Hà Linh -
Chính tầm vóc to lớn này mà người ta cho rằng, các nhà văn trẻ nếu tiếp xúc sớm với tác phẩm của Proust sẽ có thể gặp phải những tác động tiêu cực theo hai hướng: Hoặc bị chi phối mạnh mẽ bởi lối viết của Proust; hoặc dễ rơi vào trạng thái bi quan vì cảm thấy Proust dường như đã khai thác hết mọi tiềm năng và giá trị của thể loại tiểu thuyết. Ngay cả Walter Benjamin, dịch giả tiếng Đức các tác phẩm của Proust, từng viết thư cho nhà triết học Theodor Adorno tâm sự rằng, ông không muốn đọc thêm một chút nào nữa những tác phẩm của nhà văn ngoài những gì cần phải chuyển ngữ. Bởi càng đọc nhiều, ông càng trở thành một con nghiện - và điều này sẽ là một trở ngại cho quá trình sáng tác của Benjamin.
Nhà văn Graham Greene nhận định: "Proust là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế kỷ 20, giống như là Tolstoy của thế kỷ 19... Những nhà văn sinh ra cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 hầu như không ai tránh được hai nguồn ảnh hưởng lớn: Proust và Freud". Danh tiếng và uy thế của Proust hoàn toàn có thể làm lu mờ tên tuổi của những James Joyce và Samuel Beckett, của Virginia Woolf và William Faulkner, của Ernest Hemingway và Scott Fitzgerald, của André Gide, Paul Valery và Jean Genet, của Thomas Mann và Bertolt Brecht.
Beckett từng viết bài phê bình tác phẩm của Proust, còn Woolf thì choáng ngợp trước tài năng của nhà văn. Gide từng cay đắng ân hận vì khi còn làm giám đốc một nhà xuất bản khá uy tín, ông đã thắng tay từ chối bản thảo Bên phía nhà Swann (phần 1 bộ Đi tìm thời gian đã mất) chỉ vì nghĩ rằng Proust là kẻ nông cạn, hợm mình, một ký giả của tầng lớp thượng lưu. Genet thì viết cuốn tiểu thuyết đầu tay xuất phát từ những cảm hứng khi đọc tác phẩm của Proust. Trong thời gian ở tù, Genet được tiếp xúc với tác phẩm Within a Budding Grove của Proust. Sau khi đọc trang mở đầu cuốn tiểu thuyết của nhà văn, Genet đã lập tức gập cuốn sách lại... để dành. Ông tự thì thầm với bản thân: "Bây giờ, mình cần một nơi tĩnh lặng, từ từ nhấm nháp từng trang sách để được đi từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác". Chính cuốn sách đã gợi hứng cho Genet viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Our lady of the Flowers. Genet không che giấu tham vọng trở thành một Proust của những con người ở tầng lớp dưới.
Nhà văn Marcel Proust. Ảnh: todayinliterature |
Tuy nhiên, không phải lúc nào Proust cũng nhận được những lời tán tụng như vậy. Ngay cả những người tưởng như là bạn bè thân thiết, luôn đứng về phía ông, cũng từng đưa ra những lời nhận xét ác ý. Gide thì thường xuyên tức tối vì Proust không bao giờ thừa nhận mình là một kẻ đồng tính trong các trang viết. Lucien Daudet, một nhà văn trẻ từng là bạn tình của Proust (Proust thích những chàng trai trẻ có râu quai nón và mắt đen như mình) từng dè bỉu với Jean Cocteau rằng, Proust là "một thứ sâu bọ tàn ác". Còn bố của Lucien, Alphonse Daudet, một nhà văn lớp trước, từng kêu lên: "Marcel Proust là một con quỷ". Tâm trạng này ở Daudet không có gì là khó hiểu khi mà 7 tập sách Đi tìm thời gian đã mất của Proust ra đời đã làm lu mờ mọi thành tựu mà tiểu thuyết hai thập kỷ trước đã đạt được.
Chưa hết, những lời sỉ nhục chưa dừng lại ở đó. Người ta còn chĩa lời bình luận cay độc vào những vấn đề về giới tính của nhà văn. Paul Claudel, nhà viết kịch, nhà thơ gọi Marcel là "một mụ già Do thái thích điểm trang". Ở New York, vào những năm 1970 thịnh hành một loại áo sơ mi có in dòng chữ "Proust is a Yenta" (Proust là một Yenta). Trong đó, Yenta là một từ tiếng Đức cổ, chỉ người đàn bà ưa buôn chuyện.
