâng hạng thị trường. Ngày 18/9, Bộ Tài chính thông qua thông tư liên quan đến việc nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền (non-pre-funding) và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh. Đây là một bước tiến gần hơn để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell.
SSI Research dự báo Việt Nam sẽ được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025. Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ, dòng vốn đổ vào thị trường Việt Nam từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF). Đây cũng là chất xúc tác tích cực cho doanh nghiệp có kế hoạch IPO trong năm 2025 như Masan Consumer.
Theo một số chuyên gia, các dòng vốn ngoại có mong muốn tìm hiểu về câu chuyện của ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG, đầu tư lâu dài vào doanh nghiệp có lịch sử kinh doanh ổn định với mức tăng trưởng cao, chi trả cổ tức "khủng" thì cổ phiếu MCH của Masan Consumer sẽ là một trong những lựa chọn tiềm năng. Cũng trong nghị quyết công bố ngày 2/10, đơn vị cho biết nhiều quỹ đầu tư lớn đang nắm giữ cổ phiếu MCH. Trong đó, quỹ Albizia Asean Tenggara Fund sở hữu 3,8 triệu cổ phiếu; Chứng khoán Vietcap nắm 2,7 triệu cổ phiếu và quỹ Bill & Melinda Gates Foundation Trust có hơn 1,04 triệu cổ phiếu.
Hoàng Đan