Thứ hai, 14/9/2020, 12:00 (GMT+7)

Marcelo Bielsa - Đừng gọi ông là 'người điên'

Leeds United thua 3-4 trên sân của Liverpool ở vòng một Ngoại hạng Anh, nhưng đó là một thất bại đáng được kính trọng - như chính HLV của họ, "El loco" Marcelo Bielsa.

Bielsa sinh năm 1955, đá ở vị trí hậu vệ trong sự nghiệp cầu thủ chỉ kéo dài 5 năm (1975-1980). Trở thành HLV, ông chủ yếu dẫn dắt các CLB nhỏ hoặc tầm trung, bên cạnh hai đội tuyển sừng sỏ của Nam Mỹ là Argentina (1998-2004) và Chile (2007-2011).

Lớn lên trong "tâm hồn" của bóng đá

Ở Argentina, có hai trung tâm của túc cầu. Thứ nhất là Buenos Aires, nơi được gọi là trái tim của bóng đá xứ sở tango. Và thứ hai là Rosario, thành phố của Lionel Messi, nơi được ví như tâm hồn của bóng đá Argentina. Bielsa lớn lên từ Rosario, và đúng nghĩa, ông mang một tâm hồn bóng đá từ tấm bé.

Sinh ra trong một gia đình thượng lưu, Bielsa được kỳ vọng sẽ trở thành "trí thức" như cha mẹ mình. Cha của ông, Rafael Bielsa "el turco", đã được nuôi dưỡng bằng một tinh thần phấn đấu như thế và ông hiểu giá trị của những trí thức trong xã hội Argentina là như thế nào. Và câu chuyện đổi đời của nhà Bielsa chắc cũng ảnh hưởng rất lớn tới Marcelo, khiến ông luôn mang khát vọng thay đổi bóng đá bằng ý niệm riêng của mình, một khát vọng điên rồ.

Cụ nội của Marcelo vốn là một thợ mộc ở Esperanza, một vùng nông nghiệp phía bắc Rosario. Ông gửi con trai, Rafael Bielsa, lên Buenos Aires học nghề, với ước muốn nó sẽ trở thành một thợ làm đồ gỗ mỹ nghệ. Nhưng Rafael lại không nghĩ đến việc tiếp tục làm nghề mộc. Cầm số tiền cha gửi gắm, ông đi học luật. Dòng họ Bielsa đổi đời từ quyết định này.

Đến năm 1949, khi 60 tuổi, Rafael đã trở thành luật sư hàng đầu ở Nam Mỹ. Ông là trưởng khoa của Universidad del Litoral ở Santa Fe, đồng thời là giáo sư khoa luật của Đại học Buenos Aires và giáo sư danh dự của Đại học Sorbonne ở Paris. Ông mua một dinh thự ở ngay cạnh sân El Coloso del Parque của CLB Newell’s Old Boys. Đó dường như là định mệnh khi sau này Newell’s Old Boys quyết định đổi tên sân thành Marcelo Bielsa.

Sân Marcelo Bielsa - sân nhà của Newell's Old Boys nhìn từ trên cao. Ảnh: Newell's Old Boys.

Rafael đã xây dựng một thư viện gia đình có hơn 3.000 đầu sách với hy vọng con cháu sẽ trở thành những học giả, sau khi chính ông đã thoát ly được nghề mộc cũng như tầng lớp cần lao. Và cha của Marcelo Bielsa, cũng tên là Rafael nhưng có biệt danh "el turco", đã tiếp nối truyền thống để trở thành một luật sư bất chấp việc ông vẫn mang tinh thần nổi loạn rất bohemian trong mình.

Mẹ của Marcelo, bà Lidia Caldera, là một giáo viên sử học, nấu ăn tuyệt ngon. Bà là người chủ yếu trong gia đình xây dựng nên nhân cách của con trai sau này. Lidia có nguồn gốc còn cần lao hơn chồng nên dung hoà được giữa văn hoá của giới tinh hoa với văn hoá bình dân một cách nhịp nhàng. Và bà cũng tạo cho Marcelo thói quen ham tìm hiểu. Chính Ernesto Urrea, trợ lý của Bielsa khi ông huấn luyện CLB Atlas ở Mexico, đã ngạc nhiên khi thấy "sếp" hiểu rành rẽ văn hoá Mexico như thể người bản địa ngay từ ngày đầu tiên đến Atlas làm việc.

