Hôm qua, CEO Facebook – Mark Zuckerberg tham gia phiên điều trần đầu tiên trước Thượng viện Mỹ kéo dài gần 5 giờ. Zuckerberg phải trả lời câu hỏi từ 44 thượng nghị sĩ về việc làm cách nào mạng xã hội lớn nhất thế giới có thể được quản lý sát sao hơn.
Anh tiếp tục xin lỗi về hàng loạt vấn đề của Facebook gần đây, từ an toàn dữ liệu cá nhân đến sự tác động của nước ngoài lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. “Rõ ràng chúng tôi đã không nỗ lực đủ để ngăn các công cụ được sử dụng vào mục đích xấu. Đó là tin giả, sự can thiệp của nước ngoài vào bầu cử, các phát biểu mang tính thù nghịch, cũng như an toàn dữ liệu cá nhân và các nhà phát triển ứng dụng”, anh cho biết, “Chúng tôi đã không có cái nhìn đủ rộng về trách nhiệm của mình. Và đó là sai lầm lớn. Tôi xin lỗi. Tôi đã lập ra Facebook, điều hành nó và sẽ chịu trách nhiệm với mọi việc xảy ra tại đây”.
Trong buổi điều trần, các thượng nghị sỹ thẳng thắn chất vấn ông chủ Facebook về việc an toàn thông tin dữ liệu của người dùng. Khi được Thượng nghị sĩ Edward Markey hỏi về việc Zuckerberg có thừa nhận thông tin của người dùng bị chia sẻ và bị bán, Mark Zuckerberg ngay lập tức phủ nhận. "Nhưng tôi muốn làm rõ điều này trước, đó là chúng tôi không bán thông tin của người dùng", Mark khẳng định. Tuy nhiên, việc chia sẻ thông tin là "có" và ông chủ Facebook cho biết, từ đầu họ đã nói với người dùng về việc chia sẻ thông tin trong "điều khoản dịch vụ".
Nhưng các thượng nghị sĩ Mỹ vẫn chưa dừng lại ở đó. Thượng nghị sỹ Richard Blumenthal giơ lên tấm bảng có các điều khoản dịch vụ mà Aleksandr Kogan đã sử dụng, trong đó có nội dung "Facebook đã được thông báo về việc Kogan có thể bán thông tin có được" và hỏi Zuckerberg đã đọc thỏa thuận chưa. Sau đó, Zuckerberg thừa nhận "chưa đọc hết".
Với câu trả lời thật thà này, Thượng nghị sĩ Blumenthal cho rằng Zuckerberg mâu thuẫn với "điều khoản dịch vụ" mà chính mình và Facebook đã đưa ra. Ông cho rằng Facebook đã "cố ý không biết" Kogan vi phạm điều khoản và đã tối đa hóa lợi nhuận từ chính vấn đề bảo mật này.
Thượng nghị sĩ Fischer hỏi: "Các anh lưu trữ bao nhiêu dữ liệu? Có phải các anh lưu tất cả những gì chúng tôi click"? Trả lời câu hỏi này, Zuckerberg thừa nhận: "Đúng, chúng tôi lưu trữ chúng".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Richard J. Durbin hỏi Zuckerberg có thoải mái khi chia sẻ tên của khách sạn mình đã qua đêm rồi việc có sẵn sàng chia sẻ tên những người mà mình đã nhắn tin trong tuần.
"Không. Tôi có lẽ sẽ không chọn làm điều công khai như thế ở đây, "ông Zuckerberg thừa nhận.
Ngay lập tức, ông Durbin nói đây chính là điều mà họ quan tâm. Theo ông, cần phải có giới hạn về quyền riêng tư ở Facebook. "Bao nhiêu dữ liệu của nước Mỹ hiện đại như tên, lời phát biểu, các kết nối mọi người trên thế giới đã bị các ông bán đứng", thượng nghị sỹ này chất vấn.
Theo giải thích của Zuckerberg, Facebook chia nội dung làm hai loại: một là do người dùng tự ý đăng tải, chia sẻ và một còn lại là do Facebook hoàn toàn kiểm soát. "Kiểm soát" theo đại diện mạng xã hội này là những dữ liệu liên quan tới ứng dụng và quảng cáo.
Zuckerberg cũng tỏ sự đồng tình khi một số thượng nghị sỹ đặt vấn đề nên xem xét một phiên bản Facebook không có quảng cáo mà người dùng phải trả tiền để sử dụng.
Tuy nhiên, đại diện của Facebook khẳng định "sẽ cân nhắc" và nói với nghị sỹ Orrin Hatch rằng sẽ luôn có một phiên bản miễn phí của Facebook.
Trong phiên điều trần, Mark Zuckerberg phủ nhận việc Facebook độc quyền và khẳng định họ là một hãng công nghệ, chứ không phải truyền thông. Anh cũng bảo vệ mô hình kinh doanh cốt lõi của công ty – sử dụng dữ liệu cá nhân để quảng cáo đúng mục tiêu. “Chúng tôi cho rằng đưa ra một dịch vụ được quảng cáo hỗ trợ là phù hợp nhất với sứ mệnh kết nối mọi người trên thế giới. Chúng tôi muốn có một dịch vụ miễn phí mà ai cũng có thể dùng được”, anh nói.
Zuckerberg được đánh giá khá bình tĩnh trong buổi điều trần. Reuters nhận xét Zuckerberg cố né các cuộc đối thoại tập trung vào luật mới, và không đưa ra lời hứa hẹn mới.
Và nhà đầu tư hoan nghênh các câu trả lời của anh. “Zuckerberg mang đến tinh thần hòa giải”, Mariann Montagne – Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Gradient Investments nhận xét, “Cổ phiếu tăng theo các bình luận của cậu ấy”.
“Tổ chức một buổi điều trần chung giữa các hội đồng thế này đã là điều phi thường. Còn phi thường hơn khi chỉ có một CEO trả lời câu hỏi của gần nửa thượng nghị sĩ Mỹ”, John Thune – Chủ tịch Hội đồng Thương mại Thượng viện Mỹ cho biết.
Cổ phiếu Facebook hôm qua tăng tới 4,5% lên hơn 165 USD – cao nhất trong gần 3 tuần qua. Mức tăng ngày của mã này cũng là lớn nhất kể từ tháng 4/2016.
Buổi điều trần được tổ chức sau gần một tháng scandal lộ thông tin người dùng Facebook nổ ra. Cambridge Analytica – tâm điểm của scandal này – là một công ty dữ liệu có liên quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Họ đã tiếp cận được thông tin từ khoảng 87 triệu người dùng Facebook mà những người này không hề biết.
Scandal đã làm cổ phiếu Facebook lao dốc, vốn hóa bốc hơi hàng chục tỷ USD và khiến mạng xã hội này bị giới chức hai bên bờ Đại Tây Dương tăng cường giám sát. Một số còn kêu gọi Zuckerberg từ chức CEO. Scandal này một lần nữa dấy lên mối lo về ảnh hưởng của Facebook với an toàn dữ liệu cá nhân trên toàn cầu. Tối nay, Zuckerberg sẽ còn một phiên điều trần nữa với Hạ viện Mỹ.
Hà Thu (theo CNN/Reuters)