“Tôi yêu điện ảnh. Đó là tất cả cuộc sống của tôi” - Martin Scorsese từng chia sẻ trước báo giới. Niềm yêu thích ấy bắt đầu từ thời thơ ấu, khi ông được cha và anh trai dẫn tới rạp phim ba, bốn lần một tuần. Những khuôn hình, những thước phim đã in dấu trong tâm trí ông từ ấy. Phải chăng, chính niềm yêu trọn vẹn và sâu sắc đó đã tiếp sức cho ông trên con đường trường vắng bóng ánh hào quang và những giải thưởng điện ảnh nhiều năm về sau?
Sinh ra trong một gia đình người Mỹ gốc Italy, Martin Scorsese lớn lên giữa những khu phố tối tăm, tù đọng dành cho người Italy nhập cư có tên là Little Italy tại New York. Sớm quen với những băng đảng xã hội đen hoành hành trong một xã hội lam lũ, hạ đẳng, Martin Scorsese dần hình thành cho mình vốn kiến thức thực tế, những chất liệu sinh động cho những tác phẩm điện ảnh sau này.
Được biết đến trước tiên với Who’s that Knocking at My Door? (1967) nhưng phải đến Mean Streets (1973), Taxi Drive (1976), New York, New York (1977) thì Martin Scorsese mới định hình một phong cách riêng. Cuộc sống đường phố, những tên gangster trong thế giới ngầm, những góc khuất lấm lem, nhớp nhúa của hiện thực là đề tài chính mà đạo diễn gốc Italy này theo đuổi.
Những ký ức thời thơ ấu và vốn sống phong phú đã mang đến cho các bộ phim của Martin Scorsese một màu sắc riêng. Không phải là những anh hùng cứu thế ngang tàng được tôn sùng như The Godfather của Francis Ford Coppola mà đó đơn giản chỉ là người lái taxi, những tên trộm hay những kẻ lang thang không nhà hung tàn, bạo ngược.
Dưới bàn tay tài hoa của Martin Scorsese, một chiếc Cadillac đi qua cũng hình thành nên văn hóa đường phố. Cảnh đấm bốc kéo dài 8 phút nhưng mất 10 tuần để quay trong Ranging Bull (1980) cũng trở thành những màn trình diễn bạo lực ngoạn mục.
Một trong những huyền thoại của thể loại phim gangster không thể không kể đến là Goodfellas (1990) - bộ phim dẫn đầu trong danh sách bình chọn 100 phim hay nhất do tạp chí điện ảnh Total Film (Anh) tổ chức. Xoay quanh câu chuyện về ba tên gangster do Robert de Niro, Ray Liotta và Joe Pesci thủ vai, bộ phim đã trở thành điển hình cho hình mẫu những tên mafia máu lạnh, tàn bạo trong lịch sử điện ảnh thế giới. Với Goodfellas, Martin Scorsese tự hào nói với các đồng nghiệp của mình rằng: “John Ford làm phim miền Tây, còn tôi làm phim đường phố”.
Sau Goodfellas, đề tài về những băng đảng xã hội đen và thế giới ngầm vẫn tiếp tục được Martin khai thác như một sở trường với Cape Fear (1991), Casino (1995) và Gangs of New York (2002). Cái tên Martin Scorsese từ đó cũng dần được nhắc đến nhiều hơn trong danh sách đề cử Oscar. Có những bộ phim đã đạt tới con số đáng ngưỡng mộ như Ranging Bull với 8 đề cử, Gangs of New York với 10 đề cử hay The Aviator với 11 đề cử.
Thế nhưng chỉ đến The Departed (2006), Martin Scorsese mới chính thức được vinh danh trên thảm đỏ với tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp làm phim của mình. Lấy ý tưởng dựa trên tác phẩm điện ảnh của Trung Quốc (Vô Gian Đạo), The Departed với diễn xuất của tài tử Leonardo DiCaprio tuy không được đánh giá cao bằng những phim gangster kinh điển trước đó nhưng giải thưởng này có thể xem như giải cống hiến trong suốt sự nghiệp 40 năm làm đạo diễn của Martin Scorsese.
Bên cạnh những chất liệu từ vốn sống thực tế, tinh thần Công giáo cũng là một chủ đề lớn khác chi phối những tác phẩm điện ảnh của đạo diễn tài hoa này. Vốn được cho đi học để trở thành linh mục, Martin Scorsese từ nhỏ đã thấm nhuần những tư tưởng và những dằn vặt tôn giáo về tội lỗi (The Last Temptation of Christ), danh vọng (The King of Comedy), quyền lực (Casino), thân phận (Goodfellas) hay sự báo thù (Cape Fear).
Luôn truy cứu tận cùng cái ác, sự bất công trong xã hội có lẽ là tinh thần chính trong các bộ phim của Martin Scorsese ở bất cứ thể loại, đề tài nào. Các nhân vật của ông luôn chênh vênh trên bờ vực giữa giả và thật và không ngừng dằn vặt về điều đó. Từ The Departed đến Shutter Island (2010), tính chất phức tạp, đa diện của con người cũng như cuộc sống đã được Martin Scorsese đẩy lên cao trào rõ rệt.
Nếu như kết thúc The Departed, những chiếc mặt nạ được lột ra để phơi trần sự thật thì kết thúc Shutter Island vẫn không có một lời giải đáp thỏa đáng nào được đưa ra. Tinh thần hồ nghi, trung lập ấy dễ khiến ta liên tưởng đến vụ án mạng kinh điển trong Rashomon của đạo diễn Nhật Bản Kurosawa Akira.
Thực chất, Martin Scorsese cũng từng khẳng định ông ảnh hưởng sâu sắc bởi đạo diễn vĩ đại của châu Á này. Từ tinh thần khách quan khi phác họa một hiện thực phức tạp, từ nhiều góc độ khác nhau cho đến cái không khí u tối, mơ hồ đầy bất an, người xem đều có thể tìm thấy trong cả hai bộ phim mà đến cuối cùng, sự thật vẫn không lên tiếng này.
The Wolf of Wall Street mà Martin Scorsese mang đến Oscar năm nay tuy không còn sặc mùi súng ống và đẫm máu chết chóc như loạt phim gangster trước đó nhưng tinh thần phức tạp và đa diện trong phong cách của đạo diễn gốc Italy này vẫn in dấu rõ rệt. Liệu đó có phải là con đường đưa Martin Scorsese đến gần với thảm đỏ Oscar hơn không khi mà cũng bằng cách rời xa thế giới đen tối, bạo lực kia, Hugo (2011) - bộ phim về hành trình cứu rỗi, trở về đã được vinh danh ở 5 hạng mục của Oscar?
Cho đến cuối cuộc ăn chơi trụy lạc của “sói già phố Wall”, người xem vẫn không thể trả lời được câu hỏi: vậy bộ phim này cổ vũ hay lên án gã tài phiệt Jordan Belfort (Leonardo DiCaprio thủ vai), ủng hộ hay đấu tranh chống quyền được tự do tài chính ở xã hội Mỹ?
Cùng với lối kể chuyện cuốn hút, thông minh, cách dựng phim táo bạo và diễn xuất chưa khi nào tự nhiên, sống động đến thế của tài tử Leo, câu hỏi lớn đó chính là cách để bộ phim trở đi trở lại trong lòng khán giả. Nhưng bấy nhiêu đó liệu có đủ để ghi nhận một lần nữa những cống hiến của Martin Scorsese - người vốn không có duyên với giải thưởng Oscar?
Anh Mai