- Xin chào nhà văn Marc Levy, rất vui mừng vì chú đã đến VN, cháu mua và đọc nhiều tác phẩm của chú, và đặc biệt thích cuốn "Kiếp sau". Cảm ơn chú đã dành tình cảm cho các độc giả Việt Nam, cảm ơn vì đã đến Việt Nam. Xin chú chia sẻ nhiều hơn về cuốn "Kiếp sau" cùng những ý tưởng và tình cảm trong ấy. Cháu luôn tin là người hoạ sĩ ấy có thật và nhân vật cô con gái của ông cũng tồn tại thật. Ông lấy cảm hứng của cuốn truyện từ đâu vậy ạ? (Nguyễn Thị Thịnh, 22 tuổi, Pleikucitizen@gmail.Com)
- Kiếp sau lấy cảm hứng từ những tình cảm trường tồn khi tôi còn nhỏ. Bà tôi thường nói với tôi, con người chết đi, chẳng mang theo vinh quang cũng như tình cảm. Trong khi rất nhiều người còn sống lại mong có vị thế, mong được tạc tượng. Bà nói, sự trường tồn mãi mãi của con người là ở trong tình cảm - điều sẽ còn mãi sau khi mất đi. Bà đã mất nhiều năm, nhưng luôn hiện hữu trong tim tôi. Tôi nghĩ con người vẫn luôn tồn tại trong trái tim chúng ta - nghĩa là họ vẫn tiếp tục sống.
Chủ đề trong Kíếp sau - tình yêu giữa một người đàn ông và một người đàn bà - mãnh liệt đến mức người phụ nữ này tái sinh để tiếp tục tình yêu đó. Đương nhiên đó chỉ là sự ẩn dụ. Với nhân vật họa sĩ, thực sự tôi cũng muốn anh ấy tồn tại. Tiếc rằng đó chỉ là một nhân vật tưởng tượng. ư
Nhà văn Marc Levy. |
- Tình yêu trong sách của nhà văn rất lãng mạn. Vậy còn tình yêu của Marc Levy ở ngoài đời thì sao? Anh có tin vào cổ tích tình yêu cho cuộc đời mình? (Thường Yên, 33 tuổi, Chisaneki2005@yahoo.Com)
- (cười) Đương nhiên là có rồi. Nói thế nào nhỉ? Có, tôi tin vào những câu chuyện cổ tích.
- Tại sao trong hầu hết tác phẩm của ông luôn ẩn hiện nỗi ám ảnh của quá khứ, kéo dài và ảnh hưởng nặng nề đến hiện tại? Ông từng viết "Kiếp sau", bản thân ông có đặt niềm tin vào kiếp sau khi bế tắc ở hiện tại? (Nguyễn Huy Trân, 43 tuổi, Kamasuravn@gmail.Com)
- Có một câu mà tôi thấy rất tâm đắc: "Quá khứ thì đã trôi qua, tương lai thì chưa có, tất cả chỉ có ở cuộc sống hiện tại". Nhưng tôi tin, cái hiện tại hôm nay cũng như động lực của tương lai được nuôi dưỡng từ những tình cảm của quá khứ. Tìm được sự cân bằng trong cuộc sống không phải là đơn giản. Không nên để cho bản thân mình bị kéo theo ký ức của quá khứ. Và cũng không thể để mình bị cuộc sống hiện tại bao trùm toàn bộ. Trong tác phẩm, tôi luôn đưa các nhân vật vào sự cân bằng, dù mang tính mong manh, như vậy. Bản thân tôi không có sự luyến nhớ đến quá khứ, ngoại trừ những tình cảm dành cho người đã khuất.
