Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai ngày 12/7 sẽ làm lễ truy điệu, đưa hài cốt khoảng 150 bộ đội ở sân bay Biên Hòa vào nghĩa trang liệt sĩ.
Việc tìm thấy ngôi mộ tập thể được đánh giá là khá hy hữu, xuất phát từ dòng bình luận của cựu binh Mỹ dưới một tấm ảnh trên Internet. Lần tìm thêm dấu vết cũng là Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng - người vừa cung cấp thông tin tìm mộ tập thể liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Thắng kể, manh mối ban đầu là dòng bình luận của cựu binh Mỹ Bob Connor dưới một bức ảnh sân bay Biên Hòa được ông đưa lên Internet từ nhiều năm trước. Cựu binh này cho biết từng nhìn thấy việc chôn lấp thi thể bộ đội Việt Nam ở khu vực này vào năm 1968.
"Tôi liên hệ với ông ấy ngay sau khi đọc được thông tin. May mắn, thời điểm đó website ảnh mà tôi sử dụng sắp đóng cửa, chậm chút nữa cựu binh Mỹ kia có muốn bình luận cũng không được", ông Thắng nói.
Ông Bob Connor nguyên là trung sĩ cảnh sát bảo vệ sân bay Biên Hòa. Nhiệm vụ của ông là ngồi trên tháp nước cao, quan sát xung quanh để báo động nếu thấy dấu hiệu sân bay bị tấn công.
"Bob không trực tiếp tham gia việc chôn lấp. Thời điểm đó ông đang trong ca trực, ngồi trên tháp nước cao cách hiện trường khoảng 2 km. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, Bob không thể nhớ cụ thể chỗ chôn bộ đội. Ông ấy khoanh trên tấm hình khu vực nghi có mộ liệt sĩ rất rộng, tương đương mấy sân bóng đá", ông Thắng kể.
Thông tin ban đầu về mộ tập thể liệt sĩ trong sân bay Biên Hòa khá ít, chưa đủ thuyết phục nên ông Thắng chưa thể cung cấp cho cơ quan chức năng. Không bỏ cuộc, ông và các cộng sự dành nhiều thời gian kiếm thêm các tài liệu về trận đánh vào sân bay Biên Hòa năm 1968, các hình ảnh liên quan cũng như hỏi thêm các cựu chiến binh của Việt Nam và cả phía Mỹ.
"Khi thông tin tương đối đầy đủ, tôi gửi cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai. Họ cảm ơn và cho biết từ sau năm 1975 đến nay chưa bao giờ tìm được hài cốt liệt sĩ ở khu vực này", ông Thắng nói.
Sau khi xác định các thông tin do Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng cung cấp là có cơ sở, cơ quan chức năng đã mời ông Bob và Martin E.Strones (nguyên đại tá phụ trách quốc phòng của Mỹ từng tham chiến tại sân bay Biên Hòa, chỉ huy việc chôn lấp) đến Việt Nam giúp tìm kiếm mộ liệt sĩ.
"Hai cựu binh Mỹ rất trăn trở, rất mong muốn chỉ đúng chỗ để nhà chức trách tìm thấy mộ tập thể liệt sĩ. Tuy nhiên, dù các vật mốc trong sân bay thay đổi không nhiều nhưng ký ức của họ không còn nguyên vẹn khi 50 năm đã trôi qua, nên tìm kiếm vị trí chôn lấp không hề dễ dàng", ông Thắng nói về thời điểm làm việc với 2 nhân chứng người Mỹ.
Triển khai từ ngày 17/3, các đơn vị của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai đào xới liên tục các khu vực tình nghi. Hai cựu binh Mỹ mang máng hố chôn nằm cách con đường tuần tra trong sân bay Biên Hòa khoảng 20 m, song không thấy. Lực lượng chức năng tiếp tục cho đào rộng ra 2 bên, mỗi bên mấy trăm mét cũng không phát hiện dấu vết.
Gần một tháng sau, ngày 13/4, khi quay lại tìm ở vị trí lúc đầu, mộ tập thể của khoảng 150 liệt sĩ đã được tìm thấy. Những gương mặt sạm đen vì phơi nắng gió bao ngày qua nhòe nước mắt. Riêng ông Thắng thì "gai hết cả người" vì mừng.
"Qua việc này tôi rất tin tưởng vào các đơn vị tìm kiếm. Họ làm rất chặt chẽ, khoa học và nghiêm túc. Tôi mong mọi người hãy mạnh dạn cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi có bất cứ manh mối gì. Tất cả đều rất cần thiết cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ", ông Thắng chia sẻ.
Trung Sơn