Đầu tuần trước, Meta quyết định đóng cửa nền tảng xuất bản nội dung Bulletin, đồng thời dự định sa thải hàng loạt nhân sự mảng này. Bulletin ra mắt vào tháng 4/2021 khi thị trường xuất bản nội dung phát triển mạnh. Với cách thức hoạt động giống với Substack, công ty kỳ vọng Bulletin thu hút được hàng loạt các nhà xuất bản tham gia cùng lượng độc giả khổng lồ.
Khi trình làng, Meta đã đầu tư nhiều cho Bulletin. Công ty đã chiêu mộ những nhân vật nổi tiếng trong giới truyền thông như nhà báo Malcolm Gladwell hay vận động viên thể thao Erin Andrews với những hợp đồng tới sáu con số. Dù vậy, sản phẩm không thành công như Substack. Ngay khi ra mắt, một số chuyên gia đã dự đoán Bulletin sẽ sớm thất bại vì CEO Mark Zuckerberg tập trung vào việc giữ cho sản phẩm của mình "phi chính trị".
Bulletin không phải là sản phẩm duy nhất Meta cố bắt chước đối thủ và thất bại. Tháng 6 năm ngoái, họ đã đóng cửa dịch vụ podcast giống Clubhouse.
Chiến lược đánh bại đối thủ cạnh tranh bằng cách tung ra phiên bản tương tự cũng được nhiều hãng công nghệ khác áp dụng. Dù vậy, chúng hầu hết thất bại và bị các tổ chức lẫn cơ quan quản lý gọi là "phương pháp cạnh tranh không lành mạnh".
Zuckerberg không chỉ nhắm vào các đối thủ nhỏ hơn. Ông còn cố tạo các sản phẩm tương tự để cạnh tranh với đối thủ lớn. Chẳng hại, hai năm trước, Meta lần đầu xây dựng tính năng Shops trên Facebook và Instagram để đối đầu với Amazon. Dù vậy, theo The Infomation, sản phẩm không được hoàn thiện do công ty không làm đến nơi đến chốn. Sản phẩm hiện không thu hút khách hàng do trải nghiệm kém và số lượng bài rao ít ỏi. Vào tháng 9, Meta thông báo loại bỏ tab Shops khỏi Instagram. Trong một số tài liệu nội bộ The Infomation thu thập được, nhóm thương mại của Meta đang quay lại chiến lược "Xem xét lại". Đây là tính năng từng gây ám ảnh cho người dùng đối với quảng cáo sản phẩm mà họ đã nhấp vào nhưng chưa mua.
Theo Cal Newport, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Georgetown, Meta đang cố bắt chước đối thủ, nhưng bị tác động bởi nhiều yếu tố không thể kiểm soát. "Họ cũng thành công nhất định khi bắt chước, chẳng hạn sao chép một số điểm mới trên Twitter về nguồn cấp dữ liệu được quản lý và chia sẻ", ông nói. "Nhưng có một khía cạnh đặc trưng trên Internet, là sản phẩm phải tìm được đúng người, đúng thời điểm với giao diện phù hợp. Đây là những yếu tố không phải khi nào cũng hội tụ với nhau".
Trước đó, Meta cũng bắt chước nhiều đối thủ lớn. Năm 2017, Facebook gây tranh cãi khi giới thiệu Stories, cho phép người dùng đăng ảnh và video giới hạn 24 tiếng. Tính năng này giống với Snapchat Stories đã ra mắt trước đó ba năm. Năm 2018, Facebook công bố Facebook Gaming để chạy đua với Twitch - nền tảng cho phép các streamer có thể phát sóng trực tiếp quá trình chơi game. Giữa năm nay, Meta tiếp tục phát triển chức năng cho Facebook Groups giống với Discord.
Gây chú nhất hiện tại là Reels, tính năng video ngắn tương tự TikTok. Theo bản ghi chép nội bộ rò rỉ giữa tháng 6, Tom Alison, Giám đốc phụ trách Facebook, thậm chí nêu kế hoạch rằng, thay vì ưu tiên các bài đăng từ tài khoản mà người dùng theo dõi, bảng tin Feeds của Facebook sẽ đa dạng và "giống TikTok hơn".
Theo nghiên cứu nội bộ của Meta hồi tháng 8 và được WSJ thu thập, người dùng Instagram và Facebook hiện dành 17,6 triệu giờ mỗi ngày để xem Reels. Con số này chưa bằng 1/10 so với 197,8 triệu giờ mà người dùng dành để xem TikTok. Quan trọng hơn, "hầu hết người dùng Reels không có bất kỳ sự tương tác nào".
Sự sáng tạo mới nhất của Meta những năm gần đây có thể là metaverse - tham vọng vũ trụ ảo mà Zuckerberg đang tích cực đẩy mạnh. Theo phân tích của The Information, nỗ lực này có thể tiêu tốn 70 tỷ USD của Meta nhưng chưa chắc thành công. Thực tế, Zuckerberg cũng thừa nhận đã mất hàng chục tỷ USD thời gian qua cho metaverse.
"Một số người có thể vui vẻ và hào hứng với metaverse, nhưng nó có nhiều hạn chế. Chẳng hạn bạn có thể nhắn tin để liên lạc với bạn bè thông thường, nhưng tôi không thấy mối quan tâm lớn nếu những tương tác đó được đưa vào thế giới ảo 3D", Newport nói thêm.
Bảo Lâm (theo Business Insider)