-
12h10
Tổng kết lại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Uỷ viên ban chấp hành trung ương cho biết, qua các câu chuyện của các nữ doanh nhân, thấy được vai trò to lớn của phụ nữ hiện đại. "Chúng tôi đánh giá cao việc tổ chức buổi tọa đàm. Đây là cơ hội để nữ doanh nhân chia sẻ thành công, truyền cảm hứng rộng rãi để làm kinh tế", bà cho biết.
Bà cho rằng, những người phụ nữ với niềm đam mê, khát vọng, hoàn toàn có thể đưa những doanh nghiệp Việt đến thành công. Trong thời gian tới, cùng sự phát triển của nền kinh tế số, mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam cũng không ít thách thức, theo nhiều cuộc điều tra, 94% doanh nhân nữ chưa có kinh nghiệm lãnh đạo. Những buổi tọa đàm như ngày hôm nay sẽ bổ sung thêm nhiều kinh nghiệm cho họ.
-
11h57
Mong muốn có nghị quyết cho doanh nhân nữ
Để cộng đồng nữ doanh nhân tiếp tục phát huy mạnh những giá trị và tìm thêm những giá trị mới, Bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ: "Chúng tôi cần nhiều sự hỗ trợ, sự hỗ trợ ngay trong nhà mình là bạn đời, hoặc như hôm nay anh Bình tham gia từ đầu đến cuối chúng tôi thấy rất khích lệ. Điều mong muốn của phụ nữ là được nhiều người quan tâm, đặc biệt ở đây là mong muốn Nhà nước quan tâm hơn. Vì vậy nếu có nghị quyết tư nhân, chúng tôi mong muốn có nghị quyết cho doanh nhân nữ".
Chia sẻ về giá trị nào quan trọng nhất đối với một nữ doanh nhân, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Pháp cho rằng, đó là được truyền sức mạnh, trong khi đó bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc FPT Retail nhận định, đó là tính mục tiêu. CFO của Vietjet, bà Hồ Ngọc Yến Phương thì cho rằng đó là đam mê, lý tưởng và kiên định.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG thì cho rằng, nữ lãnh đạo có thể đào tạo dẫn dắt mọi người để tạo thành công. Trong quá trình học hỏi, bà có trách nhiệm đào tạo để nhiều người cùng giỏi.
"Với quan điểm của tôi, tôi sẽ truyền kinh nghiệm, bí quyết kinh doanh cho những ai có trái tim, trí óc nóng bỏng để xây dựng một Việt Nam thị vượng", bà Nguyễn Thị Nga khẳng định.
-
11h50
Phụ nữ có thể làm nhiều việc một lúc
Bày tỏ quan điểm về cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam, ông Trương Gia Bình cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phụ nữ phát triển mạnh nhận thức. Phụ nữ tự giác ngộ về giá trị to lớn của lãnh đạo đó phải là yêu thương, người lãnh đạo vĩ đại vì có một tình yêu vĩ đại.
Người phụ nữ có những năng lực phát triển, người đàn ông chỉ có khoảng 27 trạng thái cảm xúc, phụ nữ có 147 trạng thái cảm xúc. Đàn ông gần như chỉ tập trung một việc, người phụ nữ có thể làm 8 việc một lúc.
Chỉ có người phụ nữ mới hiểu giá trị, cái nào tốt, đẹp, hay. Người đàn ông mà thử làm bài test đưa số tiền vào siêu thị, sau đó, có thể thấy mớ hỗ độn và không trả lời được vì sao mua món này, trong khi phụ nữ ngược lại. "Phải trả lại quyền lãnh đạo cho phụ nữ", ông Bình kết luận.
-
11h40
Phụ nữ nên đem sự dịu dàng của mình vào công việc
Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc - CFO, Công ty cổ phần hàng không Vietjet cho biết, trong đào tạo nhân viên, điều quan trọng là thay đổi nhận thức, khiến nhân viên say mê với công việc để phát huy hết mọi khả năng.
Tại Vietjet, sáng thứ 7 vẫn làm việc, lãnh đạo sẽ trao đổi với nhân viên để hỏi về vấn đề riêng như gia đình, tình yêu để nắm bắt, từ đó thổi sự say mê vào công việc.