Gia đình Bielsa chuyển đến sống ở Calle Mitre, một khu ngoại vi của Rosario, sau khi dinh thự tại Parque bị chính quyền độc tài Leopoldo Fortunato Galtieri Castelli tịch biên để sử dụng làm văn phòng cho an ninh ngầm năm 1977. Căn phòng thư viện 3.000 đầu sách từng là nền tảng mà ông nội của Marcelo muốn tạo dựng cho con cháu bị biến thành phòng nghe lén điện thoại.

Nếu như ở căn nhà cũ, tuổi thơ của Marcelo là những trận bóng đá đường phố với bè bạn, là không khí của sân vận động Coloso del Parque ngay sát bên, là quảng trường nơi các CĐV của Newell’s Old Boys tụ họp và tạo nên một Bielsa yêu Newell’s Old Boys đến điên cuồng thì ở căn nhà ngoại ô tại Calle Mitre, Marcelo hiểu hơn về thế giới của những người tầng lớp thấp, ít học, không cơ hội. Và chính điều đó đã tạo nên một Marcelo sau này với khả năng có thể làm việc được với tất cả các dạng cầu thủ với nền tảng văn hoá khác nhau.

Ở Calle Mitre, ông hiểu thế nào là potrero, những sân bóng trên đồng cỏ chăn gia súc. Chính từ những potrero như thế, Gabriel Batistuta, Jorge Valdano, Mauricio Pochettino, Mario Kempes, Di Maria, Cesar Luis Menotti... đã trưởng thành. Và ông cũng thấu hiểu hơn tâm hồn bóng đá của Argentina là gì. Nó là "sống chết" vì nghề, bởi đó là cơ hội đổi đời cuối cùng.

Nếu như ở châu Âu các cầu thủ 15-16 tuổi đã có thể có nhà, có xe và kiếm ra tiền thì ở Argentina, những cầu thủ trẻ như thế chẳng có gì cả. Họ bởi thế sẵn sàng ngã xuống trên sân chỉ để giành chiến thắng. Bóng đá ở Argentina đời hơn, nó cũng tạo ra những con người "nửa thiên thần, nửa ác qủy" với những tiểu xảo đặc trưng. Cái quyết liệt ấy của tâm hồn bóng đá Argentina thấm đẫm trong Bielsa, khiến ông là một HLV có bản sắc rất riêng, không thể lẫn vào đâu được.

Chính anh trai của Marcelo Bielsa, cũng có tên là Rafael như bố và ông nội, đã kể lại rằng: "Nó rất ghét sáng dậy phải sửa soạn quần áo nên nó luôn mặc sẵn quần áo đi học từ đêm hôm trước và đi ngủ trong bộ đồ đó". Nhưng khi chơi bóng đá thì khác. Mỗi tối thứ Sáu, Marcelo đều sắp xếp kỹ lưỡng quần áo thi đấu, đánh thật kỹ đôi giày, chuẩn bị vớ, tắc kê... đầy đủ. Với Marcelo, chơi bóng là một nghi lễ nghiêm cẩn thực sự.

Marcelo đã lớn lên như thế, gần một sân bóng đá, trong một thư viện gia truyền, giữa ranh giới của thượng lưu và cần lao. Và ông nhờ đó có đầy đủ những tố chất để khiến người ta tôn mình làm bậc thầy: tri thức, niềm đam mê tột cùng với bóng đá, sự lịch lãm nhưng biết lúc nào cần dung dị. Và đó chính là một tâm hồn bóng đá đầy đủ nhất của thế giới túc cầu: có cả "phủi" lẫn "học viện".