- Khi đọc truyện của chú cháu luôn tò mò không biết chú là người như thế nào mà có thể viết ra được những câu chuyện hay như thế? Đặc biệt, cháu rất thích đọc tiểu thuyết của chú vào những ngày trời mưa. Cháu sẽ vừa nghe nhạc vừa uống cafe vừa đọc truyện của chú. Không hiểu sao cháu luôn có cảm giác những tác phẩm đó phảng phất mùi café, chú có biết tại sao không ạ? (Trương Thị Hòa, 20 tuổi, Hoanong158@yahoo.Com)
- Trước hết xin cám ơn câu hỏi này. Chú rất cảm động khi cháu cảm nhận được mùi vị của mưa và cà phê. Đó là những hương vị mà chú rất gắn bó. Chú rất thích mùi của mưa và thường xuyên uống cà phê khi viết. Có thể vì lý do đó mà mưa và cà phê đã xâm nhập vào các tác phẩm. Khi cháu vừa nghe nhạc, xem trời mưa và đọc vài trang sách của chú, như thế là cháu đang đọc sách trong những tình huống giống như những hoàn cảnh mà chú viết.
Chỉ ít phút sau khi bước vào tòa soạn, nhà văn bước ngay vào cuộc chuyện trò với độc giả. |
- Ông có phải là nguyên mẫu ngoài đời của Arthur trong tác phẩm "Nếu em không phải một giấc mơ", hay ông có từng mơ ước mình được như Arthur? (Trần Thị Kiều Trang, 39 tuổi, Eureklaret@yahoo.Com)
- Nói rằng tôi giống Arthur thì hơi tự phụ. Người duy nhất nói tôi giống Arthur chính là vợ tôi. Nhưng nếu bạn hỏi cô ấy có giống Lauren không thì chúng tôi không gặp nhau trong một cái tủ ở phòng tắm. Cô ấy cũng không thể đi từ phòng này sang phòng khác bằng cách xuyên tường. Nhưng tính cách cô ấy cũng giống Lauren.
- Tôi đặc biệt thích tác phẩm "Nếu em không phải một giấc mơ". Đó là cuốn sách thay đổi một phần cuộc sống của tôi. Nhưng tôi và vài người bạn có cùng suy nghĩ sau khi theo dõi các tác phẩm của ông, đó là: có sự "lặp lại" trong cách hành văn, cách dẫn dắt cũng như chất liệu để tạo nên câu chuyện. Tôi muốn biết tiểu thuyết gia nào đã ảnh hưởng đến cuộc sống văn chương của ông. (Nguyễn Huy Hoàng, 30 tuổi, Huyhoang@yeah1.Com)
- Tôi nghĩ một nhà văn cũng giống như một ca sĩ, họa sĩ hay nghệ sĩ tạo hình, đều có một bản sắc riêng và xây dựng một văn phong riêng, giúp họ được nhận ra theo chất giọng. Trong chặng đường của một nhà văn hay họa sĩ, có thể họ nhắc lại chủ đề chính, từ cuốn sách này sang cuốn sách khác. Điều quan trọng là phải tránh cạm bẫy là lúc nào cũng nhắc đến một vấn đề. Mỗi cuốn sách đều có cách viết mới. Khi tôi viết Bạn tôi tình tôi, đó là một sự thay đổi. Trung tâm câu chuyện không còn là tình yêu, mà là tình bạn. Khi tôi viết Những đứa con của tự do, sự thay đổi còn lớn hơn.
Có những nhà văn mà tôi rất hâm mộ. Tôi không dám nói họ ảnh hưởng đến tôi, vì tôi không dám so sánh cái thiên tài của họ với tôi. Victor Hugo, Romain Gary, Saint-Exupery, Hemingway và rất nhiều người khác nữa.