Với người phụ nữ, việc đem sự dịu dàng vào công việc rất là quan trọng, hỗ trợ sự vận hành cho doanh nghiệp. Ngoài ra, chị em phụ nữ nhờ tình cẩn thận sẽ có các ưu điểm để đưa doanh nghiệp phát triển.
Cùng mang lại sự say mê trong công việc cho phụ nữ, Tổng Giám đốc Deloitte châu Á, bà Cindy Hook cho rằng, thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng, lãnh đạo nữ cần phải làm quen với nhiều mảng công việc khác nhau và phải có trách nhiệm giải trình những việc mình làm, phải dũng cảm đưa ra mục tiêu mang tính chiến lược, chấp nhận thách thức và cần đạt những mục tiêu về doanh thu.
Bà Cindy Hook cũng chia sẻ kế hoạch làm thế nào để đến năm 2022 sẽ nâng tỷ lệ lãnh đạo nữ châu Á từ 22% lên 32% cả về chất lượng và số lượng.
-
11h33
Không có tiêu chí cộng điểm cho người thân nhà sáng lập
Là thế hệ chuyển giao, bà Uyên Phương cho rằng, Tân Hiệp Phát cũng xây dựng bộ máy kế thừa từ năm 2009. Khi triển khai có nhiều bài học về bộ máy kế thừa. Qua nhiều năm, tập đoàn mất nhiều năm xây dựng bộ máy chuẩn, tách nhà sáng lập thành 2 vị trí.
Tập đoàn đã chuyển sang một quy trình tìm những người thực hiện giá trị cốt lõi. "Chúng tôi càn những người thực hiện giá trị cốt lõi đó để đào tạo. Hiện nay, chúng tôi không còn những chương trình thi nhân tài bởi quan niệm 5.000 nhân viên đều có vị trí, trách nhiệm để đưa tập đoàn đi lên. Không có tiêu chí cộng điểm cho người thân nhà sáng lập", bà nói.
Nhận được câu hỏi "Nutifood có chương trình đưa vào đào tạo thế hệ kế cận đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững như thế nào?", bà Trần Thị Lệ, Tổng Giám đốc Nutifood cho biết, doanh nghiệp quyết tâm đào tạo đơn vị kế thừa và đã đào tạo 137 người.
5 yếu tố cần lưu ý để đào tạo thế hệ kế cận của Nutifood gồm:
Lựa hiền tài cho công ty. Họ mang lại giá trị cốt lõi cho công ty, họ cần hiểu về lịch sử và mong muốn kế nghiệp phát triển nó sang giai đoạn mới. Đặc biệt họ phải là những người có thực lực.
Bước thứ hai là những "lão thành" của công ty phải có trách nhiệm bồi đắp cho thế hệ trẻ, chia sẻ cho các em những kiến thức chuyên biệt về doanh nghiệp để các em thấm từ đó phát triển lên.
Thứ ba là phải có kế hoạch, tốn kém nhiều chi phí để có lịch đào tạo lâu dài, bền vững.
Thứ tư là không chỉ đào tạo lý thuyết và cần phải gắn liền với thực tiễn doanh nghiệp.
Thứ Năm là phải động viên để các em phát triển, qua chính sách phần thưởng.
Là một người không nhận chuyển giao từ các thế hệ doanh nghiệp gia đình, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail cho biết, đánh giá về thế hệ kế cận, FPT khẳng định "không gì là không thể". Vì vậy, sau một thời gian, anh Bình đã tiến hành chuyển giao cho các thế hệ và Tập đoàn vẫn không ngừng tăng trưởng.
Ngoài ra, bà Bạch Điệp cho biết, Tập đoàn FPT có hai chương trình đào tạo thế hệ kế cận đó chương trình "Sư phụ - đệ tử", thứ hai là chương trình đào tạo, chuyển giao không chỉ cho những người ở cấp quản lý cao mà còn cho nhân viên ở nhiều level khác nhau - những hạt giống đó sau khi được đào tạo khoảng 6 tháng sẽ được giao trọng trách lớn trong tập đoàn.
-
11h15
Cơ hội của nữ doanh nhân trong thời đại mới
Chia sẻ về vấn đề các nữ doanh nhân trẻ thế hệ kế cận cần phát huy gì để tiếp tục phát huy các giá trị của thế hệ trước? bà Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát cho biết, tại Tân Hiệp Phát, chúng tôi thấy thói quen người tiêu dùng thay đổi rất nhanh. Với công nghệ 4.0, sự thích nghi là quan trọng, không chỉ với nam giới, mà điểm mạnh của nữ giới là sự thích nghi, trong khi đó điểm mạnh của nam giới là sự thay đổi liên tục để đáp ứng người tiêu dùng.
