Trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, ngày 26/3.
14 người khác bị C03 đề nghị truy tố về các tội Buôn lậu; Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết luận, năm 2016 khi Sở Xây dựng Hà Nội đang thực hiện 8 gói thầu trồng cây xanh trên địa bàn, Hà Nội triển khai tiếp công tác trồng mới, thay thế, bổ sung cây xanh, thực hiện đến năm 2019.
Qua các chỉ đạo của ông Chung, từ 2016 đến 2019, dù việc trồng mới cây xanh ở Hà Nội đủ điều kiện đấu thầu, Ban Duy tu các công trình kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng không tổ chức mà ký hợp đồng đặt hàng trực tiếp với Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội (Công ty Cây xanh) và Công ty Sinh Thái Xanh.
Ban Duy tu đã đặt hàng Công ty Cây xanh 10 hợp đồng trị giá hơn 241 tỷ đồng; Công ty Sinh Thái Xanh 6 hợp đồng, hơn 43 tỷ đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, nhóm cán bộ Ban Duy tu và người đứng đầu hai doanh nghiệp này bị cáo buộc đã bắt tay nâng khống giá, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 34 tỷ đồng, theo cơ quan điều tra.
Công ty Cây xanh là đơn vị trực thuộc UBND Hà Nội, vốn điều lệ 310 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cho rằng nhằm rút ruột ngân sách nhà nước, Tổng giám đốc Công ty Cây xanh Nguyễn Xuân Hanh đã "bắt tay" với Nguyễn Tuấn Nghĩa, chủ doanh nghiệp cung cấp cây.
Bị can Nghĩa được giao chuẩn bị một số loại cây như chà là, bàng lá nhỏ để cung ứng theo hợp đồng song nâng giá đầu vào cao gấp nhiều lần thực tế.
Theo cáo buộc, nhóm này thống nhất trước về số lượng, chủng loại, đơn giá và địa điểm trồng. Ông Hanh chỉ đạo cấp dưới tính toán, đối chiếu để số tiền nâng khống là 17 tỷ đồng. Nghĩa sau khi được thanh toán tiền đã chuyển lại 17 tỷ đồng cho Công ty Cây Xanh thông qua ông Hanh. Trong số tiền chiếm hưởng này, Vũ Kiên Trung, Chủ tịch Công ty Cây xanh, nhận 1,5 tỷ đồng; ông Hanh 600 triệu đồng, kế toán trưởng Bùi Phương Thảo nhận 380 triệu đồng và một số cán bộ chủ chốt của Công ty Cây xanh chia nhau 4,7 tỷ đồng.
Ông Trung khai đã trích từ 17 tỷ đồng này đưa cho ông Chung 2,6 tỷ đồng vào các dịp lễ, tết năm 2016-2018 để cám ơn đã tạo điều kiện và chỉ đạo sở ngành Hà Nội đặt hàng công ty.
Ngoài 17 tỷ đồng tiền chênh lệch chuyển cho Công ty Cây Xanh, theo cơ quan điều tra bị can Nghĩa còn được hưởng lợi 10 tỷ đồng. Nghi can khai mọi hành vi và gia đình đã nộp 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Cùng với doanh nghiệp Công ty Cây xanh tham gia trồng cây trên địa bàn thủ đô, Công ty Sinh Thái Xanh ra đời từ năm 2016, khi Bùi Văn Mận đang trốn nợ ở Lâm Đồng thì được ông Chung gọi về làm dự án trồng cây. Mận không góp vốn nhưng đứng tên giám đốc, việc do phó giám đốc Hoàng Thị Kim Loan đảm nhận.
Sau khi hỏi ý kiến và được Mận tư vấn làm vườn ươm để trồng cây keo tại nút giao Đại lộ Thăng Long, ông Chung chỉ đạo Giám đốc Sở Xây dựng: "Cho thằng Mận vào, chỉ hơn 3 tỷ thôi". Từ đó, dự án vườn ươm đầu tiên của Sinh Thái Xanh được thực hiện với Ban Duy tu.
Doanh nghiệp này sau đó được đặt hàng liên tiếp 6 hợp đồng trồng cây keo ven quốc lộ, trồng bổ sung cây bóng mát, đánh chuyển, bó vỉa gốc cây tạo cảnh quan không gian xanh trên một số tuyến đường. Tổng trị giá các hợp đồng hơn 43 tỷ đồng.
