Ngày 10/5, TS. BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết đây là trường hợp mắc dị vật rất hiếm gặp. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm phổi và giảm trao đổi khí ở đáy phổi trái. Kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có hình ảnh ổ áp xe thùy dưới phổi trái, nghi ngờ dị vật đường thở ở đoạn phế quản thùy dưới phổi trái.
Gia đình cho biết bệnh nhân bị ho sặc thức ăn từ năm 18 tuổi nhưng không đi kiểm tra. Vài năm gần đây, người bệnh thường ho dữ dội và khó thở, phải đi khám mỗi năm từ ba đến 4 lần để điều trị viêm phổi.
Sau hội chẩn, bác sĩ đã nội soi để khảo sát toàn bộ đường thở của bệnh nhân. Khi đưa ống nội soi đến phế quản thùy dưới phổi trái, kíp phát hiện một dị vật to bằng đầu ngón tay út, có nhiều góc cạnh, có đờm và mủ bao phủ bên ngoài.
"Dị vật chắn ngang phế quản làm cản trở thông khí của thùy dưới phổi trái, kèm theo đó là tình trạng hóa mủ và áp xe thùy dưới phổi trái", bác sĩ Tình nói. Ngoài ra, di vật di động theo nhịp thở, cọ vào thành phế quản gây chảy máu trong lòng phế quản.
Các bác sĩ dùng kìm của ống nội soi kéo dị vật từ trong phổi ra ngoài, đảm bảo hô hấp cho bệnh nhân. Sau một giờ, bác sĩ gắp dị vật trong phải là mảnh xương ra ngoài và hút sạch đờm mủ.
Bác sĩ khuyên khi chế biến món ăn, cần lấy lấy sạch xương cứng và sắc để tránh nguy cơ nuốt phải dị vật. Trong hoặc sau bữa ăn, nhất là đang tiêu thụ thực phẩm có xương cứng và sắc, nếu thấy đau đột ngột ở ngực, bụng thì nên nghĩ khả năng nuốt phải xương. Lúc đó, mọi người cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Không cố nuốt thêm thức ăn, uống nước dẫn đến nguy cơ tổn thương ống tiêu hóa. Với các dị vật với kích thước lớn rơi vào đường thở có thể chèn ép hầu hết khí phế quản, gây khó thở, suy hô hấp cấp, thiếu oxy não.
Thùy An