Pauline Leveque - vợ sắp cưới của nhà văn. |
- Tôi chỉ mới đọc xong 2 tập truyện "Nếu em không phải một giấc mơ"và "Gặp lại" trong tuần vừa rồi. Cảm xúc vẫn còn đọng lại đâu đây. Đây là lần đầu tiên đến Việt Nam, vậy anh có cảm nghĩ như thế nào về con người Việt nam? Việt Nam có thể là nguồn cảm hứng để anh viết thêm một câu chuyện tình lãng mạn mà vẫn chân thực về con người không? (Hiền Lê, 37 tuổi, Biennho2211@yahoo.Com)
- Cảm ơn bạn. Đây là lần đầu tôi đến VN. Tôi rất ấn tượng trước vẻ đẹp của đất nước này và tôi thấy con người ở đây rất cởi mở, với rất nhiều nụ cười. Việt Nam mang trên mình một bề dày lịch sử văn hóa phong phú, thêm vào đó là phong cảnh rất đa dạng. Chỉ với những điều đó thôi, tôi có thể khẳng định, Việt Nam là nguồn cảm hứng cho tất cả các nhà văn trên thế giới.
- Xin cho tôi hỏi: Tiểu thuyết của ông được dựng thành phim khá nhiều, theo ông vì sao lại có hiện tượng này? Khi kể lại những câu chuyện của mình, ông tự xem mình là người trong cuộc hay là người chứng kiến? Vì sao các tiểu thuyết của ông không có nhân vật người kể chuyện xưng "tôi"? (Nguyễn Việt Phương Dung, 29 tuổi, Aeris510@yahoo.Com)
- Tôi không biết tại sao. Tôi đã rất may mắn. Câu hỏi này phải đặt cho các đạo diễn đã chuyển thể câu chuyện của tôi lên phim.
Tôi không sử dụng "Tôi" - rất chính xác - trong các câu chuyện của mình. Tôi không thích tự nói về bản thân mình. Tôi cũng không cho mình là một chủ đề. Giống như người điều khiển con rối - tôi thích mình như vậy. Bởi nếu khán giả mà nhìn thấy tay của người điều khiển, vở diễn sẽ mất đi sức cuốn hút.
Dáng vẻ của Marc Levy trước một câu hỏi riêng tư. |
- Trong "Nếu em không phải một giấc mơ" ông đã để nhân vật nữ chính sống trong một căn hộ đẹp không thể... tả. Tôi thực sự bị ám ảnh bởi cách mà ông miêu tả căn phòng, tôi dường như thấy mình có thể hình dung ra tất cả các chi tiết của căn phòng. Tại sao ông lại có ý tưởng về căn phòng đó mà không phải là một cách khác. Cảm ơn vì đã cho tôi có những giây phút rất đẹp khi đọc truyện của ông. (Lt Hà, 20 tuổi, Candy_girl1203@yahoo.Com)
- Bởi đây là căn phòng mà bản thân tôi đã ở khi tôi sống ở San Francisco. Có thể căn phòng tôi ở không đẹp như thế nhưng tôi rất thích nó. Có lẽ người ta luôn miêu tả cái người ta thích một cách đẹp hơn.
- Tôi tên Nguyễn Việt Phương Dung, ở TP HCM. Hiện tôi đang làm luận văn thạc sĩ về tiểu thuyết của nhà văn Marc Lévy, tôi rất mong khi ông thăm TP HCM sẽ được gặp để trao đổi thêm. Từ một kiến trúc sư, để có thể viết tiểu thuyết, nhà văn có phải học tập hay nghiên cứu những vấn đề về lý luận văn học không? Bản thân ông so sánh như thế nào giữa cách viết của ông và những nhà văn Pháp đương thời?(Nguyễn Việt Phương Dung, 29 tuổi, Aeris510@yahoo.Com)
- Không có trường viết văn. Tôi nghĩ người ta có thể đến trường để học viết, nhưng không có trường nào để trở thành nhà văn. Tôi nghĩ việc viết lách là một nghề thủ công. Đó là một nghề với tất cả sự khiêm tốn. Viết là một mảnh đất rộng lớn của tự do - đối với cả người viết cũng như người đọc. Có một người viết cho tôi từ nơi anh ta bị giam trong tù rằng: 'Khi tôi đọc, cơ thể tôi ở đây, nhưng tinh thần tôi lại ở chỗ khác. Những trang sách đã kéo tôi sang phía bên kia của những chấn song. Và chẳng có bức tường nào có thể ngăn chặn tinh thần tôi đi du ngoạn'.
