Đoàn xe tải chở nhiều quan tài rỗng cùng nhóm người khiêng đã đi qua các khu phố đông đúc ở thủ đô Indonesia hôm nay, trong khi nhiều người tham gia còn đội mũ giống như những con ma mà người dân địa phương thường gọi là pocong.
"Chúng tôi hy vọng cuộc diễu hành quan tài này sẽ nhắc nhở mọi người ý thức hơn về nguy cơ nếu không tuân thủ các quy tắc an toàn sức khỏe", Mundari, người đứng đầu quận Cilandak, phía nam thủ đô Jakarta, nói. "Họ có thể hình dung ra mọi chuyện sẽ thế nào nếu chết vì Covid-19".
Những quan tài rỗng đã thu hút sự chú ý của Ahmad Soleh Suzany, cư dân của Cilandak. "Nó thật đáng sợ bởi cho thấy mối nguy hiểm lớn mà chúng tôi đang đối mặt", anh nói.
Cuộc diễu hành diễn ra khi Indonesia chứng kiến số ca nhiễm nCoV tăng, cùng với đó là hơn 100 bác sĩ tuyến đầu và có thể là hàng trăm trẻ em tử vong vì căn bệnh này.
Quốc gia đông dân thứ tư thế giới đã báo cáo hơn 177.0000 ca nhiễm và hơn 7.500 ca tử vong vì Covid-19, nhưng có tỷ lệ xét nghiệm vào hàng thấp nhất thế giới. Do đó, nhiều người cho rằng quy mô thực sự của dịch ở nước này còn lớn hơn rất nhiều.
Các khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện đang cố gắng chạy đua với tỷ lệ ca nhiễm nCoV tăng ở quốc gia gần 270 triệu dân, nơi chính phủ bị chỉ trích gay gắt về phản ứng với đại dịch, bao gồm các quan chức tuyên truyền cách chữa Covid-19 bằng thảo dược hoặc phương pháp chưa được chứng minh.
Indonesia đã nới lỏng hạn chế đi lại hồi tháng 7 để tránh nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Giới chức cũng ra quy định phạt người không đeo khẩu trang hoặc không tuân thủ giãn cách xã hội. Nhưng nhiều người đánh giá các biện pháp này không đủ để kiểm soát dịch ở Indonesia.
"Bên cạnh các biện pháp xử phạt, chúng tôi đang cố gắng nâng cao nhận thức cho người dân", Mundari nói. "Nó giúp truyền tải thông điệp. Đó là cách chúng tôi truyền bá thông tin một cách tối đa".
Đây không phải lần đầu tiên Indonesia sử dụng các biện pháp độc đáo để nâng cao nhận thức về mối đe dọa của Covid-19. Hồi đầu năm nay, một khu vực ở Indonesia đã phạt người vi phạm quy định giãn cách xã hội bằng cách buộc đọc kinh Koran, trong khi một khu vực khác bắt người vi phạm đeo biển có ghi rõ hành vi sai trái của họ. Chính quyền Sragen ở Java đã tống người vi phạm quy định giãn cách vào các ngôi nhà hoang mà cư dân cho rằng bị ma ám.
Hiệp hội y tế của Indonesia đã đánh giá cao ý tưởng diễu hành quan tài đầy sáng tạo ở Cilandak. "Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực giáo dục và truyền bá thông tin theo nhiều cách khác nhau để nâng cao nhận thức về khủng hoảng cho công chúng", Halik Malik, người phát ngôn hiệp hội này, nói. "Cách làm này rất ấn tượng".
Thanh Tâm (Theo AFP)