Lúc tôi tốt nghiệp đại học và được giữ lại ĐH Sư phạm Hà Nội làm giảng viên, tôi mới 20 tuổi. Được phân đứng lớp ngay khi ra trường, bước vào giảng đường tôi "hoảng hồn" và run vì bên dưới là 50 sinh viên, ai cũng lớn tuổi hơn tôi, có người là bộ đội xuất ngũ, có người là cán bộ đi học, rất già so với tôi.
Rất may được mọi người động viên, tôi nhanh chóng quen với công việc. Trong lớp xưng thầy trò nhưng bên ngoài tôi với các "anh" sinh viên của mình xưng anh, em.
Vị hiệu trưởng ngoài 70 tuổi luôn được học sinh trường Lương Thế Vinh quý mến. Ảnh: P.V. |
Sau này khi về làm hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) tôi rất thích tiếp xúc, trò chuyện với các em nhỏ lớp 6, lớp 7. Ra chơi nếu bắt gặp tôi ở trường, các em vây lấy ríu rít, rồi vuốt râu, chụp ảnh... Lúc trường tổ chức đi chơi, dã ngoại tập thể bao giờ tôi cũng tham gia. Gần nhất là đi suối nước nóng ở Kim Bôi cách đây gần 2 tuần.
Nhìn các em nhỏ đáng yêu, trong sáng thế tôi thấy nếu chúng ta không dạy tốt đã là một cái tội. Còn nếu làm gì ảnh hưởng đến nhân cách, con người của các em thì là tội lớn. Giáo viên nên coi mình như là người lớn trong gia đình các em để chỉ bảo, dạy dỗ.
Theo tôi, hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục có khá nhiều nhưng không thể hiện nhiều vào ngày 20/11. Những người định như thế người ta cũng không chú trọng vào ngày này. Còn ngoài ra, những việc như xin cho con học trái tuyến mất 15-20 "vé" hay tuyển giáo viên vào trường với "giá" cả trăm triệu thì tôi biết, không phải hiếm. Đó là thực tế, tôi biết cấp quản lý ai cũng biết nhưng không dẹp được. Đó là điều đáng buồn
Ngày 20/11, phụ huynh, học sinh nếu mang tặng thầy cô những bó hoa, món quà nhỏ - không nặng giá trị vật chất hoặc những tấm thiệp; trên bàn thầy cô ở lớp có hoa tươi, như thế là rất tốt, thể hiện đúng truyền thống và văn hóa của dân tộc ta. Còn chuyện các phụ huynh đưa những món quà có giá trị hay số tiền trong phong bì đến nhà cô chủ nhiệm, thầy hiệu trưởng là biểu hiện lệch lạc, không phù hợp với truyền thống. Vì con đang học, người mà tặng quà lớn như thế rõ ràng có ý xin xỏ.
Cấp tiểu học, mỗi lớp ít giáo viên, cả lớp góp tặng thầy cô một món quà chắc không sao. Nhưng ở bậc phổ thông nhiều thầy cô thì nên thông qua ban phụ huynh, đại diện chúc mừng thầy cô.
Ở trường phổ thông Lương Thế Vinh có ban phụ huynh thu quỹ hoạt động vào dịp đầu năm, chứ không phải đến dịp lễ tết này nọ mới thu. Quỹ này dùng vào việc mua quà làm phần thưởng cho các học sinh giỏi, cho các em nghèo, hoạt động dã ngoại hay hiếu hỉ gia đình thầy, cô - trong đó bao gồm cả mua hoa, quà vào dịp 20/11. Tất cả đều được phụ huynh đồng thuận.
Đến dịp này không khí ở trường rất vui. Các em thi các tiết mục văn nghệ để chọn biểu diễn vào đúng ngày nhà giáo. 20/11 là dịp chúc mừng thầy cô nhưng đồng thời cũng là dịp để các em biểu diễn văn nghệ, vui chơi thể thao, thi nấu ăn, cắm hoa... Tôi thấy các em thích thú lắm vì được thể hiện mình. Nhiều khi duyệt danh sách dài dằng dặc để duyệt biểu diễn cũng khiến tôi đau đầu.
Món quà đơn sơ của học sinh cũ khiến thầy Văn Như Cương xúc động, đặt trang trọng ở phòng khách. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trong quãng thời gian dài trên cương vị thầy giáo rồi làm hiệu trưởng, tôi chưa bao giờ thầy gặp tình huống phụ huynh mang món quà lớn, mang tiền. Chắc phụ huynh họ biết tính mình. Đến dịp này, học trò các khóa cũ, mới đến nhà tôi rất đông, tiếp hết lớp này đến lớp khác mệt thôi. (Cười).
Tôi nhớ cách đây hơn 5 năm, phụ huynh và một em học sinh đã ra trường đến thăm tôi, tặng tôi một bức tượng rất thú vị làm từ gốc tre. Vị phụ huynh này kể, gia đình vào đi Hội An, thấy có tượng tre rất giống tôi đã nhớ đến thầy mua tặng thầy. Tôi rất thích món quà này luôn treo trang trọng ở phòng khách.
Thầy Văn Như Cương (sinh năm 1937) là Phó giáo sư, Tiến sĩ Toán học với nhiều năm gắn bó với giảng đường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Vinh. Ông chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông được đánh giá cao với năng lực sư phạm và nổi tiếng là người thẳng tính, rất thương yêu học trò. Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam và giữ cương vị hiệu trưởng từ đó tới nay. Hiện, trường là cơ sở đào tạo uy tín và quy mô ở Hà Nội, được đánh giá cao cả về giáo dục đạo đức và kiến thức cho học sinh. |
Nguyễn Hưng ghi