Trước thềm Australia Mở rộng 2018, trang Reddit xuất hiện trò chơi. Trong đó người đầu tiên đưa ra câu trả lời, để người sau đó nghĩ ra câu hỏi thú vị nhất cho câu trả lời ấy. Một thành viên bắt đầu với câu: “Cả bốn người”. Phản hồi nhận được sự quan tâm nhiều hơn cả là: “Có bao nhiêu người cổ vũ Maria Sharapova trên khán đài ở vòng một Australia Mở rộng?”.
Không chỉ trên mạng xã hội, Sharapova còn bị các đồng nghiệp xa lánh và ghét bỏ ra mặt. Họ chỉ trích ban tổ chức Australia Mở rộng vì để Sharapova cầm Cup vô địch bên cạnh Roger Federer ở lễ bốc thăm. Lý lẽ của họ là tay vợt từng phải nghỉ thi đấu 15 tháng vì sử dụng doping không xứng đáng với chiếc Cup. Eugenie Bouchard thậm chí đã miệt thị Sharapova là “kẻ gian manh”.
Giám đốc giải Craig Tiley giải thích: “Chúng tôi muốn có một cựu vô địch giới thiệu chiếc Cup. May mắn là Sharapova đã chấp nhận đề nghị này. Cô ấy đã phạm luật nhưng đã chịu hình phạt đủ rồi”. Có thể hiểu cho Tiley vì Sharapova là tay vợt duy nhất từng vô địch Australia Mở rộng dự giải năm nay. Dù vậy, cơn giận từ truyền thông, người hâm mộ và các tay vợt khác vẫn không nguôi.
Sharapova sinh tháng 4/1987, một năm sau thảm họa Chernobyl ở Nga. Ông Yuri và bà Yelana Sharapov đã phải di tản không lâu sau khi con gái duy nhất của họ chào đời, vì lo sợ di chứng của vụ nổ. Nhiều người hoài nghi rằng ảnh hưởng từ Chernobyl đã biến đổi cấu trúc gene của Sharapova, khiến cô cao lớn lạ thường, vì gia đình chẳng ai cao tới 1m88 như cô. Nhưng có điều chắc chắn rằng cá tính không hề dễ chịu của cô được trui rèn bởi sự gò ép từ người bố Yuri.
Sharapova đánh trận chuyên nghiệp đầu tiên ở giải Sarasota tại Florida năm 2001, khi mới 14 tuổi. Sau khi chứng kiến con gái bị loại ngay vòng một, bố của Sharapova lao vào sân và buông lời chửi bới đối thủ. Đó không phải lần duy nhất ông Yuri gây sự trước đám đông khán giả khi con gái thi đấu.
Tại WTA Tour Championships 2004, Sharapova ngược dòng thắng đồng hương Anastasia Myskina 2-6, 6-2, 6-2 ở bán kết. Sau trận, Myskina lên tiếng tố cáo Yuri: “Ông ta không ngừng la hét và chỉ đạo chiến thuật cho Sharapova. Tôi sợ rằng ông ấy sẽ nhảy bổ vào sân”. Ở chung kết, Sharapova tiếp tục ngược dòng và hạ Serena Williams 4-6, 6-2, 6-4, trong khi Yuri vẫn chứng nào tật nấy.
Kiểu cách đó có thể nhìn thấy ở Sharapova. Dù luôn nằm trong nhóm đầu thế giới, Sharapova không dự giải đồng đội nữ Fed Cup cho đến tận năm 2007, phần nhiều vì bị đồng nghiệp phản đối. Đến trận chung kết năm 2007, Sharapova xuất hiện với tư cách người hỗ trợ cho các đồng đội, dù cô không đủ điều kiện thi đấu vì không dự các vòng trước. Nhưng một thành viên tuyển Nga nghi ngờ rằng cô làm vậy để kiếm vé tham dự Olympic Bắc Kinh 2008. “Sharapova nói cô ta muốn luyện tập cùng chúng tôi. Nhưng nếu cô ta không thể thi đấu thì tập luyện cùng chúng tôi làm gì chứ?”, nhà vô địch Mỹ Mở rộng 2004 Svetlana Kuznetsova đặt nghi vấn.
Sharapova không được chào đón khi trở về Nga. Ở Mỹ, cô cũng trở thành cái gai trong mắt người hâm mộ với những phát ngôn nhằm vào Serena Williams. “Tôi đã thấy Serena khóc sau khi thua ở chung kết Wimbledon 2004. Chị ta không bao giờ tha thứ cho tôi”, Sharapova viết trong tự truyện. Đó chỉ là màn khơi mào cho những chỉ trích nhằm vào huyền thoại Grand Slam.