Điên từ bé, và quyết liệt từ bé

Hiện tại, người ta gọi Marcelo Bielsa là El loco, tức là "người điên". Nhưng thời còn trẻ, bạn bè gọi ông là El Cabezon: Kẻ to đầu. Cái tên này đơn thuần bắt nguồn từ ngoại hình nhưng nó lại phản ảnh chân thực nhất cá tính của Marcelo: to đầu nhất trong đám.

Những ngày còn trẻ con, đội bóng ở khu phố của Marcelo thường chơi vào mỗi cuối tuần ở quảng trường Parque hoặc ở sân nhà thờ Corazon de Maria. Đội bóng ấy được Marcelo và bạn bè đặt tên là "Blue Star" và HLV của đội là Pedro Vitantonio, một người bạn lớn tuổi của Bielsa.

Một lần, khi đang chơi ở sân quảng trường, cảnh sát tới điều tra vì có cáo buộc lũ trẻ con đã làm hư hại một cái cây. HLV Pedro nhận trách nhiệm và bị cảnh sát dẫn đi. Lập tức, cả đội bóng, toàn trẻ con 11-12 tuổi vây lấy hai viên cảnh sát yêu cầu phải trả tự do cho HLV của mình. Thình lình, Marcelo lao tới, ôm chặt lấy chân của một viên cảnh sát và không chịu buông bỏ, khiến người này cứ thế bước đi, kéo lê cậu bé dưới đường. Một lần khác, cảnh sát lại đến vì vụ đá bóng vỡ kính cửa sổ của dân cư ở đó. Và đúng lúc ấy, đội của Bielsa được hưởng một quả phạt góc. Bielsa lập tức quát vào mặt viên cảnh sát yêu cầu cấm chen ngang để quả phạt góc được thực hiện xong. Và tất nhiên, cậu bé Bielsa phải "lên phường". Khi gia đình đến bảo lãnh, Bielsa cũng không chịu về chừng nào cảnh sát chưa chịu trả cho cậu quả bóng.

Những chuyện đó đủ để nói lên cái điên, cái to đầu của Bielsa. Nhưng nó cũng cho thấy một Bielsa khác nữa, một Bielsa của triết lý huấn luyện hiện nay. Đó là đừng bao giờ giành lấy bóng của ông. Chính cái việc "yêu" quả bóng đến vậy mới khiến Bielsa đẻ ra thứ bóng đá pressing ngay trên phần sân đối phương mà sau này Jurgen Klopp, Pep Guardiola, Thomas Tuchel... đều học lại.

Bielsa trong một lớp dạy về chiến thuật bóng đá của FIFA.

Quyết liệt là thứ dễ nhận thấy ở Marcelo. Ông không bao giờ chấp nhận thoả hiệp bởi với ông, thoả hiệp đồng nghĩa với thất bại. Khi khởi nghiệp huấn luyện ở đội bóng của University of Buenos Aires, ông đã chứng tỏ sự quyết liệt ấy trong những hành động rất chuyên nghiệp dù cho đó chỉ là một đội bóng phong trào.

Khi ấy, nhiều người vẫn nghĩ với một đội bóng sinh viên thì chỉ cần cư xử với các thành viên như những sinh viên là đủ. Bielsa nghĩ khác. Ông coi họ là các cầu thủ chứ không phải là sinh viên. Có ngày, ông từng cùng họ thực hiện bài tập đứng lên ngồi xuống 600 lần để họ hiểu rằng muốn chơi bóng thì phải có thể chất thế nào, thể lực ra sao. Và ông không bao giờ cho cầu thủ được phép kết thúc bài tập khi tất cả các phần tập trong bài chưa được thực hiện một cách hoàn hảo.

Thậm chí, một cầu thủ tên là Eloy del Val, một tay "cơ bắp" thực thụ trong đội bóng sinh viên University of Buenos Aires, đã suýt bị Marcelo "tẩn" chỉ vì dám cãi lại ông trong buổi tập. Khi Del Val định từ chối không tập theo giáo trình mà Marcelo đưa ra, ông cởi áo khoác, cởi đồng hồ ra và nói: "Thưa Mr Del Val, ta hãy giải quyết với nhau như những trang nam nhi thực thụ nào".