Tôi thấy không cần thiết phải so sánh mình với các nhà văn khác, so sánh với người khác mất rất nhiều thời gian khi phải tự nhìn mình. Cuộc sống lại quá ngắn ngủi. Tôi thích nhìn người khác hơn. Lúc này đây, tôi may mắn khi được ở Việt Nam và được trò chuyện với các bạn, chứ không phải là họ - những nhà văn kia. Họ không được ở đây.
- Ông nhận xét gì về bộ phim "Just like Heaven", bộ phim có kịch bản dựa trên cuốn tiểu thuyết best-seller đầu tiên của ông "Nếu em không phải một giấc mơ". Liệu bộ phim có chuyển tải được hết những cảm xúc mãnh liệt mà ông thể hiện trên trang sách? Tôi là một fan trung thành của ông. (Trần Ngọc Mai, 27 tuổi, Asari22787@yahoo.Com)
- Việc chuyển thể thành phim đòi hỏi sự tinh tế. Một bộ phim chỉ xem trong một tiếng rưỡi những gì mà người ta phải đọc vài ngày. Mặt khác, cần hiểu được nguyên tắc chuyển thể. Đạo diễn cũng là một tác giả, chọn kể lại câu chuyện của bạn trong số hàng nghìn câu chuyện khác. Nghĩa là đạo diễn đã tặng cho bạn món quà rất hậu hĩnh. Nên phải tôn trong bản sắc của đạo diễn. Mong muốn của đạo diễn là muốn kể lại câu chuyện của bạn theo cách của ông ấy. Như vậy có nghĩa, người viết tiểu thuyết không hề đưa câu chuyện của mình cho đạo diễn mà chỉ là cho mượn. Một tác phẩm có thể chuyển thể thành phim ở nhiều nước khác nhau, với những phiên bản khác nhau.
- Ông là một nhà văn ăn khách, có nhiều tác phẩm bán chạy thế nhưng ông vẫn chưa đoạt được một giải thưởng văn học nào. Cảm nhận của ông về điều đó như thế nào? Theo ông một giải thưởng văn học đóng vai trò thế nào với sự nghiệp viết lách của một nhà văn? (Nguyễn Hà, 23 tuổi, Nguyenha@gmail.Com)
- Tôi đã nói rằng nghề viết là một nghề tự do tuyệt vời. Nếu gói gọn việc viết lách trong chữ danh, sẽ là một tổn thất to lớn. Giải thưởng lớn nhất cho các nhà văn đó là vị thế trong trái tim độc giả. Dù sao chăng nữa, khi còn đi học, tôi là một học sinh tồi. Tôi đã quen với việc không nhận được giải thưởng gì từ khi còn nhỏ.
- Đọc "Kiếp sau", có cảm giác ông là người rất lặng lẽ. Nhưng nhìn tấm ảnh của ông và vị hôn thê của mình thì lại không hẳn thế. Ông có thể cho biết ngoài đời thường ông là người như thế nào? (Nguyễn Hoàng, 44 tuổi, Cát Linh - Hà Nội)
- Đúng rồi, tôi là người rất kín đáo, hướng nội. Vợ tôi cũng thế (nhìn Pauline cười) Thỉnh thoảng chúng tôi mới trao đổi tâm tình.