Nhưng tất cả những lời lẽ xúc phạm này đã phần nào được lắng xuống khi La Nouvelle Revue Francaise - một tạp chí văn học uy tín lúc bấy giờ - ấn hành một số đặc biệt (năm 1923) dành cho Proust, kỷ niệm một năm ngày mất của nhà văn. La Nouvelle Revue Francaise đăng hình ảnh của nhà văn, trích dẫn những tác phẩm chưa xuất bản của ông cùng những lời tán tụng của các nhà phê bình. Rất nhiều người đã thương khóc tác giả Đi tìm thời gian đã mất bằng những ký ức sống động của chính mình.
Kịch tác gia Jean Cocteau nhớ lại giọng nói của Proust "như là chất giọng cất lên từ lồng ngực của một người nói giọng bụng. Tiếng nói của Proust như mang theo cả linh hồn của ông". Nhà văn Leon-Paul Fargue nhớ lại lần gặp gỡ Proust vào những ngày cuối đời: "Ông hoàn toàn nhợt nhạt với mái tóc rủ xuống quá lông mày, chòm râu quai nón như muốn nuốt lấy khuôn mặt". Fargue còn chú ý đến ống tay áo dài trùm kín đôi bàn tay lạnh ngắt và đôi mắt hình quả hạnh. "Ông giống như người đã lâu ngày không ra ngoài trời, như một ẩn sĩ trú ngụ quá lâu sau bóng cây sồi với những đường nét đớn đau hiện hình trên khuôn mặt".
Còn một tiểu thư thuộc dòng dõi quý tộc đã quá hoảng sợ đến gần như ngất đi khi được giới thiệu với nhà văn nhưng được ông đáp trả bằng cái nhìn chòng chọc, dữ dội đến lạ kỳ.
Reynaldo Hahn - nhà soạn nhạc - một trong những bạn tình của Proust kể, một lần, khi hai người đang sánh vai đi dạo trong vườn thì Proust đột nhiên dừng lại trước một khóm hoa hồng rồi bảo Hahn tiếp tục đi dạo một mình đi. Khi Hahn kết thúc một vòng quanh lâu đài, ông nhận thấy: "Proust vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ, đăm đăm nhìn vào khóm hồng, đầu hơi ngả về phía trước, sắc mặt xem ra rất nghiêm trọng, mắt ông hơi nhấp nháy, lông mày nhíu lại, diễn tả sự quan sát đầy đam mê. Không biết bao nhiêu lần tôi được chứng kiến những khoảng khắc kỳ dị của Proust khi ông hoàn toàn chìm đắm trong những cuộc trò chuyện với thiên nhiên...".
Còn tiểu thuyết gia Sidonie-Cabrielle Colette thì kể lại, năm 1917, sau khi xuất bản những tập đầu bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất, Proust trở nên vô cùng ốm yếu, ông chắc không nặng được đến 45 kg, hầu như không ra ngoài, chỉ đóng cửa phòng, viết và viết như một kẻ tử vì đạo.
Marcel Proust sinh năm 1871 trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc. Bố ông là bác sĩ còn mẹ ông là một phụ nữ thông minh, xinh đẹp người Do Thái. Tuy yêu quý mẹ nhưng Proust không bao giờ chịu thừa nhận gốc Do Thái của mình, thậm chí ông còn tỏ ra rất tức giận khi bị báo chí liệt vào danh sách các nhà văn Do Thái.
Nhân vật mẹ của người kể chuyện trong kiệt tác Đi tìm thời gian đã mất chính là hình bóng người mẹ của nhà văn. Cậu con trai giống bà ở tình yêu dành cho âm nhạc và văn chương. Bà có thể nói và đọc tiếng Đức thành thạo như tiếng Anh. Bà sở hữu một trí nhớ tuyệt vời để chứa đựng cả một kho những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Thậm chí, những lời trăng trối của bà cũng là một lời văn trích ra từ tác phẩm của La Fontaine: "Nếu con không phải là một người La Mã thì ít nhất cũng phải hành động như một người La Mã". Marcel thừa hưởng được từ mẹ những câu thơ câu văn châu ngọc của những tác giả như Victor Hugo, Racine, Baudelaire...
Mẹ của Proust mang thai ông vào thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh Pháp - Phổ. Những khó khăn và thiếu thốn trong quá trình mang thai đã khiến Proust được sinh ra một cách yếu ớt, tưởng chừng như không thể sống nổi. Lên chín tuổi, ông mắc chứng hen suyễn và căn bệnh này hành hạ nhà văn trong suốt phần đời kéo dài hơn 40 năm còn lại.
Ông qua đời ngày 18/11/1922 sau một cơn đau nặng khi Đi tìm thời gian đã mất chưa được xuất bản hết.
(Nguồn: Tổng hợp)