Theo Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6, các nhà cung cấp mạng xã hội phải tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng. Đồng thời, các đơn vị này công bố rõ ràng điều khoản sử dụng dịch vụ.
Bộ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ công khai các biện pháp phát hiện và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý, loại bỏ nội dung vi phạm bản quyền, pháp luật. "Khi nhận được thông báo yêu cầu loại bỏ các thông tin vi phạm bản quyền, pháp luật từ cơ quan có thẩm quyền, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phối hợp với tổ chức, cá nhân để xử lý theo pháp luật Việt Nam", Bộ quy tắc nêu.
Đồng thời, các đơn vị có biện pháp bảo vệ người yếu thế trong xã hội như người nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ em, vị thành niên, người khuyết tật... trên mạng xã hội.
Người dùng mạng xã hội được khuyến khích dùng họ, tên thật của cá nhân, tổ chức để đăng ký; chia sẻ thông tin có nguồn đáng tin cậy; ứng xử phù hợp với đạo đức, văn hóa dân tộc; không dùng ngôn ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, tôn giáo.
Người dân không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích việc chia sẻ thông tin tốt đẹp về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam; thông tin tích cực, người tốt, việc tốt.
Cán bộ, công chức nhà nước được khuyến khích "nên có phản hồi về những ý kiến trên mạng xã hội về vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình".
Tháng 11/2020, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ sớm ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đồng thời, Bộ sẽ yêu cầu định danh người dùng, coi đây là giải pháp căn cơ để xử lý vấn nạn tin giả.