- Cảm hứng nào để để chú viết "Em ở đâu" với một sự lạnh lùng như vậy? Cháu rất thích cuốn sách này của chú cũng chính vì điều này. Đôi khi tình yêu cần sự nuôi dưỡng mà một người quá nhiều tình yêu trong tim lại không thể có tình yêu cho riêng mình. Cháu như đọc trong tác phẩm câu chuyện của rất nhiều người nhân hậu mà Susan chỉ là một trong số ấy. (Lê Vương Mai Trâm, 23 tuổi, musicforbones@yahoo.com)
- Đó là một cảm hứng cá nhân từ những người mà tôi quen biết, qua những hoàn cảnh mà tôi đã sống. Có một câu hỏi tôi vẫn luôn đặt ra: nhiều khi tôi thấy Susan và Marie như chỉ là một nhân vật nhưng sống ở hai giai đoạn khác nhau. Tôi nghĩ trong truyện này, người phụ nữ nhân hậu thực sự không phải là Susan, mà là Marie. Có một sự khác biệt lớn giữa việc cứu một người nào đó - như cứu một đứa trẻ - với việc nuôi dưỡng và đem lại hạnh phúc cho đứa trẻ đó. Việc cứu đứa trẻ cần một sự dũng cảm nào đó, nhưng không nhất thiết phải có tình yêu. Nhưng việc giáo dục và mang lại hạnh phúc cho đứa trẻ lại cần sự độ lượng và tình yêu.
Marc Levy suy nghĩ rất kỹ trước các câu hỏi. |
- Xin chào chú, cháu đã đọc rất nhiều tác phẩm của chú. Và thích nhất là "Nếu em không phải một giấc mơ". Cháu thích đoạn nói về tình cảm mẹ con của nhân vật chính. Có phải chú viết về mẹ chú không ạ? (Đào Giang, 27 tuổi, Thanh Hóa)
- Tôi muốn nói đến người bà của tôi. Nhân vật Lily được lấy cảm hứng rất nhiều từ người bà của tôi.
- Tôi chưa có dịp đọc tác phẩm của ông, nhưng con gái tôi (15 tuổi) lại rất thích tác phẩm của ông. Thông điệp ông gửi gắm cho giới trẻ là gì ạ? (Nguyen Thi Minh Hanh, 43 tuổi, 173 Võ Thị Sáu, Q3 TPHCM)
- Tôi không có tham vọng truyền tải thông điệp cho giới trẻ. Tôi thích chia sẻ tư tưởng hoặc ý kiến, mang lại sự tự do cho độc giả, thể hiện giá trị trong từng nhân vật. Điểm chung trong tất cả các nhân vật của tôi là dù trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, họ không bao giờ để mất giá trị nhân văn của mình. Tôi nghĩ rằng những nhân vật của tôi hoàn toàn mang sự tôn trọng và độ lượng. Những thử thách mà họ phải trải qua làm cho họ lớn lên. Tôi cũng nghĩ rằng những nhân vật ấy muốn tin giấc mơ của họ có thể trở thành hiện thực, và ít nhất phải thực hiện nó. Đấy có lẽ là ý tưởng mà tôi muốn chia sẻ với độc giả của mình.
- Vợ ông rất xinh. Ông có thể tiết lộ một chút về tình yêu của hai người. Liệu nó có đẹp lãng mạn và hư ảo như trong tiểu thuyết? (Thanh Trúc, 23 tuổi, Trucca4@yahoo.Com)
- Thanh Trúc thân mến, như tôi đã nói trong những câu trả lời trước. Tôi là người rất kín đáo. Mỗi người đều nhìn người phụ nữ mình yêu bằng sự lãng mạn trong đôi mắt riêng của mình. Tôi chỉ có thể nói với bạn là vợ tôi có rất nhiều điểm giống các nhân vật nữ chính trong tác phẩm. Một trong những điểm giống là cô ấy rất thích trốn trong tủ áo, nhưng chỉ để cho tôi sợ thôi.
- Tôi là một sinh viên đạo diễn sân khấu và rất thích truyện "Bảy ngày cho mãi mãi" của ông. Liệu ông có thể cho phép tôi chuyển thể thành kịch bản sân khấu và dựng trên sân khấu VN được không? Và bằng cách nào để liên lạc với ông để thực hiện việc cho phép này? (Phúc Khang, 28 tuổi, 1 Tran Khanh Dư - Q1)
- Đương nhiên bạn có thể làm, chỉ cần bạn viết cho tôi, thông qua địa chỉ: www.marclevy.info. Tôi rất hân hạnh được trao đổi với bạn.
