Theo New York Post, chị Jessica Allen, 31 tuổi và chồng là anh Wardell Jasper, 34 tuổi, ở bang California, đã có hai con trai nhỏ vào năm 2015. Qua công ty môi giới, họ gặp cặp vợ chồng vô sinh họ Liu, người Trung Quốc, sang Mỹ nhờ đẻ thuê.
Tháng 4/2016, phôi của vợ chồng Liu được cấy thành công vào tử cung của chị Jessica. Một tháng sau, khi đi khám và siêu âm, người mẹ phát hiện mình mang thai đôi. Nhưng lúc ấy, chị không biết rằng thai kỳ của mình là cực hiếm trong y khoa, được gọi là superfetation.
Thời điểm ấy, bác sĩ giải thích với chị Jessica rằng một phôi đã chia tách làm đôi nên hai bé trai trong bụng chị là song sinh cùng trứng. Chị được trả 30.000 USD để mang thai hộ và sau đó, gia đình Liu trả thêm 5.000 USD nữa khi biết có con sinh đôi.
Đến ngày 12/12/2016, hai bé trai chào đời bằng mổ đẻ ở tuần thứ 38. Cả hai được người của công ty môi giới đẻ thuê là Armato đưa ra khỏi phòng sinh trước khi Jessica kịp gặp mặt. Ngày hôm sau, chị Jessica chỉ được phép nhìn ảnh hai bé qua điện thoại di động, do Liu chụp. Khi xem hình, chị thấy hai bé trông chẳng giống nhau và đã nói vậy với Armato. Tuy nhiên, người này phớt lờ và bảo rằng, mới sinh ra các bé như vậy nhưng lớn lên chúng sẽ giống nhau. Khi hai con chuẩn bị được xuất viện, chị Jessica lại hỏi xin được gặp mặt nhưng bị từ chối.
Sau đó, bên công ty môi giới đã đưa hai bé trai đi cắt bao quy đầu và tiêm phòng đồng thời làm thủ tục pháp lý để vợ chồng Liu trở thành bố mẹ của cặp song sinh.
Gần một tháng sau, Liu gửi hình các con cho chị Jessica qua tin nhắn và hỏi chị có thấy các bé giống nhau không. Chị trả lời "hai bé quá khác biệt" như lần trước. Gia đình Liu đã làm xét nghiệm ADN và xác định một trong hai bé không phải con họ. Ít lâu sau, họ đã gửi trả em bé này về cho công ty môi giới và nói rằng "chẳng biết làm gì với đứa trẻ lai đó".
Khi biết sự thật vào ngày 24/1/2017, vợ chồng chị Jessica vô cùng sốc. Mặc dù được khẳng định đó là con mình, họ vẫn không được gặp con. Thay vào đó, công ty môi giới đòi vợ chồng chị phải trả khoảng 9.200 USD chi phí chăm sóc, cộng 3.000 USD phí thay đổi giấy khai sinh. Nếu không trả số tiền này, vợ chồng chị phải ký giấy từ bỏ quyền nuôi con và đứa bé sẽ được cho làm con nuôi.
Vài ngày sau, công ty nọ còn đòi thêm 18.000-22.000 USD tiền bồi thường cho vợ chồng Liu thì mới trả lại con cho chị Jessica.
Trải qua nhiều ngày lo âu, hoảng loạn, cuối cùng, sau khi thuê luật sư và chi 3.000 USD cho các chi phí pháp lý, vợ chồng chị mới đòi được con về. Nhân viên công ty môi giới giao con cho anh chị ở bãi đỗ xe của một tiệm cà phê vào tháng 2/2017.
Cặp vợ chồng đặt tên con là Malachi. Em bé trong tình trạng ốm yếu, bị khó thở và hăm tã nặng. Vợ chồng chị Jessica rất buồn và gọi bên môi giới là "những kẻ buôn người", đồng thời thề sẽ không bao giờ để con trai bị đưa đi đâu nữa.
"Chúng tôi đã không được ở bên, yêu thương, chăm sóc con suốt 2 tháng đầu đời. Cháu đã bị đối xử tồi tệ và bộc lộ các triệu chứng chấn thương do bị di chuyển nhiều, thiếu sự nuôi dưỡng, chăm chút", chị Jessica nói.
Luật sư của vợ chồng chị cũng cho biết công ty môi giới đã trông giữ bé Malachi như con tin để mặc cả tiền nong với bố mẹ bé.
Suốt thời gian qua, vợ chồng chị Jessica đã cố gắng quan tâm, chăm sóc con thật nhiều để bù đắp và khắc phục hậu quả từ những gì con phải trải qua thời gian đầu đời.
Bảo Ngọc