Không có màn đọ găng nào cả bởi cái quyết liệt của Marcelo đã làm Del Val chết khiếp. Và Marcelo cũng ném luôn del Val lên ghế dự bị cho tới tận khi chính Del Val nhận ra cần phải tập luyện thế nào. Nhưng cách hành xử của Marcelo mới khiến cầu thủ-sinh viên của ông nể phục. Nếu cầu thủ của ông bị đá xấu, ông không ngại phi thẳng vào sân để xử lý đối thủ. Thậm chí, có trận ông còn đợi đến tận cuối để làm cho ra nhẽ kẻ đã liên tục giật chỏ vào cầu thủ của mình.

Khi ông huấn luyện Newell’s Old Boys, mùa giải 1990-1991, trận cuối cùng gặp San Lorenzo, nếu Newell’s thắng họ sẽ vô địch. Và đêm trước trận đấu, ông cho toàn đội cấm trại tại trường Không quân đóng ở Funes. Ông rút giắc nối cái điện thoại, nói với mọi cầu thủ "Vợ tôi mang bầu, sắp sinh. Tôi nói với bà ấy đêm nay tôi ở lại đây với đội nên nếu có trở dạ thì một là gọi cho em gái, hai là gọi cho bố mẹ vợ tôi chứ đừng gọi tôi. Thế nên, nếu nhà các anh có việc nào quan trọng hơn thế thì hẵng sử dụng điện thoại nhé". Quyết liệt đến thế, được mấy ai bằng.

Nhưng cái quyết liệt lớn nhất của Marcelo phải là khi ông đang chơi cho đội trẻ của Newell’s Old Boys. Lúc ông được mang sang cho Instituto Atlético Central Córdoba mượn, ông đã hiểu sự nghiệp cầu thủ của mình khó có thể đi xa. Và ông quyết định ngay từ năm 1978, khi Argentina vô địch World Cup, rằng phải đi làm huấn luyện. Chính Jose Luis Danguise, một đồng đội của ông đã tiết lộ: "Cậu ấy viết hết ra giấy về kế hoạch sẽ trở thành HLV như thế nào. Và cậu ấy cũng vẽ sa bàn chỉ cho tôi thấy lẽ ra CLB Instituto nên chơi ra sao".

Kế hoạch và viễn cảnh thành HLV của Bielsa đã được vạch ra và được thực hiện đến từng chi tiết. Bielsa yêu thích sự chi tiết và mọi việc ông làm đều chi tiết như vậy. Khi ông làm HLV đội trẻ của Newell’s Old Boys năm 1980, ông đã chia cả đất nước Argentina ra thành từng khu vực có diện tích 50 dặm vuông. Ở mỗi khu vực ấy, ông tổ chức tuyển trạch bằng cách tạo ra các giải trẻ ngắn ngày. Rồi ông nhặt tất cả các năng khiếu tốt nhất đưa về Newell’s để thử việc.

Câu chuyện phát hiện ra Pochettino mới cho thấy ông yêu công việc thế nào. Nghe về một cậu bé "chơi bóng khá lắm", ông liền rủ người đồng sự Jorge Griffa lên chiếc xe Fiat 147 chạy ngay đến thị trấn nhỏ có tên Murphy cách Rosario tới gần 500 dặm (hơn 800 km). Họ tới nhà của Pochettino vào lúc tờ mờ sáng một ngày mùa Đông năm 1987. 5h sáng Pochettino mới dậy để chuẩn bị tới trường. Marcelo gõ cửa nhà anh lúc... 4h.

Bielsa trò chuyện với học trò Pochettio - một trong những nhân tài do ông phát hiện và đào tạo.

