"Facebook đã làm cho Instagram và WhatsApp thành công hơn. Hai nền tảng này là một phần trong gia đình ứng dụng của chúng tôi", Zuckerberg trích bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn để điều trần trước Hạ viện. "Instagram và WhatsApp đã phát triển và vận hành dịch vụ tốt hơn với chi phí thấp nhờ có cơ sở hạ tầng của Facebook. Việc xử lý tin nhắn rác và nội dung có hại cũng nhờ vào công nghệ của Facebook".
Zuckerberg sẽ là một trong bốn CEO công nghệ xuất hiện trong buổi điều trần trước Tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ hôm nay (29/7), cùng với CEO Jeff Bezos của Amazon, CEO Tim Cook của Apple, và CEO Sundar Pichai của Alphabet (công ty mẹ của Google).
Facebook mua lại Instagram giá một tỷ USD năm 2012 và thâu tóm WhatsApp với số tiền 19 tỷ USD năm 2014. Năm 2019, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cáo buộc Facebook mua lại hai công ty này nhằm hạn chế sự cạnh tranh. Warren cũng tuyên bố rằng, nếu được bầu làm Tổng thống, bà sẽ chỉ định các cơ quan quản lý nới lỏng những thương vụ sáp nhập chống cạnh tranh, như kiểu Facebook mua WhatsApp và Instagram, đồng thời có thể chia Amazon, Google hay Facebook thành nhiều công ty nhỏ.
Trong khi đó, Zuckerberg lập luận rằng Instagram đang hưởng lợi từ việc mua lại bằng cách sử dụng công nghệ của Facebook để ổn định cơ sở hạ tầng và bỏ tin nhắn rác. Ông cũng nhấn mạnh, việc thâu tóm WhatsApp đã biến ứng dụng này thành nền tảng nhắn tin an toàn và miễn phí cho nhiều người dùng. Ngoài ra, WhatsApp cũng sử dụng công nghệ của Facebook để phát triển các tính năng gọi video và gọi thoại.
"Những lợi ích nêu trên là kết quả của việc mua lại các công ty đó. Nó sẽ không xảy ra khi các thương vụ không được thực hiện", Zuckerberg giải thích. "Chúng tôi đã tiếp tục phát triển tính năng mới cho Instagram và WhatsApp, cũng như học hỏi các công ty này để đưa ý tưởng mới lên Facebook. Kết quả là dịch vụ trở nên tốt hơn, cung cấp nhiều giá trị hơn cho người dùng và nhà quảng cáo. Đó là mục tiêu cốt lõi của các thương vụ mà Facebook thực hiện".
Bên cạnh đó, Zuckerberg cũng đề cập đến những đóng góp của Facebook cho cộng đồng công nghệ nguồn mở, thông qua các dự án của công ty như PyTorch, Detectron2, FAISS và DensePose. "Chúng tôi cung cấp hàng trăm dự án này trên nền tảng Facebook Open Source và GitHub, nơi có hàng trăm nghìn người theo dõi", Zuckerberg nói. "Tôi tin rằng, cách chia sẻ tài sản sở hữu trí tuệ này sẽ giúp các hệ sinh thái phát triển, tạo nên sản phẩm mới".
Cũng theo người đứng đầu Facebook, các công ty không xấu chỉ vì họ là công ty lớn. Nhưng các công ty lớn sẽ biến mất nếu thua trong các cuộc cạnh tranh.
"Cách đây vài năm, chúng tôi đã chuyển trụ sở đến khuôn viên nơi Sun Microsystems từng ở. Chúng tôi giữ hình ảnh của họ ngay sau lưng chúng tôi để nhắc nhở bản thân rằng công nghệ luôn thay đổi nhanh chóng", Zuckerberg chia sẻ. "Tôi tin rằng bản chất nền công nghệ này là ngày nào đó, sẽ có một sản phẩm thay thế Facebook. Tôi muốn chính chúng tôi là người xây dựng những sản phẩm đó, vì nếu chúng tôi không làm, người khác sẽ làm".
Bảo Lâm (theo CNBC)