Vào cuối năm 2013, trước khi bom tấn Thor: The Dark World được công chiếu, tạp chí Forbes đã có hai câu hỏi thú vị cho độc giả, với giả thiết rằng thời điểm được hỏi xảy ra vào năm 2005. Đó là “Bạn sẽ nghĩ sao nếu một người nói với bạn rằng một bộ phim về Thor sẽ ăn khách và có doanh thu cao hơn cả phim về Superman?” và “Bạn có tin không nếu phim về Iron Man sẽ cán mốc tỷ USD và thu về nhiều hơn cả bộ phim Batman ăn khách nhất?”.
Superman và Batman đều là những siêu anh hùng lừng lẫy đã vươn ra khỏi biên giới của Comic (truyện tranh) để trở thành biểu tượng văn hóa toàn cầu. Thế nhưng với chiến dịch “Marvel Cinematic Universe” (tạm dịch là Vũ trụ điện ảnh Marvel), xưởng Marvel Studios đã biến được điều không tưởng cách đây một thập kỷ trở thành hiện thực.
Một vũ trụ chung cho các siêu anh hùng
Trước năm 2005, dù những loạt phim X-Men hay Spider-Man dựa trên những nhân vật của Marvel Comics đã rất thành công trên màn ảnh rộng, thực tế lợi nhuận mà hãng thu về là rất thấp. Các bộ phim trên đều là do Marvel bán bản quyền cho những hãng phim như Columbia Pictures, New Line Cinema hay 20th Century Fox thực hiện và Marvel chỉ đứng tên ở vị trí đồng sản xuất.
Chính vì lẽ đó, chủ tịch Marvel Studios là Kevin Feige nảy ra sáng kiến về việc tự mình đưa lên màn ảnh các nhân vật chính của nhóm The Avengers mà hãng này vẫn đang nắm bản quyền. Điều đặc biệt của kế hoạch này chính là việc Marvel muốn sản xuất những tập phim riêng lẻ về những người hùng chính ở trong cùng một vũ trụ, trước khi đưa họ vào chung một bộ phim. Đó là sự khởi đầu của Marvel Cinematic Universe.
Đây là một ý tưởng chưa từng có trước đó, bởi không dễ để có một sự liên kết liền mạch, chặt chẽ giữa các bộ phim trị giá hàng trăm triệu USD trong nhiều năm liền. X-Men từng là hình mẫu tiên phong cho việc đưa nhiều siêu anh hùng vào cùng một bộ phim, nhưng ngay từ đầu các dị nhân đã được giới thiệu như một tập thể chứ không có các tác phẩm riêng lẻ về Wolverine, Magneto hay giáo sư X… trước đó.
Marvel thì khác biệt, với kế hoạch chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn một được bắt đầu từ năm 2008 với phần đầu tiên của Iron Man. Sau hai tập phim riêng về Iron Man do Robert Downey Jr thủ vai và ba bộ phim về Hulk (Edward Norton), Thor (Chris Hemsworth) cùng Captain America (Chris Evans), giai đoạn một kết thúc với The Avengers (2012) quy tụ tất cả siêu anh hùng trên cùng nhau chống lại đạo quân của Loki (Tom Hiddleston).
Tất cả phim kể trên đều được đặt bối cảnh vào cùng một vũ trụ, với sự khác biệt đáng kể nhất chỉ là việc nam diễn viên Edward Norton vào vai Hulk được thay thế bởi Mark Ruffalo trong The Avengers. Những nhân vật như điệp viên Phil Coulson (Clark Gregg) của tổ chức S.H.I.E.LD hay Nick Furry (Samuel L. Jackson)… xuất hiện trong hơn một tập phim, đem lại cảm giác gắn kết cho khán giả. Các nhà làm phim còn khéo léo cài cắm những chi tiết về tập đoàn Stark Industries của Iron Man vào The Incredible Hulk, để chiếc khiên trứ danh của Captain America và chiếc búa của Thor xuất hiện trong Iron Man 2… kích thích trí tò mò của người hâm mộ.
Những bộ phim riêng lẻ đó giống như những mảnh ghép, sau đó được Marvel ráp lại thành bức tranh hoàn chỉnh mang tên The Avengers, kết thúc giai đoạn một. The Avengers đã thu về tới 1,5 tỷ USD trên toàn cầu và trở thành bộ phim ăn khách thứ ba trong lịch sử, đủ thấy canh bạc của Marvel đã thành công rực rỡ.
Để có được sự liền mạch giữa các bộ phim, Marvel Studios đã phải đảm bảo ngay từ trước khi ký hợp đồng với các đạo diễn rằng họ ủng hộ ý tưởng “chung một vũ trụ” và cài cắm những chi tiết gợi ý tới nhóm Avenger vào bộ phim của mình. Những đạo diễn như Kenneth Branagh, Joe Johnston, Jon Favreau… đã thực hiện tốt ý tưởng trên, trước khi nhường lại The Avengers cho nhà làm phim Joss Wheldon.
Bản thân các diễn viên cũng được ký hợp đồng dài hạn để xuất hiện trong nhiều tập phim và bảo đảm sự quen thuộc cho khán giả, như ngôi sao Samuel L. Jackson sẽ xuất hiện trong tổng cộng 9 bộ phim Marvel. Ngoài ra, để bổ trợ cho những bộ phim ngoài rạp, Marvel còn có loạt phim ngắn Marvel One-Shots cùng loạt phim truyền hình Agent of S.H.I.E.L.D.