Khi hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán với Ban Duy tu, Mận và Loan đã thông đồng nâng giá cây chiêu liêu, cây keo với giá gốc 700-1.800 đồng thành 9.000 đồng/cây, cây long não từ 3,8 triệu lên 8,2 triệu đồng/cây, cây sộp từ 13 triệu đồng lên 32 triệu đồng/cây. Không chỉ nâng giá, nhóm này còn lập hồ sơ để nâng khống số lượng cây. Từ đó, Sinh Thái Xanh hưởng lợi, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 17 tỷ đồng, theo cáo buộc.
Với tiền thu lời bất chính, Loan và Mận chia nhau mỗi người 6,5 tỷ đồng, còn lại sử dụng vào các công việc chung của công ty. Từ tiền hưởng lợi, Mận khai chi 1,2 tỷ đồng trồng cây tại Trường Mầm non Yển Khê (huyện Thanh Ba, Phú Thọ) để ông Chung dùng tư cách cá nhân tài trợ và trồng cây trị giá gần 140 triệu đồng cho nhà bố mẹ đẻ của ông Chung ở Phú Thọ.
Qua các sự việc việc, cơ quan điều tra đánh giá ông Chung với tư cách là chủ tịch thành phố đã không đảm bảo tính công minh, liêm chính, vì động cơ cá nhân đã chỉ đạo cấp dưới làm sai. Nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình, ông Chung "ra văn bản một đằng, chỉ đạo miệng một nẻo".
Theo cơ quan điều tra, ông Chung không thừa nhận hành vi. Ông Chung khai, khi nhận chức Chủ tịch UBND Hà Nội thấy chi phí trồng mới vườn hoa, thảm cỏ, cắt tỉa cây xanh... tăng cao nên giao Văn phòng UBND thành phố mời các phó chủ tịch và đơn vị liên quan đến họp về công tác duy tuy, cắt tỉa cây xanh.
Về mối quan hệ với bị can Mận, ông Chung khai quen từ khi thuê anh ta trồng, chăm sóc cây xanh ở nhà. Thế nhưng đó là quan hệ cá nhân, ông không can thiệp hay giới thiệu Mận trồng cây xanh ở Hà Nội. Ông cũng không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ Trung hay nhận "số cây trị giá hơn 1,2 tỷ đồng" từ Mận như lời khai của những người này.
Nhập lậu cây từ Trung Quốc về trồng ở Hà Nội
Kết luận xác định, năm 2016, Hoàng Đình Văn, Giám đốc Công ty XNK Hoàng Anh Phát, được Nghĩa hỏi mua cây chà là, bàng Đài Loan về trồng ở Hà Nội. Tuy nhiên, công ty của Văn chưa được cấp phép kinh doanh cây có bầu đất nên không thể nhập về bán cho Nghĩa.
Văn sau đó liên hệ với một người Trung Quốc để nhập lậu cây chà là và bàng Đài Loan theo đường sông Ka Long, thành phố Móng Cái. Hàng về, Văn thuê vận chuyển tới Hà Nội.
Theo cơ quan điều tra, Văn chỉ đạo kế toán xóa hết dữ liệu trong máy tính nên cảnh sát không thể trích xuất đầy đủ. Nhưng dựa vào tài liệu thu thập được, C03 kết luận, Văn bán đã bán cho Nghĩa hơn 24 tỷ đồng tiền cây và hưởng lợi bất chính hơn 1,6 tỷ đồng.
Cuối năm 2015, ông Nguyễn Đức Chung được bầu làm Chủ tịch UBND Hà Nội, trong bối cảnh thành phố mới dừng việc chặt hạ thay thế cây xanh trên một số tuyến phố do gặp phản ứng của dư luận. Thành phố sau đó khởi động chương trình "trồng mới một triệu cây xanh".
Để hiện thực hóa mục tiêu, thành phố đã yêu cầu Công ty Cây xanh cử các đoàn đi thăm quan học tập về trồng, chăm sóc, duy tu cây xanh tại Trung Quốc, Singapore. Lúc này nhiều loại cây mới được đưa vào trồng trên đường phố thủ đô như phượng tím, bàng lá nhỏ, chà là...
Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm giữa năm 2016, ông Chung cho hay coi trọng vấn đề cây xanh từ khi chuẩn bị nhậm chức và mỗi ngày đều dành thời gian để cập nhật thông tin về trồng cây của thành phố từ công ty cây xanh.