Hà Linh
"Người tình Hoa Bắc" do dịch giả Lê Hồng Sâm chuyển ngữ, Công ty Bách Việt và NXB Văn học ấn hành. Cuộc hội thảo Marguerite Duras: Viết kịch bản phim được tổ chức nhân sự trở lại của tác giả "người tình" đã diễn ra tối 27/11 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace với sự tham gia của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, dịch giả Lê Hồng Sâm, chuyên gia văn học Pháp Trần Hinh và giảng viên tiếng Pháp Trần Văn Công.
Mở đầu cuốn Người tình Hoa Bắc, Duras viết: "Tôi được biết anh ấy đã qua đời. Đó là vào tháng 5/1990, cách đây một năm. Tôi chưa bao giờ từng nghĩ đến sự ra đi của anh ấy. Người ta còn nói với tôi rằng anh được an táng tại Sa Đéc, rằng ngôi nhà màu xanh vẫn luôn ở chỗ đó, nơi gia đình và con cái anh cư ngụ". Cuốn sách ra đời năm 1991 - một năm sau khi ông Huỳnh Thủy Lê - nguyên mẫu người tình của nhà văn mất. Cái chết của ông dường như đã làm sống dậy những ký ức đã trôi qua hơn nửa thế kỷ trong tâm hồn cô bé da trắng. Một lần nữa khai thác lại mối tình cũ, nhưng theo dịch giả Lê Hồng Sâm, Người tình Hoa Bắc thể hiện những cảm nhận khác biệt về nhân vật, về lối viết. Theo bà, nhân vật người tình trong cuốn tiểu thuyết thứ hai của Duras "táo bạo hơn, cường tráng hơn, tuấn tú hơn". Nếu như trong cuốn Người tình, nhà văn trao nhiều quyền chủ động chèo lái chuyện yêu cho cô gái 15 tuổi thì ở tác phẩm mới này, người tình Trung Hoa đã bớt rụt rè, bớt mặc cảm chủng tộc hơn. Bà Lê Hồng Sâm tỏ ra ngạc nhiên khi mà Người tình Hoa Bắc - được viết 60 năm sau khi Duras rời khỏi Việt Nam - vẫn tái hiện được những ký ức đầy sống động về xứ sở Đông Dương trong vẻ đẹp của những đêm mùa khô, của những cơn mưa gió mùa, của mênh mang đồng ruộng, của xóm ghe thuyền, của bầy trẻ đánh xe trâu, của màu chiếc quần lụa đã nhợt nhạt.
Trang bìa cuốn sách. |
Chia sẻ ý kiến này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng cho rằng, một trong những đóng góp lớn của Marguerite Duras là bà đã lưu lại, bằng tiếng Pháp, một phần văn hóa Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Người tình và Người tình Hoa Bắc dường như cũng là những cuốn sách khởi nguồn cho một trào lưu sách Pháp lấy cảm hứng từ những ngày người Pháp sống trên mảnh đất thuộc địa Đông Dương.
Một trong những yếu tố phân biệt Người tình Hoa Bắc với Người tình, theo giảng viên tiếng Pháp tại Đại học Hà Nội - Trần Văn Công -là những mối quan hệ loạn luân trong cuốn tiểu thuyết ra đời sau. Bằng việc tìm hiểu cặp cô gái - người anh trai thứ và bà mẹ - người anh cả, ông Trần Văn Công khẳng định loạn luân được miêu tả như một thứ tình cảm ngang trái giữa những con người cùng chung một gia đình. "Quan hệ loạn luân của cô gái đối với anh trai thứ còn được thể hiện trong suốt tác phẩm thông qua việc sử dụng ngôn từ thể hiện tình yêu. Những cụm từ ‘người anh nhỏ si mê’, ‘kho báu của em’, ‘cưng của em’ thường được người kể chuyện và nhân vật chính sử dụng rõ ràng thuộc về ngôn từ của tình yêu nam nữ chứng tỏ mối quan hệ mờ ám giữa các nhân vật. Thêm vào đó là những cử chỉ vuốt ve mơn trớn mà cô dành cho anh trai mình như ‘hôn lên mái tóc, gương mặt, đôi bàn tay đặt trên ngực’, ‘thầm gọi’", ông Công nói. Đây không phải là cuốn sách duy nhất của Duras đề cập đến thứ tình cảm quái gở này. Năm 1980, Marguerite Duras từng viết Agatha, câu chuyện tình vô vọng giữa một người anh trai và cô em gái sắp chia tay nhau vĩnh viễn. Như vậy, Người tình Hoa Bắc, ngoài tình yêu giữa cô bé người Pháp và chàng thanh niên Trung Hoa, còn đan xen nhiều mối quan hệ phức tạp, thể hiện rõ những ham muốn bị kìm nén của nhân vật. Sex - như thường lệ - xuất hiện nhiều trong tác phẩm của Duras. Bà Lê Hồng Sâm giải thích, cũng không nên coi đó là chuyện lạ, bởi Duras từng quan niệm, khi một nữ nhà văn không còn bị ám ảnh bởi sex thì những trang văn họ viết ra chỉ như là thứ văn đạo.
Marguerite Duras lúc về già. Ảnh: Dailylife. |
Người tình Hoa Bắc khác biệt với Người tình còn ở tính chất kép của tác phẩm. Nhà văn xác định: "Đây là một cuốn sách. Đây là một bộ phim". Chuyên gia văn học Trần Hinh cũng phát hiện ra tính chất lai tạo giữa văn học và điện ảnh trong tác phẩm của Marguerite Duras. Ông cho rằng, Duras phải chăng không hài lòng với các nhà làm phim Người tình chăng nên với Người tình Hoa Bắc, bà muốn tạo nên một cuốn tiểu thuyết có khả năng đọc như một kịch bản phim?
Duras tên thật là Marguerite Donnadieu (1914 - 1996). Bà sinh ra tại Gia Định và gắn bó với mảnh đất này cho đến năm 18 tuổi. Bước vào tuổi 15, số phận đã run rủi sắp đặt cho Marguerite gặp gỡ và yêu đắm say người đàn ông Trung Hoa hơn bà 27 tuổi. Mối tình ấy hơn nửa thế kỷ sau vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác của Duras. Khi "người tình Trung Hoa" qua đời, Duras - bà lão sắp tuổi 80 - đang chìm đắm trong mối tình với một chàng trai rất trẻ. Nhưng ký ức xưa vẫn trở về tràn ngập, tươi rói. Không ai biết trong những cuốn tiểu thuyết của Duras có bao nhiêu phần trăm là tự truyện. Bà vốn nổi tiếng trong trò chơi thật giả với văn chương. Và đó cũng có thể là một nguyên nhân khiến tiểu thuyết của nhà văn hấp dẫn.