Bố mẹ của Pochettino đón tiếp ông. Họ trò chuyện dăm phút và ông nói muốn gặp cậu bé. Pochettino còn ngủ. Bố mẹ Pochettino dắt Bielsa và Griffa lên phòng. Họ xin phép xem chân của Pochettino và mẹ anh kéo tấm chăn ra trong khi Pochettino còn say ngủ. "Nó có đôi chân của một cầu thủ thực sự. Xem chân nó này", ông nói với Griffa. Câu chuyện ấy, tới tận ngày hôm sau Pochettino mới được biết, qua lời kể của cha mình.

Cũng đúng năm 1987, Alex Ferguson đến chúc mừng sinh nhật cậu bé 14 tuổi Ryan Giggs, lời chúc đổi đời. Ferguson tới nhà Giggs trên chiếc Mercedes, còn Bielsa tới nhà Pochettino bằng chiếc Fiat. Phương tiện chả quan trọng nữa. Thứ quan trọng nhất là họ rất giống nhau ở sự quyết liệt, quyết "không cho chúng nó thoát" khi gặp một tài năng.

Sau này, khi Pochettino là cầu thủ của Newell’s Old Boys, cũng chính Bielsa phát hiện tố chất huấn luyện của chàng cầu thủ này. Ông yêu cầu Pochettino, lúc mới 23 tuổi, xem xét thật kỹ tất cả những bài phân tích về đối thủ và viết báo cáo cho ông để chuẩn bị kế hoạch đấu pháp. Sự dìu dắt ấy đáng quý nhường nào và nó cũng cho thấy cái mắt nhìn người của Bielsa tinh tường ra sao.

Bielsa và Jorge Griffa đúng nghĩa là cặp bài trùng tạo nên lịch sử cho Newell’s Old Boys lẫn bóng đá Argentina. Họ có mặt cùng nhau trên mọi dặm đường chỉ để xem chân cẳng một cầu thủ tiềm năng nào đó. Và cũng năm 1987 ấy, có một câu chuyện đã tạo dựng nên một tên tuổi lẫy lừng sau này.

Năm đó, tuyển trẻ Argentina tập trung và họ tổ chức một trận giao hữu với đội bóng địa phương của Reconquista khi dừng chân lại đây trong hành trình từ Corrientes về Buenos Aires. Tuyển trẻ Argentina thua 1-2. Griffa và Bielsa lặn lội đi xe khách mất bảy tiếng để tới xem trận này. Và họ ký hợp đồng ngay với cầu thủ ghi cả hai bàn kia, dù họ nhận xét "trông chẳng có vẻ gì là cầu thủ cả. Nó chưa có kỹ thuật để biết chỉnh quả bóng đúng hướng khi dứt điểm. Nhưng nó sẽ là cầu thủ lớn".

Và người đó chính là Gabriel Batistuta...

Bielsa ăn mừng cùng các học trò trong ngày Leeds đăng quang giải hạng Nhất, để trở lại với Ngoại hạng Anh lần đầu tiên kể từ mùa 2003-2004. Ảnh: Sky Sports.

Một Bielsa tinh tế vô cùng

Là một người mê sách, và đọc rất nhiều sách, Bielsa sử dụng tiếng Tây Ban Nha cực giỏi. Ngôn ngữ của ông vô cùng uyển chuyển, lịch lãm. Ông luôn dùng đại từ nhân xưng trang trọng "usted" đối với cầu thủ thay vì dùng "tu" suồng sã. Còn ở Anh, ông luôn gọi cầu thủ của mình kèm theo danh xưng "Mister". Trong các buổi nói chuyện với đội bóng, ông cũng dùng những câu chuyện dụ ngôn để dẫn dắt khiến cho phần trình bày lôi cuốn hơn.

Nhưng nếu cầu thủ của ông là những người "ít học, ít đọc" thì sao? Bielsa sẽ lựa chọn những cách nói đơn giản để những cầu thủ ấy có thể dễ hiểu nhất. Thậm chí, ông còn vẽ lên giày của một số cầu thủ những khu vực nên khai thác trên sân, để họ có thể ghi nhớ khi thi đấu. Chính hậu vệ Fernando Gamboa kể lại: "Khi ông ấy vẽ lên giày của tôi. Tôi không thể tin nổi. Tôi không còn nghe thấy bất kỳ điều gì cả và chỉ nghĩ rằng 'Ơ kìa, sao lại làm hỏng giày của mình thế nhỉ?'".

