Bà Hóa cùng em chồng là Nguyễn Thị Gái bị Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 Bộ Công an) đề nghị truy tố về tội Buôn lậu, ngày 13/2. Trong 21 người còn lại bị đề nghị cùng tội danh này có 6 chủ tiệm vàng ở Hà Nội và nhiều người thân của bà Hóa.
Cùng vụ án, C03 đề nghị truy tố Lê Xuân Tùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Phú Quý và kế toán trưởng Lê Thúy Quỳnh, về tội Trốn Thuế.
Bà Hóa sinh sống tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, từng hai lần bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi buôn lậu. Biết bà có nhập lậu được vàng dạng thỏi có giá trị thấp hơn trong nước, chủ 6 tiệm vàng ở Hà Nội đã liên hệ đặt mua.
Theo kết luận điều tra, bà Hóa đồng ý, cùng bị can Gái lập đường dây buôn lậu vàng về nước với nhiều thành viên tham gia, được tổ chức chặt chẽ thành từng khâu, từ mua, vận chuyển tới tiêu thụ.
Để thực hiện kế hoạch, bà Hóa liên hệ qua Zalo, Viber với người tên Thoong Nhã ở Viêng Chăn, Lào, đặt mua vàng. Giai đoạn từ đầu năm 2022 đến tháng 5/2023, bà Hóa được Thoong Nhã cho người lái ôtô chở vàng thỏi từ Lào vào Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị.
Bà Hóa sẽ nhận vàng tại khu vực bờ hồ trước cửa nhà ở khóm An Hà, thị trấn Lao Bảo, mỗi lần từ 5 đến 10 kg, và trả tiền mặt cho người giao hàng của bên bán cầm về nước.
Hiện, cảnh sát không xác định được cụ thể số lượng vàng lậu mà nghi can Hóa nhập từ Thoong Nhã.
![Một số vàng bị thu giữ trong vụ án. Ảnh: Công an](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/14/va-ng-1-1739516328-1530-1739516847.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4L84dgySs3NHWbZtww3ZZw)
Một số vàng bị thu giữ trong vụ án. Ảnh: Công an
Từ tháng 5/2023, Thoong Nhã đổi ý, không chở vàng vượt biên mang vào Việt Nam giao cho bà Hóa như thời gian trước đó. Bởi thế, bà này phải chuyển trước USD sang Lào rồi nhận vàng từ nước bạn mang về.
C03 cáo buộc, bà Hóa đã lợi dụng chính sách là cư dân biên giới chỉ cần giấy tờ tùy thân là qua được cửa khẩu. Từ đó, nghi can và Gái thuê nhiều người thân để vận chuyển USD từ Việt Nam sang Lào, giao cho người làm thuê của Thoong Nhã tên là È, ở chợ Karon, tỉnh Savanakhet.
Khi dòng USD sang đến Lào, bà Hóa chỉ đạo một nhóm người khác đi xe máy qua cửa khẩu Lao Bảo, đến nhà È để nhận tiền. Nhóm này sau đó bắt xe khách, mang tiền đến nhà Thoong Nhã tại thủ đô Viêng Chăn để giao và nhận vàng thỏi.
Vàng được nhóm vận chuyển cất giấu trong balô hoặc cho vào tất dài quấn quanh người để chuyển bằng xe khách từ Viêng Chăn về nhà È cất giấu. Mỗi chuyến trót lọt được trả công 5 triệu đồng. Bằng thủ đoạn này, Hóa đã tổ chức thành công 3 chuyến vàng lậu từ Viêng Chăn về nhà È ở tỉnh Savanakhet.
Nhà chức trách cho rằng tổng số vàng Hóa cho người vận chuyển lậu trên nước bạn là 53 thỏi, nặng 53 kg. Người của Hóa đã thanh toán cho Thoong Nhã ít nhất 1,65 triệu USD (khoảng 41,9 tỷ đồng).
Ngoài ra, nhóm làm thuê cho Hóa còn khai đã thực hiện nhiều chuyến vận chuyển vàng từ Viêng Chăn về nhà È song không xác định được cụ thể số lượng, thời gian.
![Công an đọc quyết định khởi tố với Nguyễn Thị Hóa (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Công an](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/14/Ho-a-jpeg-1739516601-8842-1739516847.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KT3V1CpjRpfaPRjr0UkJgQ)
Công an đọc quyết định khởi tố với Nguyễn Thị Hóa (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Công an
Sau khi vàng được tập kết ở nhà È, Hóa thuê người "thông chốt" qua cửa khẩu Lao Bảo mang về nước. Về cách thức, người của bà Hóa đi xe máy hoặc xe đạp điện qua cửa khẩu Lao Bảo sang nhà È nhận vàng.
Vàng được ngụy trang bằng cách bọc vào túi nylon màu đen hoặc cho vào dây vải rồi cuốn quanh người, thắt lưng. Có lần, nhóm buôn lậu giấu vàng lẫn trong các thùng hàng như sữa, mỳ tôm, lạp xưởng để tránh bị Bộ đội Biên phòng phát hiện khi đi qua cửa khẩu. Hóa trả công 100.000-200.000 đồng cho mỗi lần vận chuyển một thỏi vàng một kg.
