Đang say sưa ngồi đọc tài liệu bệnh lao trong ca trực đêm, y sĩ Trường, trại giam Xuân Lộc nhận được tin báo tại buồng giam số 12 của phân trại 1 có phạm nhân bị đau bụng dữ dội. Cầm vội hộp y cụ, anh nhanh chóng xuống buồng giam. Tuy nhiên, khi vừa nhìn thấy cán bộ quản giáo và y sĩ, phạm nhân này ngay lập tức dừng kêu la đau đớn. Sau khi được sơ khám và không thể mô tả vùng bụng bị đau của mình, y sĩ chỉ định cho anh này nằm tại chỗ và cử phạm nhân tự quản phụ trách y tế trông coi.
Sáng hôm sau, tại trạm xá của trại giam, anh này được khám tổng quát và không tìm ra dấu hiệu gì bất thường, cơn đau bụng dữ dội đêm qua cũng "biến mất". Theo y sĩ Trường, "đây là cách mà các phạm nhân lười lao động nghĩ tới cho việc trốn lao động ngày hôm sau". Trong thời gian tại bệnh xá, phạm nhân tự quản phụ trách y tế thường xuyên nói chuyện, nắm bắt và giải quyết tâm tư của phạm nhân, tìm hiểu nguyên nhân trốn lao động của bệnh nhân này.
Nhiều phạm nhân giả ốm để trốn lao động. Ảnh: Đức Quang. |
Đó là thực trạng mà các trại giam đang phải đối mặt. Phạm nhân Võ Hùng Dũng, hiện thụ án chung thân tội giết người, cướp tài sản tại trại giam Thủ Đức cho biết, hơn 5 năm làm tổ trưởng tổ phạm nhân tự quản y tế, anh đã gặp rất nhiều trường hợp giả bệnh để trốn lao động. "Nhiều phạm nhân ngại làm việc nên có hôm, phòng giao có 70 người mà gần hết họ đều báo bệnh. Ai cũng quằn quại, tỏ vẻ đau đớn, chân tay đạp loạn xạ. Nhưng khi y sĩ thăm khám qua, biết ngay họ "bày trò", anh Dũng nói.
Với tất cả các trường hợp ốm bệnh, đều được trạm xá của trại giam khám, phát thuốc đầy đủ. Ngoài ra, như tại bệnh xá trại giam Xuân Lộc, bệnh nhân phải điều trị, mỗi ngày được chi thêm 1.000 đồng tiền thực phẩm trong bữa ăn. Đây là số tiền được trích ra từ nguồn thu do chính các phạm nhân lao động mang lại.
Tuy nhiên, với những phạm nhân cố tình giả ốm vì lười biếng đều phải chịu kỷ luật của trại giam. Theo phạm nhân tự quản phụ trách y tế Dũng, việc trừ điểm thi đua cá nhân, thậm chí ảnh hưởng đến thi đua của cả tập thể buồng giam đã góp phần hạn chế tối đa tình trạng giả bệnh để trốn việc hàng ngày.
Không chỉ dùng mánh khóe giả bệnh để trốn lao động, một số phạm nhân "cố tình" không biết chữ để được đi học, không phải lao động thường xuyên. Trung tá Thanh Bình, cán bộ giáo dục trại giam Xuân Lộc tâm sự: "Nhiều phạm nhân khi phạm tội khai báo với cơ quan điều tra không biết chữ, với hy vọng sẽ được tòa xem xét, giảm án do trình độ văn hóa thấp. Khi vào tới đây, chúng tôi tập hợp lại mở lớp học xóa mù. Nhiều anh, chỉ thoạt nhìn nét chữ, tôi biết là cậu ta đã biết đọc, biết viết", ông Bình nói
Cũng theo vị trung tá này, khi thụ án, nhiều phạm nhân giả không biết chữ để được đi học, trốn lao động. Nhưng chỉ cần 3 buổi lên lớp, các quản giáo phát hiện ngay ra sự gian dối.
Trong các lớp học xóa mù chữa, vẫn có những phạm nhân "ngồi nhầm lớp" để trốn lao động. Ảnh: Đức Quang. |
"Năm ngoái, có một phạm nhân khá lớn tuổi, nhập trại án chung thân về tội hiếp dâm. Theo hồ sơ chuyển đến thì anh này không hề biết chữ. Được sắp xếp vào lớp học, anh ta cùng hai phạm nhân khác không tập trung bài, luôn mơ màng, rù tì nói chuyện trong lớp. Đến khi viết, nhìn nét chữ họ sắc nét hơn hẳn tất cả các phạm nhân khác trong lớp nên tôi đã gặp từng người để trò chuyện. Cuối cùng các phạm nhân này phải thừa nhận trò mánh khóe của mình và tự viết bản kiểm điểm", Trung tá Bình kể.
Đối với những phạm nhân cố tình vờ không biết chữ, giám thị các trại giam phải dùng biện pháp cưỡng chế lao động.
Trung tá Bình cho biết thêm, tại mỗi phân trại của trại giam đều có lớp học xóa mù chữ cho các phạm nhân khi nhập trại. Việc dạy học trên lớp do cán bộ giáo dục đảm trách. Ngoài giờ học, các phạm nhân còn kèm cặp nhau. Các lớp học đều được trại giam phối hợp với phòng giáo dục của địa phương tổ chức thi, cấp chứng chỉ xóa mùa chữ cuối mỗi khóa học, thường kéo dài từ 2 năm đến 3 năm.
Đức Quang