Từ rất lâu, những tiếng rao bán hàng rong về đêm đã trở thành một phần của cuộc sống đất Sài Gòn, đến nỗi nói như ông Ba Hạng ở phường 25, quận Bình Thạnh: "Đêm nào mà không nghe tiếng lắc xắc tiếng xóc đồng xu của thằng nhỏ đấm bóp, hay bánh chưng bánh giò, là tôi cảm giác thiếu cái gì đó, ngủ không ngon".
Chùm lắc xắc (gồm những chiếc nắp chai bia được xâu lại, khi lắc tạo ra tiếng kêu xúc xắc gây sự chú ý) của những người làm nghề đấm bóp giác hơi; những chiếc loa phóng thanh được thu âm sẵn thay cho tiếng người rao "bánh chưng bánh giò", "bánh mì Sài Gòn"; những loại hàng hóa không mấy phổ biến thì người bán vẫn phải vất vả rao bằng miệng... tất cả góp nên bức tranh muôn màu muôn vẻ của góc phố Sài Gòn lúc lên đèn.
* Nghe những kiểu rao đêm ở Sài Gòn |
Ngày nay, phần lớn người bán hàng rong này là dân nhập cư, xem TP HCM như quê nhà thứ hai để mưu sinh.
Anh Hưng, quê ở Phú Thọ vào Nam lập nghiệp từ năm 2002, ngày nào cũng đi chiếc xe 67 cà tàng dong duổi khắp thành phố để bán bánh chưng, bánh gai, bánh giò. Anh cho biết mấy năm gần đây người ở quê anh cứ bỏ hết ruộng vườn, nhà cửa tha phương cầu thực bởi ruộng đất bạc màu trồng lúa không đủ ăn.
Người đàn ông này đang sống với vợ và 2 đứa con tại phường 15, quận Gò Vấp. Vợ anh ban ngày bán trái cây, tối về trông con, còn anh tranh thủ bán luôn cả đêm để kiếm thêm thu nhập. Mỗi tháng chi phí gần 2 triệu thuê phòng trọ, ăn uống, quần áo, thuốc men cho cả nhà bằng khoản thu nhập từ bán các loại bánh với giá 3.500 đồng một chiếc.
Anh Hưng cho biết, trước đây phải đạp xe đạp đi bán và rao bằng miệng rất mệt. Có những đêm trời mưa về đến nhà ướt sũng, sáng hôm sau cảm lạnh và viêm họng nặng không thể rao lớn được. Dạo này vợ chồng anh để dành được một khoản tiền mua lại chiếc xe 67 cũ và sắm thêm chiếc loa với máy cassette thu âm sẵn câu mời chào "bánh chưng, gai, giò" để đi bán cho tiện. Nhờ vậy mà công việc của anh đỡ vất vả hơn, giờ chỉ lo làm sao bán cho hết hàng.
"Thời đại này làm cái gì cũng khó khăn. Hồi trước tôi làm nghề sửa ổn áp cũng kiếm ăn được nhưng giờ người ta không xài ổn áp nhiều nên mình cũng bỏ nghề luôn. Giờ chuyển qua bán bánh chưng, bánh giò, ngày nào giỏi lắm mới kiếm được gần 200.000 đồng đem về là vợ con mừng lắm. Nhưng vào những ngày mưa hoặc lấy phải bánh nguội khách không mua lại mang về nhà, cũng có ngày gia đình tôi ăn toàn bánh chưng vì đêm trước bán ế", anh Hưng vừa bán bánh vừa kể.
Xe ba gác bán bánh mì trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Ngoan Ngoan.
Chị Nga, quê Đà Nẵng vào thành phố bán những món ăn bình dân như đậu phộng, bánh đa, trứng cút để nuôi con học đại học. "Từ khi đứa con vào thành phố học đại học thì tôi cũng theo chân con vào đây buôn gánh bán bưng lấy tiền nuôi nó. Mới đầu cũng xin làm công nhân ở xí nghiệp nhưng do trình độ tôi mới hết lớp 1 nên mấy công ty họ không nhận. Cuối cùng không còn lựa chọn nào khác, tôi xin theo mấy người đi bán dạo, mỗi ngày cũng kiếm được 60-70 nghìn đồng", chị vừa nói vừa đon đả mời chào thực khách.
Ngày nào cũng vậy, người mẹ trạc tuổi 40 phải thức dậy từ 4h sáng đi chợ lấy hàng để bán và trở về nhà khi phố đã lên đèn. Trước đây chị ngồi bán ở công viên nhà thờ Đức Bà đỡ vất vả khoản đi lại, song từ hồi có lệnh cấm hàng rong, chị phải đổi địa bàn đến quận Bình Thạnh để bán dạo.
"May mắn gặp những ngày trời tạnh ráo bán nhanh hết còn được về nhà sớm. Chứ dạo này trời hay mưa quá, khách cũng ngại ra ngoài nên mình bán không được bao nhiêu, có khi cố gắng bán cho hết mãi khuya mới về", chị kể.
Con của chị Nga hiện là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Khoa học Tự nhiên, TP HCM. Chị cho hay, gia tài ở quê chỉ có mấy sào ruộng, gia đình trồng lúa hai mùa bữa đói bữa no, lại thêm vài năm gần đây hạn hán làm ruộng khô cháy phải bơm nước ngoài sông vào với chi phí tốn kém hơn gấp mấy lần. Vậy nên có năm tiền thu hoạch lúa trang chỉ vừa đủ trải nợ.
"Giờ thay vì ở nhà tiếp tục cấy lúa bán gửi tiền vào cho con thì tôi đi với cháu vào thành phố thuê nhà ở vừa có thể chăm sóc, quản lý con cái vừa đi làm nuôi con cho nó yên tâm học hành", chị Nga tâm sự. Hiện nay chỉ còn chồng chị và đứa con gái út học lớp 10 ở nhà chăm lo ruộng vườn.
![]() |
Cá viên chiên, món hàng rong yêu thích của người Sài Gòn. Ảnh: Ngoan Ngoan |
Còn chị Thảo quê ở vùng biển Tiền Hải, Thái Bình mới lấy chồng năm ngoái rồi cùng chồng vào Nam lập nghiệp, hy vọng có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Chồng làm phụ hồ, còn chị đi bán bánh tráng. "Tôi mới làm chưa quen nên đi bộ cả ngày mỏi chân lắm. Bán bánh này được cái chỉ bỏ ra ít vốn nhưng phải gánh nặng, nhiều khi mệt lả nhưng mà không dám nghỉ vì sợ không bán hết để đến mai bánh mềm đi thì uổng lắm", chị Thảo thổ lộ.
Đối với người dân Sài Gòn, các món ăn hàng rong như: cá viên chiên, bò bía, há cảo, bánh giò... từ lâu đã trở thành những món ăn nhanh được ưa chuộng. Nhất là đối với những người phải làm việc ban đêm, khi các cửa hàng bán đồ ăn đã đóng cửa thì họ vẫn ngồi ngóng chờ những chiếc xe bán hàng rong đi ngang qua để mua.
Chị Thu Huyền, nhân viên lễ tân ở một khách sạn trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh nói với VnExpress.net: "Tối nào tôi cũng chờ bác bán bánh giò đến để mua ăn nửa đêm cho đỡ đói, chứ lúc đó mà chạy đi mua thì không còn chỗ nào bán, với lại tôi có nhiệm vụ trực 24/24h ở khách sạn nên mua tại chỗ thế này tiện lắm".
Ngoan Ngoan - Hinh Trần