Shimao mới chào bán khu đất có diện tích tương đương 34 sân bóng đá tại Thâm Quyến với giá 1,8 tỷ USD. Vào năm 2017, công ty mua với giá 24 tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,3 tỷ USD), một kỷ lục vào thời điểm đó ở thành phố này. Như vậy giá bán mới tương đương mức giảm 45% so với lúc mua.
So với giá trị thẩm định hiện tại, mức chào bán này cũng thấp hơn 20%, song không ai tham gia cuộc đấu giá của Shimao, theo kết quả được công bố trên trang đấu giá trực tuyến JD. Hai nhà phân tích tài sản Kristy Hung và Lisa Zhou của Bloomberg Intelligence đánh giá vụ đấu giá bất thành có thể sẽ tạo thêm rào cản cho việc tái cấu trúc nợ của Shimao.
Kế hoạch ban đầu của tập đoàn này đối mới mảnh đất là xây dựng một khu phức hợp Shimao Shenkong International Center, có điểm nhấn là tòa nhà chọc trời cao 500 mét. Công ty từng tham vọng đầu tư 50 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6,9 tỷ USD) để xây dựng dự án.
Họ giới thiệu ngoài tòa tháp chọc trời, khu phức hợp còn có siêu công viên giải trí, khách sạn quốc tế, trung tâm đổi mới dành cho giới trẻ Thâm Quyến và Hong Kong, nhà hát quốc tế, căn hộ cao cấp...
Nhưng dự án gặp rắc rối vào năm ngoái khi Shimao trễ hạn thanh toán một số trái phiếu được phát hành để huy động vốn xây dựng. Citic Trust, công ty quản lý trái phiếu đã tịch thu tài sản và kiện công ty con của Shimao.
Bên cạnh Shimao, một nhà phát triển bất động sản khác là Sino-Ocean cũng đang chật vật. Mới đây, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc (China Life Insurance) và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dajia (Dajia Life Insurance) đã cử một đội chuyên trách đến Sino-Ocean để bàn bạc về kế hoạch giảm thiểu rủi ro toàn diện.
Diễn biến mới càng gây thêm lo ngại rằng ngay cả các nhà phát triển do nhà nước hậu thuẫn cũng không thể tránh khỏi áp lực tài chính chưa từng có. Trái phiếu Sino-Ocean tiếp tục sụt giảm. Đến hôm 5/7, giá trị trái phiếu của công ty chỉ bằng một nửa so với trước đó ba hôm. Trái phiếu nội địa trị giá 2 tỷ nhân dân tệ đáo hạn vào tháng tới giảm 34,6% và giao dịch bị đình chỉ hai lần. Trái phiếu USD đến hạn vào năm 2024 cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục khoảng 15 cent.
Những dấu hiệu mới này cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài hai năm qua của Trung Quốc có thể vẫn chưa chấm dứt. Sự phục hồi ngắn ngủi đầu năm nay đã nhanh chóng phai nhạt.
Anitza Nip, Trưởng bộ phận nghiên cứu thu nhập cố định tại châu Á của Union Bancaire Privee cho biết các nhà đầu tư thất vọng với sự phục hồi chậm chạp của thị trường nhà ở. "Con đường phục hồi dường như còn dài hơn những gì đã được dự đoán vào đầu năm nay", bà nhận định.
China Vanke - nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc tính theo doanh thu, tuần trước cho biết thị trường nhà ở "tệ hơn dự kiến". Goldman Sachs gần đây đã tăng khả năng vỡ nợ đối với trái phiếu bất động sản bằng USD của nước này. Trong khi đó, các biện pháp hỗ trợ của chính phủ vẫn khiêm tốn.
"Các nhà đầu tư không chỉ lo ngại về rủi ro tín dụng với các công ty riêng lẻ mà còn về toàn bộ lĩnh vực bất động sản do quá trình tái cơ cấu chậm", bà Nip của UBP cho biết.
Anh Kỳ (theo Bloomberg)