Bielsa theo đuổi những bài tập khối lượng lớn, có thể khiến cầu thủ "ra bã" trong thời gian đầu nhưng sau đó sẽ có một nền tảng thể lực sung mãn. Cơ bản, ông thích triết lý bóng đá tốc độ. Ông muốn bóng phải được chuyển từ hàng thủ lên hàng tiền vệ nhanh nhất, với các cầu thủ di chuyển ở tốc độ cao. Đó là thứ bóng đá chấp nhận rủi ro vì ở tốc độ cao, việc ra quyết định chính xác là rất khó.

Nhưng để khắc phục rủi ro đó, ông yêu cầu các bài tập kỹ năng phải được thực hiện nhuần nhuyễn. Chính Jorge Griffa cho biết: "Ông ấy bắt cầu thủ tập cho thành thạo tới mức các kỹ năng phải thành bản năng thứ hai, thành phản xạ có điều kiện của cầu thủ". Và với tư duy bóng đá ấy, Bielsa khiến nhiều người kính nể. Đồng thời, ông định nghĩa lại về nghề huấn luyện ở Argentina, nghề vốn dĩ bị mặc định đóng khung trong một thời gian dài.

Ở Argentina, xưa nay người ta xếp HLV thành hai "rổ". Rổ thứ nhất có đại diện là Cesar Menotti (HLV của đội tuyển Argentina vô địch World Cup 1978), với thứ bóng đá quyến rũ, linh hoạt, chấp nhận rủi ro. Rổ thứ hai có đại diện là Carlos Bilardo (dẫn dắt Argentina vô địch World Cup 1986), với sự cẩn trọng, thực dụng và hiệu quả là trên hết. Bielsa đi giữa hai trường phái này, thiết lập ra cách làm riêng của mình và chính người Argentina đã phải thừa nhận ông mới là người cách tân nền bóng đá ấy.

Nhiều người biết chuyện Guardiola rất nể trọng Bielsa. Cũng có người so sánh họ với nhau nhưng thực tế, triết lý bóng đá của cả hai tương đối khác. Pep chọn lối chơi chuyền bóng nhiều hơn, nói thẳng ra là Nam Mỹ hơn. Còn Bielsa thích bóng đá tốc độ và trực diện. Thứ duy nhất ông và Pep giống nhau chỉ là sự ám ảnh. Pep bị ám ảnh với việc sẽ phải phát triển đội bóng thế nào cho khác với chính nó ở tuần trước. Còn Bielsa bị ám ảnh bởi "đối thủ sẽ chơi ra sao" và ông luôn dành rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm đối thủ nhằm tìm ra cách khắc chế.

Bielsa không giành nhiều danh hiệu, nhưng trí tuệ, nhân cách và niềm đam mê của ông khiến các hậu bối lừng danh như Pep Guardiola phải kính ngưỡng.

Bài học lớn nhất mà Bielsa nhận được từ nghề huấn luyện chính là ông quá nổi tiếng với lối chơi của mình, nên tất cả các đối thủ đều biết rõ đội bóng của ông sẽ chơi như thế nào. Các thất bại ở Copa Libertadores, ở World Cup 2002 đều bắt nguồn từ đó. Nhưng ở Leeds, Bielsa đã khác. Ông hiểu kế hoạch B quan trọng thế nào trong thời đại bóng đá thay đổi từng ngày như thế này.

Sự tinh tế của Bielsa còn thể hiện trong cách ông cư xử với những đồng sự, với bè bạn của mình. Ngày ông nhận việc ở Leeds cũng là thời điểm Newell’s Old Boys khánh thành trung tâm đào tạo trẻ mới theo đúng kế hoạch của ông. Ông tài trợ một phần tiền cho việc xây dựng trung tâm đó và ông yêu cầu nó được đặt tên là Jorge Griffa, tên người đồng sự gắn với ông 40 năm nay.

