Một tin nhắn Facebook vào đêm muộn cuối tháng 11 năm ngoái được gửi đến Gary Bernhardt, 67 tuổi sống tại Mỹ. Người cựu chiến binh này nhanh chóng bật dậy và không tin vào mắt mình: ông đã chiến thắng phần thưởng 750.000 USD trò chơi xổ số trên mạng xã hội và tin nhắn được gửi bởi tài khoản Mark Zuckerberg.
Ông lập tức liên lạc với số điện thoại được cung cấp trong tin nhắn và được thông báo gửi thẻ quà tặng iTunes trị giá 200 USD đến tài khoản trên. Vài giờ sau, Bernhardt đến trạm xăng, mua thẻ và gửi theo yêu cầu.
Thế nhưng việc gửi tiền chưa dừng lại khi ông tiếp tục phải gửi thêm một số tiền nữa để "làm lệ phí". Tính đến tháng 1/2018, tổng cộng ông mất 1.310 USD, bằng 1/3 số tiền bảo hiểm An sinh xã hội.
Cuối cùng, Bernhardt nhận ra ông là nạn nhân của một kẻ lừa đảo nào đó mạo danh Zuckerberg. Khi ấy, Facebook đang mạnh tay loại bỏ hàng triệu tài khoản mạo danh để lừa người dùng nhẹ dạ. Không chỉ Bernhardt, nhiều người khác cũng từng mất tiền với chiêu trò tương tự.
New York Times đã kiểm tra Facebook trong thời gian ngắn và tìm thấy 205 tài khoản giả mạo Zuckerberg và Giám đốc điều hành Sheryl Sandberg cả trên Facebook lẫn Instagram, chưa kể fanpage và hội nhóm. Ít nhất 51 tài khoản Facebook và 43 tài khoản Instagram trong số đó sử dụng chiêu lừa đảo xổ số như áp dụng với Bernhardt.
Zuckerberg "thật" nhanh chóng xóa tài khoản của 96 kẻ mạo danh ông và Sandberg trên Facebook và 109 tài khoản trên Instagram. "Việc loại bỏ không hề dễ dàng, dù vấn đề đã được phát hiện 8 năm qua", Pete Voss, phát ngôn viên của Facebook, thừa nhận.
Facebook yêu cầu mọi người khi đăng ký và sử dụng nên dùng danh tính thật. Tuy nhiên, mạng xã hội này ước tính rằng khoảng 3% người dùng (tương đương 60 triệu tài khoản) là giả mạo. Đa phần chúng giả người bình thường, một số lợi dụng tên tuổi người nổi tiếng.
Tại buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 11/4, Zuckerberg cho biết đang nỗ lực xóa tài khoản giả mạo và đang loại bỏ hàng triệu tài khoản mỗi ngày. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng lừa đảo như Bernhardt vẫn rất phổ biến, chủ yếu nhằm vào người già, người thu nhập thấp, ít học vấn...
Vậy tại sao Facebook liên tục cảnh báo và có động thái mạnh tay, nhưng vẫn có nhiều người bị lừa? Câu trả lời ở đây là lòng tham.
Theo một chuyên gia mạng xã hội, tài khoản của kẻ lừa đảo thường có vẻ ngoài dễ khiến người ta tin tưởng, có hàng trăm hoặc hàng nghìn lượt theo dõi. Chúng tìm kiếm nạn nhân dựa trên hồ sơ Facebook và Instagram, sau đó xác định "dễ ăn" hay không rồi mới ra tay.
Robin Alexander van der Kieft, người quản lý nhóm truy lùng lừa đảo của Facebook, cho biết, các tài khoản mạo danh có địa chỉ IP chủ yếu từ Nigeria và Ghana. Ban đầu, kẻ gian sẽ chủ động chào hỏi: "Chào bạn, bạn đang làm gì?", sau đó thông báo trúng thưởng với khoản tiền khổng lồ.
Nhà báo Jack Nicas của New York Times từng tiếp cận một tài khoản giả danh Sheryl Sandberg trên Instagram. Kẻ này thông báo cho ông rằng đã trúng xổ số 950.000 USD và xe hơi mới nhất trong chương trình "khuyến mãi Facebook 2018". Để tạo niềm tin, kẻ này còn gửi giấy tờ của Sheryl Sandberg (đã qua chỉnh sửa bằng phần mềm photoshop) và yêu cầu "con mồi" làm theo hướng dẫn. Ba ngày sau, kẻ lừa đảo nói rằng cần thẻ quà tặng iTunes 100 USD để kích hoạt. Việc lừa tiền diễn ra cho đến khi nạn nhân phát hiện mới thôi.
Tại Việt Nam, việc lừa đảo thông qua tin nhắn Facebook Messenger phổ biến thời gian qua. Cách thức cũng không khác nhiều so với trên đây, khi thông báo cho người dùng trúng thưởng với số tiền cực kỳ lớn kèm hiện vật giá trị. Tuy nhiên, khi liên lạc đến số điện thoại hoặc website, kẻ gian yêu cầu nạp tiền "lệ phí" thông qua thẻ cào điện thoại hoặc chuyển khoản. Sự việc bị phát giác và cảnh báo rất nhiều lần trên các phương tiện thông tin, nhưng vẫn có một số người cả tin "dính bẫy".
Bảo Lâm