Cuối tháng 3, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Nội) và các đơn vị nghiệp vụ huy động 300 cán bộ chia thành 21 tổ công tác đồng loạt triệt phá các ổ nhóm ở 11 tỉnh thành.
Công an Hà Nội đã khởi tố Vũ Đình Hùng, Phạm Mạnh Hùng (cùng trú tại TP HCM) và Phạm Thị Thái (trú Hà Nội) để điều tra tội Sử dụng mạng máy tính, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, theo điều 290 Bộ luật Hình sự. 23 người khác cũng bị triệu tập để làm rõ các hành vi liên quan.
Trung tá Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng An ninh mạng Công an Hà Nội, cho biết các sàn giao dịch vàng, ngoại hối forex (thị trường giao dịch tài chính lớn nhất trên thế giới) tại Việt Nam đều chưa được Ngân hàng nhà nước cấp phép. Tuy nhiên, nhóm tội phạm với am hiểu về tài chính và công nghệ cao đã lập ra các sàn giao dịch ảo để chiếm đoạt tiền của người chơi.
Họ đăng ký thành lập công ty ở nước ngoài để xây dựng website kết nối với hệ thống MT4 MT5 (công cụ phân tích kỹ thuật); tổ chức kinh doanh sàn forex tại nhiều địa phương trong như Hà Nội, TP HCM và Campuchia.
Để thu hút "nhà đầu tư", họ thường tổ chức các sự kiện với quy mô lớn, đưa những người tự xưng là chuyên gia về lĩnh vực tài chính đến chia sẻ kinh nghiệm. Các sàn đều được quảng cáo có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới. Nhà đầu tư được cam kết sẽ hưởng lãi suất cao 15-30% một tháng.
Cơ quan điều tra phát hiện, nhóm phạm tội sẽ "nắm đằng chuôi", cấp cho mình nhiều quyền để "khống chế" tài khoản của khách hàng. Chúng có thể tự ý thay đổi số dư tiền trên tài khoản, kéo dài độ trễ lệnh, làm giãn khoảng cách giữa mua và bán hoặc thậm chí là đánh "cháy" tài khoản của khách hàng. Hơn nữa, các sàn này không có tính năng kết nối với các sàn forex trên thế giới như quảng cáo.
Với bốn sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép là Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss và 15 website khác được sao chép giao diện tương tự giống các sàn forex, chúng thu hút được 12.000 tài khoản tham gia với số tiền đầu tư là 4,3 triệu USD, nhà chức trách cáo buộc.
Các nghi phạm còn thiết lập một đội nhân viên môi giới chuyên gọi điện, nhắn tin mời gọi người chơi. Đầu tiên, chúng sẽ tư vấn cách đặt lệnh để người chơi thắng và nạp thêm tiền. Tiếp đến, chúng lại hướng dẫn các lệnh không rõ ràng để người chơi thua lớn, mất sạch tiền trong tài khoản. Khi khách hàng cạn tiền, chúng lại giới thiệu sang một sàn khác với cam kết "cứ nạp tiền sẽ gỡ được toàn bộ số tiền đã thua". Bởi vậy, nhiều người ham lợi nên "mất sạch".
Trung tá Thuỷ cho hay khi nhà đầu tư nào thắng nhiều chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như chặn quyền truy cập, đặt lệnh khống dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền. Sau khi chiếm đoạt được tiền, nhóm lừa đảo đánh "sập sàn" để tránh sự truy vết của cảnh sát. "Mục đích chính của nhóm này là lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Người chơi bỏ ra 10, nhóm lừa đảo sẽ hưởng lợi ít nhất 9".
Cơ quan công an cảnh báo, tại Việt Nam, mọi hình thức kinh doanh sàn giao dịch forex và quản trị, môi giới loại hình này là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý. Người dân cảnh giác khi tham gia các hoạt động đầu tư trên không gian mạng để tránh bị mất tiền oan. Ai tham gia đầu tư vào sàn giao dịch forex là đang tiếp tay cho hoạt động phạm pháp nên có thể bị xử lý.
Trong 4 sàn, hai sàn hiện đã chặn kết nối, hai sàn còn lại vẫn truy cập bình thường song không thể thực hiện các giao dịch.
Ba app bị "sập" gần đây là Coolcat, Busstrade và PChome đều dùng chiêu thức dụ "đầu tư tài chính", kiếm tiền online. Tuy nhiên, bốn sàn này tinh vi hơn khi vờ liên kết với các sàn forex chuyên nghiệp của thế giới để người chơi dựa vào đó đầu tư tiền ảo.
Phạm Dự - Thanh Lam