Bằng cách thức này, nhóm của bà Hóa đã vận chuyển từ Lào về Việt Nam 34 kg vàng. Trong đó, người vận chuyển nhiều nhất là bị can Nguyễn Thị Thiên (em dâu Hóa) với 14 lần, tổng cộng14 thỏi vàng nặng 14 kg và được trả công 1,4 triệu đồng.
Tuồn hàng về nhà thành công, Hóa thuê 10 người để chuyển vàng từ Quảng Trị ra Hà Nội giao cho các tiệm vàng. Nhận hàng từ Hóa, nhóm làm thuê thường giấu vàng trong các sợi dây vải để buộc quanh bụng hoặc bọc hàng trong giấy báo rồi cho vào balô đeo trên người.
Ngụy trang xong, họ đi xe khách ra Hà Nội, giao hàng cho các tiệm vàng và nhận tiền mặt về đưa cho bà Hóa. Mỗi chuyến sẽ vận chuyển từ 3 đến 10 kg vàng thỏi và được Hóa trả công 2-4 triệu đồng.
Hóa thường bán cho các tiệm vàng với giá khoảng 1,46 tỷ đồng một kg vàng thỏi nguyên liệu hoặc từ 5,2 triệu đến 5,5 triệu đồng một chỉ. Trong đó, tiệm vàng Minh Hưng mua 128 kg vàng lậu với giá 188 tỷ đồng; tiệm vàng Kim Linh mua 84 kg vàng giá hơn 121,9 tỷ đồng; tiệm vàng Minh Phúc mua 54 kg vàng giá 79,7 tỷ đồng.
Theo C03, tổng cộng từ ngày 22/12/2022 đến 13/6/2024, bị can Hóa đã tổ chức buôn lậu 310 kg vàng thỏi từ Lào về Việt Nam, với tổng trị giá hơn 454 tỷ đồng và hưởng lợi 310 triệu đồng. Kết quả giám định cho thấy các thỏi vàng này đều là vàng tinh khiết, hàm lượng hơn 99%.
Tại cơ quan điều tra, bà Hóa thừa nhận hành vi buôn lậu 310 kg vàng về Việt Nam. Khi C03 khám xét khẩn cấp nơi ở, bà lo sợ nên đã đập 2 điện thoại thường liên lạc, giao dịch mua bán với Thoong Nhã.
Bị can Hóa đã tự nguyện nộp khắc phục 500 triệu đồng, Gái nộp 300 triệu. Nhà chức trách kê biên 36 bất động sản của các bị can, gồm 21 nhà đất của Hóa ở Quảng Trị, Đà Nẵng; 5 bất động sản của Gái ở Quảng Trị.
Về "đầu nậu" vàng mà bà Hóa nhập, VKSND Tối cao đã có công hàm gửi VKSND Tối cao Lào để trao đổi thông tin về nhân thân lai lịch của Thoong Nhã và È song đến nay chưa có kết quả tương trợ tư pháp.
Ngày 14/6/2023, cảnh sát khám xét với 21 nghi phạm tại 29 địa điểm ở Hà Nội và Quảng Trị, thu hơn 8,4 tỷ đồng, 4,2 triệu USD, 36 thỏi vàng. Cùng lúc, cảnh sát bắt quả tang 3 bị can trong đường dây đang giao 21 kg vàng lậu cho các tiệm vàng ở Hà Nội.
![Cảnh sát khám xét một tiệm vàng liên quan ở Hà Nội. Ảnh: Công an](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/14/va-ng1-jpeg-1739516506-1597-1739516847.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UCttiL6TTk8aKsFyNSujXw)
Cảnh sát khám xét một tiệm vàng liên quan ở Hà Nội. Ảnh: Công an
Theo kết luận điều tra, quy định hiện hành cho phép Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu gồm vàng khối, thỏi, hạt, để sản xuất vàng miếng và tổ chức, quản lý, sản xuất vàng miếng. Do vậy, nhóm của Hóa, Gái và các tiệm vàng không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu và cũng không được cấp phép sản xuất, mua bán, kinh doanh vàng miếng.
Trong vụ án, C03 còn xác định ông chủ Vàng Phú Quý Lê Xuân Tùng và kế toán trưởng doanh nghiệp này đã có hành vi trốn thuế. Riêng năm 2021, Công ty Vàng Phú Quý có doanh thu thực tế là hơn 3.951 tỷ đồng nhưng chỉ khai báo thuế hơn 1.860 tỷ, chênh lệch hơn 2.090 tỷ đồng. Hành vi của bị can Tùng gây thiệt hại cho Nhà nước 6,1 tỷ đồng.
Sau khi kết luận về các sai phạm, C03 kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 24/2012 theo hướng cấp phép cho doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh vàng nguyên liệu để đảm bảo cung ứng vàng cho thị trường. C03 kiến nghị Hải quan và Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm soát việc qua lại tại các cửa khẩu, nhất là ở nơi có nhiều đường mòn, lối mở.
Phạm Dự