Hiệp hội Thiên thạch Mỹ (AMS) xác nhận mảnh vỡ thiên thạch rơi xuống bang Texas. Hai mảnh vỡ của thiên thạch khác cũng được tìm thấy tại Italy và Pháp vào các ngày trước đó. Thông tin sơ bộ từ các chuyên gia NASA cho biết thiên thạch nặng 454 kg bay qua bầu trời Texas vào chiều ngày 15/2 có đường kính 60 cm. Theo NASA Meteor Watch, thiên thạch di chuyển ở tốc độ 43.452 km/h với năng lượng tương đương 8 tấn thuốc nổ TNT.
Vật thể vỡ thành nhiều mảnh ở độ cao 34 km và rơi xuống nhiều địa điểm. NASA khuyến cáo người dân địa phương không chạm vào mảnh vỡ của thiên thạch và thông báo cảnh sát nếu tìm thấy vật thể khả nghi. Hôm 18/2, AMS chia sẻ ảnh chụp một mảnh vỡ thiên thạch. Khối đá sẫm màu khá trơn nhẵn và nổi bật trên nền bụi cỏ. Tính đến nay, chưa có báo cáo nào về thiệt hại do thiên thạch gây ra. Các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguồn gốc của thiên thạch nhưng NASA nhấn mạnh những thiên thạch không phải mối đe dọa đối với cộng đồng.
Các nhà khoa học ước tính có hàng triệu mảnh đá không gian bay vào bầu khí quyển Trái Đất mỗi năm, nhưng chỉ ít hơn 10.000 trong số đó "sống sót" sau khi ma sát với không khi ở tốc độ cao và cuối cùng đáp xuống mặt đất, sông hồ hoặc đại dương.
Giới chuyên gia tính toán thiên thạch rộng khoảng 10 m dự kiến đi vào bầu khí quyển Trái Đất cứ sau 6 đến 10 năm. Những tảng đá đủ lớn để tạo ra vụ nổ như sự kiện Tunguska năm 1908 ở Nga xảy ra khoảng 500 năm một lần. Một tác động từ tảng đá rộng khoảng 1 km ước tính sẽ xảy ra sau mỗi 300.000 đến 500.000 năm, trong khi một vụ va chạm dữ dội như sự kiện kết thúc kỷ Phấn trắng và xóa sổ khủng long có thể xảy ra một lần trong 100 triệu đến 200 triệu năm.
An Khang (Theo Sun)