Sau Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam được đề cập nhiều, cho thấy sự cạnh tranh nhiều hơn, chúng ta sẽ là tâm điểm cho các doanh nghiệp vào, đây cũng là cơ hội lớn cho nữ doanh nhân.
Ngoài ra bà Uyên Phương nhấn mạnh: "Muốn đi xa chúng ta đi một mình, muốn phát triển bềnh vững, chúng ta đi cùng nhau. Đó là sức mạnh của nữ doanh nhân, chúng ta hãy hợp lực các công ty lại cùng nhau để xây dựng làm sao để đạt được, cạnh tranh sòng phẳng, vượt lên các công ty đa quốc gia, như vậy chúng ta mới phát triển bền vững.
Trả lời câu hỏi giống bà Phương, Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho rằng, mạng lưới nữ doanh nhân Việt Nam có tiềm năng rất mạnh, đứng thứ 6 trên 54 nước nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, dù chúng ta nhanh nhẹn, nhạy bén, nhưng chưa kết nối được để tạo một sức mạnh tổng thể.
Bà cho rằng, nếu những gì chúng ta chưa mạnh thì phải học hỏi thêm, hãy nhạy bén để thay đổi. Khi cách mạng công nghệ 4.0 phát triển, có nhiều cơ hội những cũng có nhiều thách thức với doanh nghiệp Việt Nam và doanh nhân nữ. Chị em hãy bình tĩnh tự tin để có những đường lối đúng để phát triển doanh nghiệp của mình.
-
11h08
Vai trò của các nữ doanh nhân để thực hiện khát vọng "Vì một Việt Nam Thịnh vượng"
Sau 15 phút nghỉ giải lao, Toạ đàm trở lại với phiên thảo luận "Phát huy vai trò của các nữ doanh nhân để thực hiện khát vọng Vì một Việt Nam Thịnh vượng" dưới sự điều phối của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam.
Nhận được câu hỏi bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, cơ hội và thách thức của lãnh đạo nữ như thế nào, bà Cindy Hook cho biết: "Chúng ta thấy phụ nữ Việt Nam rất tài năng, và cơ hội dành cho lãnh đạo nữ rất nhiều". Liên quan đến thương mại quốc tế, bà Cindy cho biết bản thân bà đã đi nhiều quốc gia và thấy Việt Nam cũng đã được đề cập rất nhiều về tiềm năng và cơ hội.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT Retail cho rằng, đối với Việt Nam trong giai đoạn hội nhập chắc chắn có cơ hội có thách thức. Theo đó, Việt Nam khi mở cửa đón nhiều cơ hội từ nước ngoài như nguồn vốn.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là yếu tố tốt cho mọi người, bất kể một đất nước nào cũng có thể làm nên thành công nếu sáng tạo. Nếu nói riêng với phụ nữ, chúng ta phải đối mặt với những công nghệ mới, sự chuyên nghiệp trong công việc...
-
10h24
Câu chuyện biến cái không thể thành cái có thể
Bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát bày tỏ xúc động khi nghe câu chuyện của các nữ doanh nhân trước đó. Bà cho rằng, bản thân là thế hệ kế thừa, thuộc nhóm Millenium 8X, 9X, nhóm lãnh đạo trẻ đi qua thế giới của sự chuyển tiếp.
Sự chuyển tiếp sang thời đại số đã có những ảnh hưởng lớn trong cuộc sống của những người như bà. Thời đại mà sách in giấy được chuyển thành sách nghe và sách điện tử, cả kho tàng tri thức nhân loại giờ nằm gọn trong một thiết bị cầm tay. Thời đại mà các buổi gặp mặt trao đổi giảm dần, chúng ta kết nối với nhau qua Facebook, Linkedin, Zalo. Thời đại mà mua bán ở các chợ đã đổi thành chợ online. Thời đại mà xe hơi cũng có trí tuệ thông minh và chuyển sang lái tự động không cần người lái.
