Hơn 18 tháng điều tra, trong kết luận ra ngày 7/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định, từ năm 2014 đến ngày 9/5/2019 (thời điểm khám xét), Huy cùng đồng phạm đã mua hơn 2.500 đơn hàng với trên 255.300 sản phẩm (điện thoại iPhone, máy tính, máy tính bảng, máy nghe nhạc, Apple TV, đồng hồ và một số điện thoại nhãn hiệu khác) của nhiều chủ hàng tại Mỹ, UAE, Singapore, Hong Kong... Tổng trị giá 2.900 tỷ đồng.
Nhật Cường không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch mà chi 72,9 tỷ đồng vận chuyển trái phép. Huy sử dụng 9 đường dây chuyển lậu từ Hong Kong về Việt Nam. Hàng theo đường biển về cảng Hải Phòng, theo đường hàng không về qua sân bay Nội Bài và đường bộ từ Quảng Châu (Trung Quốc) về khu vực biên giới tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Riêng đường hàng không, cơ quan điều tra làm rõ từ 1/2016 đến tháng 11/2017, Nhật Cường tổ chức vận chuyển trái phép qua sân bay Nội Bài với thủ đoạn lập khống hồ sơ hải quan 322 đơn hàng cho 40.000 sản phẩm, tổng trị giá 549 tỷ đồng. Điều này giúp doanh nghiệp hưởng lợi 39 tỷ đồng.
Từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2018, Nhật Cường tiếp tục vận chuyển trái phép 183 đơn hàng với gần 17.000 sản phẩm, tổng trị giá 307 tỷ đồng.
Huy giao giám đốc tài chính Nguyễn Bảo Ngọc đảm trách thanh toán tiền mua hàng lậu. Ngọc bị cáo buộc đã cân đối nguồn tiền, chỉ đạo nhân viên chi tiền bằng tiền mặt, chuyển khoản, hoặc nộp tiền vào tài khoản của các cá nhân người Việt Nam theo yêu cầu của nhà cung cấp; chuyển tiền cho cá nhân là trung gian thanh toán là hai tiệm vàng ở trung tâm Hà Nội để họ quy đổi ngoại tệ và chuyển vào tài khoản nước ngoài do các chủ hàng yêu cầu.
Thông qua hệ thống các cửa hàng của mình, Nhật Cường đã tiêu thụ 254.364 sản phẩm, thu trên 3.200 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 221 tỷ đồng. Ông chủ Nhật Cường bị cáo buộc đã "trực tiếp chỉ đạo toàn diện, phân công nhiệm vụ cụ thể", trực tiếp quyết định các giao dịch mua hàng.
Về vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, ông chủ Nhật Cường với vai trò chủ mưu, cầm đầu đã lập ra hai hệ thống sổ sách kế toán để ghi chép số liệu hoạt động kinh doanh.
Huy chỉ đạo kế toán trưởng Nguyễn Thị Bích Hằng và Ngọc ghi chép số liệu liên quan hoạt động kinh doanh của Nhật Cường tại hai hệ thống số sách trên phần mềm. Việc này nhằm che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng.
Nhiều số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư cho các công ty chỉ được ghi chép trên phần mềm theo dõi nội bộ, không ghi chép trên phần mềm dùng cho việc báo cáo thuế, báo cáo tài chính...
"Chỉ tính tiền phần nghĩa vụ nộp thuế trong các hoạt động kinh doanh đã gây hậu quả nghiêm trọng cho tài sản nhà nước gần 30 tỷ đồng", cơ quan điều tra kết luận.
Cơ quan điều tra cáo buộc Huy có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3, điều 221 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 10-20 năm tù.
Hành vi sử dụng tiền có được từ hoạt động buôn lậu sang đầu tư, kinh doanh hợp pháp này có dấu hiệu của tội Rửa tiền song do Huy đang bỏ trốn, cơ quan điều tra tách riêng vụ án này để tiếp tục điều tra, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Liên quan vụ án, ngày 7/1, Hằng, Ngọc vừa bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Trần Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc; Đỗ Quốc Huy, Giám đốc bán hàng; Trần Tất Khoa, Giám đốc Nhật Cường Quảng Châu; Hoàng Văn Phong, Trưởng ngành hàng Apple Nhật Cường, Lê Hoài Phương, nhân viên và 8 người bị đề nghị truy tố về tội Buôn lậu.