Thảo luận tại hội trường ngày 26/11 về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hôn nhân gia đình, đại biểu Trần Hồng Thắm cho rằng mang thai hộ là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp, dễ bị lợi dụng. Chẳng hạn để xác định quan hệ thân thích của người mang thai hộ, cơ quan nào sẽ đảm nhận. Dự luật cũng chưa quy định trách nhiệm pháp lý của bên nhờ với sức khỏe người mang thai hộ trong quá trình mang thai và sau khi sinh con.
Ngoài ra, nếu áp dụng chế tài xử lý trong trường hợp người mang thai hộ không chịu giao con thì liệu có nhân đạo đối với một người phụ nữ đã mang nặng, đẻ đau. Vì thế, đại biểu TP Cần Thơ đề nghị chưa đưa vấn đề mang thai hộ vào luật ở thời điểm này mà cần nghiên cứu, bổ sung đầy đủ.
“Cần đánh giá rõ mang thai hộ có thực sự mang lại kết quả hạnh phúc bền vững cho gia đình hay không? Đồng thời xử lý các xung đột với pháp luật, tranh chấp phát sinh do việc mang thai hộ cũng là vấn đề nên cân nhắc. Hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn cấm mang thai hộ, đặc biệt trong khối EU có 20/28 nước cấm”, đại biểu Thắm nói.
Đại Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đề nghị nên xem xét thật kỹ nếu việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, quá trình thực hiện xuất hiện nhiều yếu tố mất nhân đạo thì không nên đưa vào. Thay vào đó khuyến khích những người không sinh được con nhận con nuôi. Tạo điều kiện cho nhiều trẻ khi sinh ra không có bố, mẹ, gia đình; không có ai chăm sóc; không có nơi nương tựa thì nhân đạo nhiều hơn là để phải mang thai hộ.
“Theo tôi nếu quy định như dự thảo luật thì chắc chắn yếu tố mất nhân đạo sẽ nhiều hơn yếu tố nhân đạo. Lấy ví dụ, nếu vi phạm hợp đồng thì con sinh ra thuộc về người mang thai hộ. Như vậy, vô tình người mẹ không có ý định sinh con thì lại phải nuôi. Chưa nói đến hậu quả của đứa con này là khi sinh ra phải chịu nhiều thiệt thòi mà bản thân đứa trẻ không có tội tình gì”, đại biểu Phương nói.
Đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang) bày tỏ lo ngại, ngoài một số cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc vô sinh có nhu cầu mang thai hộ thì cũng không loại trừ một số chị em phụ nữ trẻ muốn giữ vóc dáng, vẻ đẹp bền lâu nên không muốn sinh con và cho con bú. Từ đó dẫn đến nhu cầu cần người mang thai hộ.
Bà Nái cho rằng không nên quy định mang thai hộ cho dù mục đích đặt ra là nhân đạo, điều này dễ bị lợi dụng. "Nhân đạo đâu chưa thấy mà tình hình có thể bị biến tướng trầm trọng hơn. Chúng ta muốn ngăn chặn việc đẻ thuê, cấm trao đổi vật chất trong mang thai hộ, nhưng quy định điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại dự thảo luật là rất lỏng lẻo và khó khả thi", đại biểu tỉnh Hà Giang nói.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nhận định, ranh giới giữa mục đích nhân đạo và thương mại là rất khó xác định, khái niệm mang thai hộ như dự thảo luật nêu là chưa rõ, chưa có sức thuyết phục cao. Ngoài ra còn nhiều xung đột, tranh chấp phát sinh do việc mang thai hộ. Phần lớn người phụ nữ phải gánh chịu.
Ngược lại, có nhiều đại biểu ủng hộ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nhưng cũng bày tỏ lo ngại về hệ lụy xảy ra nếu quy định không rõ ràng.
Nam Phương