Ngày 23/9, đại diện Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên cho biết bệnh nhân mang song thai nhờ thụ tinh nhân tạo (IVF), được chuyển hai phôi vào tử cung, sau đó đột ngột đau bụng. Cách đây 13 năm, chị tiền sử mổ mở chửa ngoài tử cung.
Kết quả siêu âm cho thấy hai thai nằm ở hai vị trí khác nhau. Một thai nằm gọn trong buồng tử cung phát triển bình thường. Thai còn lại nằm ngoài buồng tử cung, phát triển ở eo vòi tử cung bên phải, có hiện tượng vỡ.
Ê kíp bác sĩ hội chẩn, phẫu thuật nội soi cấp cứu lấy khối chửa ngoài tử cung cho bệnh nhân. Các bác sĩ lựa chọn phương pháp gây mê thích hợp nhất nhằm đảm bảo ca mổ diễn ra an toàn, nhằm giảm tác dụng phụ tối đa cho thai nhi đang phát triển trong tử cung. Kíp mổ làm sạch ổ bụng, hạn chế tối đa đụng chạm vào tử cung, bảo vệ thai nhi an toàn.
Hiện tại thai phụ tỉnh táo, thai nhi còn lại phát triển bình thường.
Bác sĩ Lê Thu Hoài cho biết cùng lúc mang thai thai đôi trong đó một thai ngoài tử cung, một thai trong tử cung là ít gặp. Theo y văn thế giới, tình trạng này chiếm tỷ lệ 1/30.000 trường hợp mang thai tự nhiên. Riêng thai thụ tinh trong ống nghiệm, tỷ lệ song sinh bất thường cao hơn. Vị trí song thai ngoài và trong tử cung thường nằm ở cổ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, vùng sẹo mổ lấy thai.
Thai ngoài tử cung nếu phát hiện muộn, không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng vỡ, chảy máu ồ ạt, đe dọa sức khỏe cho cả mẹ và thai còn lại. Đây là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các tai biến sản khoa ở ba tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, tình trạng này có thể dễ dàng phát hiện qua siêu âm.
Vì vậy bác sĩ khuyến cáo phụ nữ ở độ tuổi sinh sản cần đi khám ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như tắt kinh, chậm kinh vài ngày hoặc rối loạn kinh nguyệt, có thể có dấu hiệu nghén, vú căng, đau bụng vùng hạ vị, ra máu màu nâu đen có khi lẫn màng, không đông...
Thúy Quỳnh