- Tôi rất thích những câu văn tả cảnh của ông vì nó gợi cảm giác rất chân thực. Vậy ông có phải đi đến tận những nơi đó để ngắm cảnh rồi tả lại không, ví dụ như cảnh những trận bão trong truyện "Em ở đâu"? (Le Ngoc, 27 tuổi, Giai Phong- Hanoi)
- Công việc của người viết tiểu thuyết là tìm được từ đúng để chuyển tải những gì nhìn thấy. Người ta nhìn bằng đôi mắt nhưng đôi khi người ta có thể nhìn bằng đôi mắt nhắm mà chỉ thông qua trí tưởng tượng. Nhiều khi còn có thể nhìn xa hơn nữa với cảm xúc của mình. Đôi khi, người ta nhìn thấy rất rất xa qua ánh mắt của người khác.
Ngoài đời, nhà văn cũng có tình yêu đẹp. |
- Tôi đã sống và học ở Pháp 5 năm, rõ ràng Marc Levy là nhà văn số một của Pháp hiện nay (truyện của ông luôn được đặt ở những vị trí "hot" nhất các nhà sách). Ở Việt Nam, theo tôi thấy các tác phẩm của ông cũng có một chỗ đứng nhất định. Hiện nay tôi đang làm việc tại Mỹ và tôi thấy rất ít tác phẩm của ông được bày bán tại đây. Vậy ông có lời giải thích nào cho hiện tượng này không? (Lê Quang Huy, 22 tuổi, Lusabu@gmail.Com)
- Tôi không có lời giải thích nào. Văn học Mỹ dành một vị trí khiêm tốn cho văn học nước ngoài. Rất khó xuất bản ở Mỹ. Hiện mới chỉ có Nếu em không phải một giấc mơ được xuất bản tại đây. Một trong những tác phẩm khác của tôi sẽ được ra mắt độc giả Mỹ vào năm tới.
- Ông sẽ dự định làm gì khi một ngày giới trẻ không còn đọc truyện của ông nữa? (Nam Nguyen, 22 tuổi, Hanoi)
- Làm bếp. Tôi rất thích nấu ăn. Tôi biết rằng những người mà tôi yêu một ngày nào đó sẽ chán đọc tôi, nhưng chắc chắn sẽ có ngày nào đó họ đói bụng.
- Xin cho hỏi: ông viết văn để sống hay là sống để viết văn? Tình yêu cho ông cảm hứng viết hay cảm hứng viết cho ông tình yêu? (Ngô Minh Huy, 15 tuổi, 129/4b Lê Văn Thọ f11, quận Gò Vấp)
- Tôi sống vì những người tôi yêu và tôi thích viết để kể cho họ những câu chuyện, chia sẻ với họ những khoảnh khắc yêu thương. Cách đây vài ngày, tôi nhận được e-mail của một phụ nữ trẻ từ Brazil. Cô ấy kể, vì tôi mà cô bị lỡ chuyến tàu, vì cô ấy không nhớ đến việc phải ngẩng đầu lên khỏi trang sách, và cô ấy cũng quên là mình đang đi tàu. Cô ấy viết thêm, tuy nhiên, việc quên mình đang ở trên tàu không phải là dễ vì xung quanh chật cứng người mà cái tàu lại cũ kỹ và bốc mùi. Cô ấy còn cám ơn tôi làm cho cô ấy quên đi là mình đang ở trong chuyến tàu như vậy. Nhưng chính tôi mới là người phải cảm ơn cô ấy, vì bức thư của cô ấy là sự tình cảm đẹp đẽ nhất mà tôi từng nhận được chứ không phải giải thưởng và sự tung hô. Đó chính là cái sự đền đáp cho công việc của bạn. Nếu tôi làm công việc này với tất cả sự sung sướng là bởi vì nó giúp tôi được chia sẻ những khoảnh khắc với mọi người trên tòan thế giới. Đây là điều tôi không thể tin được.
VnExpress
Ảnh: Hoàng Hà