Bà thuộc thế hệ lãnh đạo chuyển tiếp. Chúng tôi không chỉ tận mắt chứng kiến mà còn phần nào được trải nghiệm khó khăn thách thức của thế hệ thứ nhất, của 25 năm đất nước chuyển mình. Và năm nay cũng chính là kỷ niệm 25 năm thành lập Tân Hiệp Phát.
Bà chia sẻ câu chuyện về Biến điều không thể thành có thể của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt là nữ doanh nhân, bài học mà bà được chứng kiến bằng cuộc sống của ba một cách nhất quán trong suốt gần 40 năm.
Khi tôi nói như thế chắc tất cả quý vị đặc biệt là quý vị doanh nhân sẽ liên tưởng được ngay câu chuyện của bản thân mình,với bao khó khăn những thách thức mà mỗi chúng ta đã đi qua. Và cũng như doanh nghiệp của các quý vị, Tân Hiệp Phát cũng có mục tiêu là lợi nhuận. Nhưng xin hỏi ai trong quý vị từng có trải nghiệm từ chối lời đề nghị 2,5 tỷ USD?
Năm 2012, sau 9 tháng trao đổi và đàm phán với Coca Cola, Tân Hiệp phát quyết định từ chối lời đề nghị 2,5 tỷ đô để tiếp tục hành trình xây dựng thương hiệu Việt. Để có được thương hiệu và vị thế dẫn đầu ngành nước giải khát hiện nay hôm nay, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế lớn nhất thế giới, để họ sẵn sàng ngã giá 2,5 tỷ đô la mua Tân Hiệp Phát, công ty đã nỗ lực, phải sáng tạo không ngừng, để biến cái không thể thành có thể.
Cuộc sống bà lớn lên với những con người, những trải nghiệm biến điều không thể thành có thể. Tại đây, bà chia sẻ một nhiều câu chuyện.
Trải nghiệm đầu tiên là vào Năm 1994, sau khi thành lập, khó khăn muôn bề, nguồn lực thì hạn chế, ba chị, một kỹ sư cơ khí, đã quyết định mua lại dây chuyền phế thải đã cắt làm 3 mảnh của Bia Sai Gòn để đem về tái sử dụng. Không một ai tin là ông có thể làm cho chiếc máy vận hành được.
Câu nói nổi tiếng của ông đối với nhân viên Tân Hiệp Phát thời bấy giờ và kể cả đối với những kĩ sư kỳ cựu của bia Sài Gòn lúc đó là: "Có cái khung sườn còn tốt hơn là phải chế cái máy từ không có gì cả".
Sau 2 năm phục chế, với tất cả sự sáng tạo và nhiệt huyết, dàn máy đã chạy được và đạt công suất tới 80% công suất thiết kế của máy. Tập đoàn đã khởi sự bước vào ngành công nghiệp sản xuất bia, nước giải khát như vậy, với chi phí đầu tư thấp ở mức không thể.
Sau 7 năm tham gia ngành bia, năm 2001 Tập đoàn đã mở rộng sang nước uống không cồn. Các nhãn hiệu Pepsi và Cola chiếm gần như toàn bộ thị trường thời bấy giờ. Môt doanh nghiệp điạ phương, chưa hề có kinh nghiệm về mảng nước giai khát đã liều lĩnh bước vào thị trường mới.
Phân tích bài học thất bại của các doanh nghiệp trong nước trước đó, tập đoàn xác định muốn có cơ hội thành công phải vươn lên ngang bằng với các công ty hàng đầu thế giới về chất lượng, công nghệ, sản xuất, và cả về marketing...
Tập đoàn đã đầu tư lớn mua công nghệ hiện đại nhất thế giới, đầu tư mạnh cho R&D để phát triển sản phẩm phù hợp khẩu vị người Việt, thuê các công ty tư vấn hàng đầu thế giới làm marketingnhư Saatchi & Saatchi, O&M, Dentsu. Sau 7 năm, một loạt sản phẩm như nước tăng lực Number 1, Trà xanh không độ, Trà thanh nhiệt Dr. Thanh,... xuất hiện trên thị trường, tạo ra trào lưu tiêu dùng mới, đưa Tân Hiệp Phát vươn lên chiếm thị phần lớn thứ hai Việt Nam.
Bà chia sẻ về trải nghiệm thứ hai là khi đặt ra yêu cầu hiện đại hoá quản trị doanh nghiệp tại Tân Hiệp Phát. Khi doanh nghiệp đã lớn mạnh, muốn phát triển ổn định, đi xa, cạnh tranh được với thế giới thì nhất định phải thay đổi cách quản trị theo hướng chuyên nghiệp.
