Nhờ điều kiện tự nhiên mát mẻ, thuận lợi cho nuôi trồng, Mang Yang - huyện trung tâm của tỉnh Gia Lai được kỳ vọng là “thiên đường bò sữa” của khu vực Tây Nguyên.

Thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp
sản xuất nông nghiệp

Mang Yang - theo tiếng Gia Rai - có nghĩa là cổng trời. Tên huyện vốn được đặt theo tên con đèo Mang Yang, nằm trên quốc lộ 19, đi qua địa phận của huyện.

Được coi như vùng đệm của khu bảo tồn Kon Ka Kinh và Kon Chư Răng, Mang Yang có khí hậu dao động khoảng 21-25 độ C, thuận lợi cho phát triển cây trồng, vật nuôi ôn đới. Thổ nhưỡng địa phương chủ yếu là đất đỏ bazan và nhất là đất sạch – chưa hề bị ô nhiễm, giúp dễ dàng làm nông nghiệp hữu cơ cũng như sản xuất các nông sản cao cấp.

Ảnh hưởng của khu vực nhiệt đới gió mùa cao nguyên, Mang Yang có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa mưa tại đây diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhờ lượng mưa trung bình hàng năm là 2.213 mm, tập trung vào các tháng 7, 8, 9, cá biệt có năm lên đến hơn 3.000 mm, cùng hệ thống sông suối mật độ tương đối dày (cao hơn mức trung bình của Tây Nguyên), phân bổ đều trên khắp địa bàn, những người làm nông nghiệp ở đây tự tin không bị thiếu nước. Địa phương này cũng nổi tiếng với nhiều núi rừng, đồi thông, suối thác – những yếu tố góp phần thanh lọc, làm sạch không khí.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng nếu nói về thổ nhưỡng thì cả vùng Tây Nguyên đều giống nhau. Tuy nhiên, với độ cao gần như Măng Đen (Kon Tum), chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm có mùa lên đến 13-15 độ C giúp vùng đất Gia Lai cho ra những loại trái cây ngọt hơn. “Sầu riêng, bơ, chuối... trồng ở Gia Lai cũng ngon hơn các vùng đất khác và có giá trị bán ra cao hơn. Khí hậu mát mẻ giúp bò sữa cũng ngủ ngon, từ đó cho nhiều sữa hơn”, ông Tuấn Anh nhận xét.

Gia Lai có diện tích đất tự nhiên trên 15.000 km2 và là tỉnh rộng thứ 2 cả nước, chỉ sau Nghệ An. Ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, hiện địa phương hơn 800.000 ha dành cho sản xuất nông nghiệp. Riêng huyện Mang Yang có hơn 120.000 ha, trong đó đất quy hoạch cho nông nghiệp trên 65%. Trên cơ sở thiên thời địa lợi của một cao nguyên có độ cao trung bình hơn 800 m so với mực nước biển, Mang Yang hội đủ điều kiện lý tưởng để phát triển các loại cây trồng, các loại vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa.

Hội đủ yếu tố để trở thành
“thiên đường bò sữa”

Giới chuyên gia đánh giá Mang Yang có nhiều điều kiện thiên thời, địa lợi và nhân hòa để trở thành thiên đường bò sữa mới.

Tại tọa đàm “Xây dựng Mang Yang – Gia Lai thành thiên đường bò sữa” ngày 16/4, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng trung tâm chăn nuôi bò sữa Việt Nam sắp thay đổi. Theo đó, chăn nuôi bò sữa sẽ dịch chuyển lên Tây Nguyên, nơi có nhiều tiềm năng để phát triển. Điều này cộng hưởng từ các yếu tố gồm: quỹ đất cho chăn nuôi lớn; có nguồn đất – nước – không khí sạch; khí hậu ôn hòa; giao thông thuận lợi; người nuôi bò sữa đủ điều kiện tài chính và hiểu biết vì phải đầu tư lớn, đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật cao vì bò sữa khó nuôi hơn bò thịt và heo; có sự hỗ trợ từ chủ trương, chính sách, ý chí của chính quyền.

“Theo nghiên cứu của các chuyên gia trong ngành chăn nuôi Việt Nam thì huyện Mang Yang – Gia Lai, một trong những địa phương hiếm hoi tại Việt Nam gần như thỏa mãn các điều kiện nói trên”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương khẳng định.

Tiến sĩ Nguyễn Kiên Cường, Phó trưởng khoa Chăn nuôi thú y, Đại học Nông Lâm TP HCM, một người có chuyên môn về chăn nuôi bò, cũng như có nhiều duyên nợ với nơi đây cho hay, Mang Yang phù hợp để phát triển bò sữa khi có đủ điều kiện thiên nhiên là nguồn nước, quỹ đất, khí hậu. Chăn nuôi bò sữa cần điều kiện khí hậu mát mẻ, cần diện tích đồng cỏ đủ rộng, để cung cấp thức ăn cho bò. Những điều kiện này giúp bò dễ chịu, thoải mái, có thể ăn no ngủ say để cho nhiều sữa.

Nỗ lực thu hút
nhà đầu tư

Từ lợi thế phát triển ngành nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi bò sữa thời gian qua, tỉnh Gia Lai có nhiều động thái để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo đó, Mang Yang đã được quy hoạch là trung tâm phát triển chăn nuôi của tỉnh Gia Lai với tỷ lệ phân bổ cho huyện là 2,3 đơn vị chăn nuôi trên một đơn vị diện tích. “Đây là con số lớn nhất tỉnh Gia Lai”, ông Lê Trọng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang chia sẻ.