Những nước cờ cao tay của Marvel
Vào năm 2009, hãng Walt Disney đã mua lại công ty mẹ của Marvel Studios là Marvel Entertainment với giá 4 tỷ USD. Sau khi thôn tính Marvel Studios, Disney cũng mua lại bản quyền phát hành những bộ phim thuộc Marvel Cinematic Universe mà xưởng phim này đã bán cho Paramount vào năm 2005 (chỉ còn bản quyền về Hulk được giữ bởi Universal). Được chống lưng bởi đại gia làng giải trí Disney, Marvel Studios giờ đây có đủ kinh phí để thực hiện những bộ phim đúng như mình mong muốn.
Giai đoạn hai được bắt đầu mùa hè năm ngoái với quả bom Iron Man 3, được tiếp nổi bởi Thor 2, Captain America 2 và sắp tới là Guardians of the Galaxy trước khi được kết thúc bởi Avengers: Age of Ultron vào hè năm 2015. Tính đến nay, 9 bộ phim thuộc Marvel Cinematic Universe mang về cho hãng tổng cộng 6,3 tỷ USD trên toàn cầu và là loạt phim ăn khách thứ nhì mọi thời đại, chỉ sau mỗi Harry Potter. Tại sao Marvel lại có thể thành công đến như vậy?
Đầu tiên phải kể đến việc loạt phim này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng fan của Marvel. Những nhân vật như Iron Man, Captain America, Thor và Hulk đều đã quen thuộc với người yêu thích truyện tranh của Marvel được hàng thập kỷ. Chính vì lẽ đó, việc hãng đưa những người hùng này lên màn ảnh rộng với mức đầu tư lớn nhanh chóng nhận được sự chú ý của cộng đồng. Khi những bộ phim lần lượt ra rạp và thành công, hiệu ứng truyền miệng đem tới thêm nhiều fan cho Marvel, được mở rộng sang cả những người yêu điện ảnh.
Việc chọn những gương mặt hấp dẫn như Robert Downey Jr., Chris Evans và Chris Hemsworth vào vai chính cũng là một “nước cờ” thông minh của Marvel. Cả ba đều sở hữu vẻ ngoài quyến rũ hút fan nhưng sở hữu tính cách khác nhau. Trên màn ảnh rộng, họ lần lượt thủ vai Tony Stark hào hoa, hài hước; Steve Rodgers cương trực và Thor rắn rỏi những cũng rất tình cảm. Ngoài ra, những diễn viên phụ như Scarlett Johansson, Jeremy Renner hay Samuel L. Jackson... cũng đều là những cái tên quen thuộc và được khán giả yêu mến trước đó.
Chất lượng tác phẩm cũng là một yếu tố đem lại thành công cho Marvel Cinematic Universe. Các bộ phim của hãng luôn đề cao yếu tố giải trí, với những màn đối thoại hài hước và những trận chiến long trời lở đất, tràn ngập kỹ xảo để thỏa lòng người hâm mộ. Nhưng không vì thế mà nội dung phim được xem nhẹ. Kịch bản phim có sự chú trọng về khía cạnh tâm lý nhân vật để tạo sự đồng cảm nơi khán giả.
Đằng sau những người hùng ấy là những góc khuất, như khi Tony Stark suýt mất mạng bởi chính vũ khí do tập đoàn Stark Industries làm ra và dẫn tới việc anh muốn ngưng sản xuất vũ khí, hay cách mà Steve Rodgers vật lộn để hòa nhập vào cuộc sống hiện đại do đã bị đóng băng quá lâu... Không chỉ những người hùng mà ngay cả kẻ được xem như phản diện là Loki cũng có một lượng fan đông đảo, chính nhờ các nhà biên kịch đã đưa người xem tới thế giới nội tâm và hiểu được nguyên cớ sự bức xúc từ nhân vật này.
Nhìn tổng thể, dòng phim Marvel Cinematic Universe đã vươn ra xa khỏi giới hạn những bộ phim siêu anh hùng thông thường bởi sự đa dạng. Captain America 2 mang sắc thái của một phim chính trị ly kỳ, Thor 2 là cuộc phiêu lưu gay cấn còn Iron Man 3 là câu chuyện về người hùng đi tìm sức mạnh đích thực của bản thân... Dù chỉ có một xưởng phim và chỉ chuyên làm phim về siêu anh hùng, các tác phẩm của Marvel không mang lại sự nhàm chán. Chúng được ra mắt đều đặn trung bình khoảng 2 lần/năm vào các thời điểm ăn khách như đầu hè hay dịp cuối năm, đủ để cộng đồng fan ngày càng phát triển của Marvel không phải đợi quá lâu.
Cuối cùng, “nước cờ” cao tay nhất của Marvel là việc gắn liền thương hiệu này với những bộ phim bom tấn kể trên. Đối thủ DC Comics, dù có loạt phim The Dark Knight xuất sắc của Christopher Nolan, vẫn không hề có một xưởng phim riêng như Marvel Studios mà phải cộng tác cùng Legendary Pictures để sản xuất và phát hành thông qua Warner Bros.
Trong khi đó, Marvel lại tạo nên một dấu ấn riêng trong mắt khán giả. Giờ đây cái tên Marvel đã là một thương hiệu toàn cầu mà khi nghe tới nó, người ta sẽ liên tưởng ngay tới những bộ phim siêu anh hùng ăn khách, giàu tính giải trí. Chính thương hiệu Marvel chứ không phải những đạo diễn tên tuổi hay những diễn viên ngôi sao mới là thứ hút khán giả đại chúng và bảo đảm thành công cho bộ phim.
Trong thời gian tới, những sản phẩm về các nhân vật truyện tranh Marvel ít được giới ngoại đạo với comic biết tới như Guardians of the Galaxy hay Ant-Man sẽ được ra mắt. Nhưng điều đó không phải là một vấn đề, bởi những cái tên còn có phần xa lạ ấy đã được chống lưng bởi một “đại gia” khổng lồ.
Thịnh Joey