Năm 1997, Tập đoàn quyết tâm thay đổi mạnh từ việc quản lý kiểm soát không có hệ thống, thậm chí tận dụng cả vé giữ xe đạp thay cho phiếu xuất hàng chuyển sang quản lý theo chuẩn quốc tế ISO. Đơn vị tư vấn cũng liên tục từ chối vì theo kinh nghiệm của họ, ngành bia là ngành khó để triển khai hệ thống ISO với doanh nghiệp Việt Nam lúc bấy giờ, và sau một vài dự án không thành công, họ tin ngành bia Việt Nam không thể đạt chứng nhận ISO. Nhưng chỉ sau 5 tháng 19 ngày, tập đoàn đạt chứng nhận ISO. Để đưa ISO vào Tân Hiệp Phát, với trình độ toàn công ty chưa đến 20 nhân sự có được bằng đại học, trong hơn 5 tháng, tập đoàn kiên trì làm việc mỗi ngày từ 8h sáng dến 5h sáng hôm sau.
Không dừng lại ở đó, năm 2002, tập đoàn tiếp tục nghiên cứu mô hình quản trị và tin học hoá. Tân Hiệp Phát cũng là doanh nghiệp Việt đầu tiên của nghành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam triển khai ứng dụng giải pháp phần mềm ERP quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp,để theo kịp các công ty đa quốc gia.
Đây là dự án nhiều triệu đô la, với giải pháp do công ty Baan, Hà Lan thiết kế. Ứng dụng ERP thành công, giá trị đem lại là một hệ thống quản trị hiện đại hàng đầu thế giới, hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế.
Trải nghiệm thứ ba bà chia sẻ chính là câu chuyện của nữ giới trong kinh doanh. Câu chuyện của thế hệ lãnh đạo trẻ, 8X, 9X. Nhiều bạn nữ trẻ chia sẻ về nhiều khó khăn của họ khi họ là nữ giới.
Bà cũng cho rằng, điểm mạnh của nữ lãnh đạo là nữ tính, phụ nữ giống như một dòng nước, uyển chuyển nhẹ nhàng những vẫn quyết đoán. Bà vẫn chia sẽ với các bạn nữ và nữ nhân viên của mình: "Chúng ta không cần trở nên giống nam giới, hãy để cho nam giới thể hiện điểm mạnh của họ".
-
10h10
Thành công chỉ đến khi bạn đặt hết niềm tin và đam mê vào điều mình theo đuổi
Mở đầu bài chia sẻ, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc - CFO, Công ty CP Hàng không Vietjet mượn lời của chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám Đốc: "Không có con đường nào dễ dàng để thành công cả. Thành công chỉ đến khi bạn đặt hết niềm tin và đam mê vào điều mình theo đuổi.
Chia sẻ về tỷ lệ nữ tham gia vào doanh nghiệp, bà Yến Phương cho biết, ngành hàng không là ngành kỹ thuật cao, tỷ lệ nam cao hơn nữ nhiều, tỷ lệ nhân viên nữ của Vietjet chiếm 34% trong tổng số 3.850 nhân viên, trong đó gần 30% nắm giữ vị trí quản lý. Tỷ lệ nữ không cao nhưng đều có vai trò quan trọng.
Năm 2007-2011 Vietjet bắt đầu cuộc hành trình: Ước mơ "cất cánh" hàng không Việt Nam và đã hiện thực hoá giấc mơ vào đúng dịp Lễ Giáng Sinh 24/12/2011 với chuyến bay đầu tiên đầy ắp hy vọng và mong mỏi của cộng đồng. Cùng với sự phát triển đột phá, Vietjet đã mang cơ hội bay đến cho hàng chục triệu người, trong đó có hàng triệu người chưa bao giờ được bay.