Ông nổi tiếng là kỹ tính trong chuyện tiền nong. Không phải ông keo kiệt mà vì biết giá trị của đồng tiền, biết giá trị của mình. Mọi hợp đồng đều được ông thương thảo rất kỹ, có hợp đồng ông nhờ anh trai mình, luật sư Rafael Bielsa thương thảo hộ. Nhưng với bạn bè, ông hào phóng đến không ngờ.

Hồi còn đá bóng ở Newell’s Old Boys, Roberto Agueropolis, đồng đội của ông, quyết định xây nhà nhưng không thể hoàn thiện vì tiền CLB trả cho Agueropolis ít hơn ngân sách xây dựng thực tế. Bielsa liền đưa lương của mình cho Agueropolis và nói: "Cậu làm cái mái nhà đi. Bao giờ đưa lại tớ cũng được". Nhưng câu chuyện ấy chưa xúc động bằng việc ông biết người bạn của mình, tên là Jose Falabella, gặp khó khăn trong việc có con. Ông tài trợ việc làm thụ tinh nhân tạo cho hai vợ chồng Falabella và khi con gái họ ra đời, ông là cha đỡ đầu của cô bé.

Những tinh tế ấy rõ ràng đến từ một nền tảng gia đình trí thức thượng lưu. Cha của Bielsa thích Frank Sinatra (một trong những nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20), và luôn muốn con cái của mình lớn lên với nền tảng văn hoá vững chắc. Dường như chưa có gia đình nào danh giá như gia đình ông trong thế giới bóng đá. Ở giai đoạn ông là HLV trưởng ĐTQG Argentina, anh trai ông là ngoại trưởng Argentina và em gái là phó thống đốc của Santa Fe.

Lần duy nhất người ta thấy ông văng tục chính là năm 1991, khi dẫn dắt Newell’s Old Boys lên ngôi vô địch Apetura. Trong lúc các cầu thủ kiệu ông trên vai, ông nắm chặt chiếc áo của Newell’s Old Boys gào lên liên tục "Newell’s Carajo" (kiểu như "Newell’s chó chết"). Sự giải toả ấy là dễ hiểu. Tình yêu của Bielsa dành cho Newell’s là vô tận. Nó bắt đầu từ cửa sổ của trường tiểu học số 3, nơi ông có thể nhìn ra sân bóng của Newell’s. Nó cũng bắt đầu từ chính căn nhà của gia đình ông, nơi những CĐV của Newell’s vẫn tề tựu về, nơi ông và những đứa trẻ láng giềng vẫn cùng chơi bóng...

Có thể Bielsa sẽ không giành được danh hiệu nào với Leeds, bởi cuộc chơi ngày càng khó khăn hơn và ông cũng có tuổi rồi nhưng Leeds hãy giữ ông lại nếu họ muốn đi xa hơn nữa. Nếu một ngày Bielsa không còn phù hợp với ghế HLV trưởng, ông hoàn toàn có thể là một Giám đốc Thể Thao giúp tạo dựng Leeds thành một CLB có học viện tốt bậc nhất châu Âu. Ông luôn mang trong mình cái máu phát triển học viện và chính việc Leeds cam kết sẽ xây dựng hệ thống đào tạo trẻ tốt mới là một phần quan trọng khiến ông lựa chọn nước Anh.

Bức chân dung lớn của Bielsa được vẽ lên tường một căn chung cư ở thành phố Leeds. Ảnh: The Times.

Bielsa nổi tiếng với câu "mọi ý tưởng đều điên rồ hết cho tới khi nào chúng mang lại hiệu quả". Và với Bielsa, hiệu quả ông mang lại đừng nên chỉ nhìn vào danh hiệu. Hãy nhìn vào thứ bóng đá ông tạo dựng, và những cầu thủ qua tay ông rồi trở thành tượng đài.

Chừng đó cũng đủ để chúng ta không nên gọi ông là "người điên" nữa rồi.

Hà Quang Minh