Ông Trọng cũng cho biết thêm, quy hoạch đất lâm nghiệp của huyện là 65.000 ha (trên 58% tổng diện tích) là điều kiện thuận lợi để Mang Yang có khí hậu phù hợp với ngành chăn nuôi. Ngoài ra, địa phương cũng đã phát triển năng lượng, hạ tầng logistics, có vị trí giao thông thuận lợi,…

“Hiện tại, trang trại bò sữa NutiMilk của Nutifood có 12.000 con, là một trong những trang trại độc lập lớn nhất Việt Nam hiện nay”, ông Lưu Trung Nghĩa nói.

Trang trại của Nutifood tiền thân thuộc về Hoàng Anh Gia Lai. Ban đầu, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức xây dựng theo hướng chăn nuôi bò thịt và bò sữa. Sau khi tiếp quản, Nutifood chuyển đổi sang chăn nuôi bò sữa hoàn toàn.

Tháng 8/2020, Nutifood khánh thành trang trại bò sữa NutiMilk với tổng diện tích là 620 ha, trong đó văn phòng và trang trại chiếm 52 ha, còn lại 568 ha là đồng cỏ. Các cô bò của trang trại NutiMilk được nuôi theo quy trình thuận tự nhiên với thời gian ngủ và nghỉ hợp lý để có thể cho ra sữa tươi có chất lượng tốt nhất.

Từng làm việc với cả trang trại bò sữa của Hoàng Anh Gia Lai và Nutifood, tiến sĩ Nguyễn Kiên Cường vẫn nhớ cách đây 8-9 năm, sản lượng sữa của các cô bò tại đây chỉ đạt khoảng 22-23 lít mỗi ngày, nhưng hiện nay, con số đã gần gấp đôi.

“Trong khi điều kiện tự nhiên không đổi thì yếu tố gia tăng năng suất sẽ đến từ việc thay đổi giống bò cao sản cũng như áp dụng công nghệ chăn nuôi hiện đại và đồng bộ hơn”, ông Cường phân tích.

“Trái ngọt”
từ trang trại bò sữa
tiên phong

Sau 4 năm phát triển trang trại bò sữa, ông Trần Bảo Minh - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Nutifood cho biết doanh nghiệp hài lòng với vùng nguyên liệu này. Đàn bò nuôi tại Mang Yang cho chất lượng sữa không những cao mà còn năng suất tốt. Mùa đông vừa qua, đàn bò nhập từ Mỹ về đã cho 40 lít sữa/ngày/con, tương đương với các trang trại tại Mỹ. Vùng chăn nuôi cách xa các khu công nghiệp, khí hậu mát mẻ, bò được uống nhiều nước, hít thở không khí trong lành nên ít bệnh.

Ông Minh cũng tiết lộ sữa tươi từ trang trại NutiMilk đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, trong đó có các khách hàng đến từ Nhật Bản, Trung Quốc… bởi sữa có hàm lượng 3,5g đạm và 4,0g chất béo trên 100ml, tương đương với tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện Nutifood là nhà cung cấp nguyên liệu cho Kido Foods, doanh nghiệp có thị phần kem số 1 Việt Nam. Sữa chiếm 50% nguyên liệu để làm kem, nên chất lượng sữa đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các loại kem ngon. “Lý do chúng tôi chọn mua sữa tươi NutiMilk để làm kem vì độ đạm và béo cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn của Kido Foods”, ông Mai Xuân Trầm, Tổng giám đốc Kido Foods cho biết.

Trang trại bò sữa cũng từng bước cải thiện đời sống kinh tế cho nhiều hộ gia đình. Hợp tác xã hữu cơ Chư Prông hợp tác với Nutifood từ năm 2021 cung cấp 3.000 tấn ngô sinh khối cho trang trại. Sau đó một năm, số ngô hợp tác xã này cung cấp tăng hơn gấp ba (10.000 tấn) và năm ngoái là 15.000 tấn. Năm nay, số ngô dự kiến tăng nhiều lần.

Ông Lê Văn Cảm, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã hữu cơ Chư Prông cho biết việc cung cấp ngô sinh khối cho trang trại bò sữa giúp nông dân tăng thu nhập. Nhờ giá thu mua từ nhà máy cố định nên đời sống của bà con nông dân cũng ổn định hơn.

“Dù người nông dân Mang Yang không trực tiếp tham gia chăn nuôi nhưng họ bắt đầu sống được bằng việc cung cấp nguyên liệu cho trang trại bò sữa NutiMilk, thay vì trồng những cây giá trị hiệu quả không cao”, ông Lê Trọng nói.

Hiện địa phương đáp ứng 50% nguồn nguyên liệu thức ăn cho đàn bò sữa và dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới.

Song song với việc phát triển trang trại bò sữa NutiMilk, Nutifood còn xây dựng một nhà máy chế biến sữa quy mô với công suất lớn cách Mang Yang chưa tới một giờ chạy xe nhằm đảm bảo giữ độ tươi ngon của sữa.

“Nhà máy đã hoạt động rất tốt từ năm ngoái. Nếu sau này, đàn bò tăng, chúng tôi vẫn có thể nâng công suất nhà máy lên cao hơn”, ông Minh chia sẻ.

Nội dung: Hoàng Anh - Ảnh: Nutifood
Thiết kế: Hằng Trịnh - Kỹ thuật: Sơn Bá