Người Mỹ cho rằng Sharapova bị ám ảnh bởi Serena. Trong một video phỏng vấn các tay vợt nữ về đối thủ khó chịu nhất sự nghiệp của họ, tất cả đều chung quan điểm: “Serena”. Sharapova - thua Serena 19 trong 21 lần so vợt – đáp: “Monica Seles”. Không phủ nhận Seles cũng là một trong những biểu tượng làng banh nỉ, nhưng hai người mới đụng độ một lần và khi đó Sharapova mới 15 tuổi.
Serena thường xuyên tổ chức những buổi tiệc cùng đồng nghiệp, nhưng chưa bao giờ mời Sharapova đến dự.
Bất chấp những lời đàm tiếu, trong đầu Sharapova có lẽ chỉ quan hoài hai chữ: Thành công.
Tài năng của cô bộc phát khi mới 6 tuổi. Và vì sự nghiệp của con gái, Yuri và Yelena chạy vạy, dành dụm tiền bạc và khăn gói vượt Đại Tây Dương đến Florida. Vấn đề visa khiến bà Yelena không thể đi cùng hai bố con cho đến 2 năm sau. Vốn không biết tiếng Anh, ông Yuri vẫn phải làm lụng vất vả để giúp Sharapova theo học ở trung tâm IMG của HLV kỳ cựu Nick Bollettieri. Yuri sẵn sàng nhận mọi công việc dù lương thấp, trong đó có rửa chén đĩa. Thấu hiểu sự khắc khổ nhưng kiên cường của cha mẹ, trong Sharapova đã manh nha ý chí quyết thắng bằng mọi giá.
Khi sự nghiệp đang bay bổng ở tuổi đôi mươi, Sharapova hứng chịu chấn thương vai nghiêm trọng. Chưa có ai trở lại thi đấu với chấn thương vai mức độ nặng như thế, nhưng Sharapova không chịu từ bỏ. Không giành được chiến thắng nào trong hai tháng cuối năm 2007, cô vẫn bất ngờ vượt qua Lindsey Davenport và Justin Henin để vô địch Australia Mở rộng 2008.
Lấy lại ngôi số một thế giới, Sharapova lại tái phát chấn thương. Cơ bả vai của cô bị một vết rách lớn từ tháng 4/2008, nhưng không được phát hiện cho đến tháng 8. Suốt bốn tháng Sharapova phải nén đau bước ra sân. Trở lại ở Roland Garros sau ca phẫu thuật, cô khiến người hâm mộ cảm động khi vào đến tứ kết và chỉ chịu dừng bước trước Dominika Cibulkova. Giao bóng vốn là điểm mạnh của Sharapova, khi đó lại trở thành gánh nặng.
Sharapova được Nike ký hợp đồng tài trợ lần đầu tiên năm mới 11 tuổi. Sau chức vô địch Wimbledon 2004, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trải thảm mời “Búp bê Nga” về làm hình ảnh đại diện. Khi chấn thương vai lần đầu phát tác, cô đã có thể tuyên bố giải nghệ ở tuổi 20, đi theo nghiệp người mẫu mà vẫn có thể sống sung túc trong phần đời còn lại. Nhưng cô không từ bỏ. Suốt giai đoạn 2007-2014, Sharapova lăn lộn cùng chấn thương. Ba lần chấn thương vai hành hạ Sharapova, cũng là ba lần cô gồng mình đứng dậy và đánh chiếm Grand Slam.
Chứng kiến quần vợt ngày càng xuất hiện nhiều “nữ hoàng không Grand Slam” như Jelena Jankovic, Dinara Safina, Caroline Wozniacki hay Simona Halep, thành tích của Sharapova càng nổi bật. Forbes thống kê tháng 6/2017 rằng số tiền Sharapova kiếm được trong sự nghiệp đã lên tới 300 triệu đôla, kỷ lục trong làng thể thao nữ, không chỉ riêng quần vợt. Gương mặt hoàn mỹ như búp bê giúp cô thu về những hợp đồng bom tấn với Nike, Canon, Porsche, Motorola… Và sự sung túc ấy có lẽ khiến không ít người “kém miếng, khó chịu”.
Sharapova dính án phạt giữa thời điểm chính phủ Nga bị vạch trần vì dung túng doping cho các VĐV thể thao. Tay vợt 30 tuổi đưa ra hai lời bào chữa: không biết chất kích thích đó đã được liệt vào danh sách cấm và chỉ dùng chất này để điều trị sức khỏe. Dư luận cho rằng Sharapova thành thật ở ý đầu tiên, nhưng ở ý thứ hai thì không. Lý do họ nghi ngờ là với khao khát chiến thắng bằng mọi giá như của Sharapova, cô sẵn sàng làm tất cả để đạt được mục đích.
Một trong những điểm khiến Sharapova không được lòng khán giả là tiếng hét chói tai mỗi pha vung vợt. Nhưng với tay vợt người Nga, tiếng hét đó cũng như tiếng gầm của sư tử, vừa thể hiện sự ngạo nghễ vừa để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi những mối đe dọa.
Xuân Bình