Hơn 5 năm sau, Năm 2017, Vietjet niêm yết trên Thị trường chứng khoán Việt Nam. Hãng liên tục nằm trong top các công ty niêm yết và kinh doanh hiệu quả nhất do nhiều tạp chí kinh tế uy tín bình chọn. Vietjet được vinh danh Thương hiệu IPO tiêu biểu 2016 – 2017, Doanh nghiệp công bố thông tin M&A tốt nhất. Từ đó đến nay, Vietjet luôn thuộc top 10 trong VN30 các Cty có vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Năm 2018, doanh nghiệp có ước mơ lớn hơn đó là "Hành trình ước mơ " cất cánh" - Bay cao bay xa , vươn ra thế giới". Đến cuối năm 2018, Vietjet vận hành 64 tàu bay, có đội tàu trẻ nhất với tuổi bình quân 2,82 năm và trở thành hãng hàng không chi phí thấp (LCC) lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á.
Vietjet đã phục vụ chuyên chở 23,06 triệu lượt khách, thực hiện 118.923 chuyến bay, khai thác 105 mạng đường bay 39 tuyến nội địa và 66 tuyến quốc tế, hệ số sử dụng ghế đạt 88,06%. Độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,64% cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Vietjet bảo vệ thành công chứng chỉ "An toàn hàng không quốc tế IOSA" lần thứ 3 vào tháng 9/2018, tỷ lệ đúng giờ (OTP) đạt 84,2% . Vietjet đạt doanh thu hợp nhất 53.577 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 5.018 tỷ đồng, trong đó doanh thu vận tải hàng không đạt 33.779 tỷ đồng, tăng trưởng 49,8% và lợi nhuận trước thuế vận tải hàng không đạt 3.045 tỷ đồng, tăng trưởng 48,9%.
Năm 2018, tình hình tài chính của Vietjet tiếp tục thể hiện tình hình tài chính vững mạnh nhất trong những năm qua với tổng tài sản đạt 39.086 tỷ đồng, trong đó tài sản dài hạn đạt 20.007 tỷ đồng, tăng trưởng 48,6%, số dư tiền mặt đạt 7.165 tỷ đồng là kết quả của sự tích lũy tăng trưởng kinh doanh, quản trị và điều hành Công ty hiệu quả, bảo đảm chất lượng dịch vụ cao nhất dựa trên nền tảng kỹ thuật công nghệ cao và tiên tiến.
Bên cạnh đó, Vietjet tự hào khi đón nhận rất nhiều giải thưởng uy tín trong nước cũng như quốc tế như: huân chương Lao động, xếp hạng 22 trong Top 50 Hãng hàng không tốt nhất thế giới về các chỉ số tài chính của AirFinance Journal, Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam và top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2018 của tạp chí Forbes, Top 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam, 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, Giải thưởng Đồng phục Tiếp viên đẹp nhất Châu Á...
Năm 2019, Doanh nghiệp tiếp bước với hành trình "Bay cùng giấc mơ hoa" - giấc mơ vươn ra thế giới để trở thành Hảng hàng không LCC toàn cầu cùng với cam kết vận hành độ an toàn và tin cậy cao nhất, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Doanh nghiệp cũng không quên duy trì và mở rộng thị trường trong nước thông qua các chương trình quản trị chỉ số hoạt động để ngày càng nâng cao hiệu quả vận hành. Vietjet cũng đang thúc đẩy triển khai các dự án xây dựng Học viện hàng không, nhà xưởng kỹ thuật chứa máy bay (hangar); là một trong những mảnh ghép cuối cùng để bảo đảm trở thành một hãng hàng không kỹ thuật cao, an toàn và tin cậy.
"Chúng tôi cũng từng bước triển khai chiến lược trở thành hãng hàng không LCC quốc tế trên nền tảng công nghệ số và thương mại điện tử. Chúng tôi kỳ vọng Vietjet không chỉ là một hãng hàng không mà hơn thế nữa là một Tập đoàn cung cấp nhu cầu tiêu dùng cho hành khách", bà Yến Phương cho biết thêm.
-
09h55
Bước rẽ của Tổ hợp Đồng Tâm từ các sản phẩm mang tính chất “thuốc” sang “thực phẩm dinh dưỡng”
Tại tọa đàm về nữ doanh nhân, bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc Công ty Nutifood chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, thành công của NutiFood, doanh nghiệp mà bà tham gia điều hành từ những ngày đầu thành lập từ năm 2000 cho đến nay.
Bà xuất phát là bác sĩ, từ nhỏ đã có ước mơ được làm gì đó để có đóng góp cho xã hội và cộng đồng. May mắn, trước khi tốt nghiệp đại học ngành y khoa, bà được một người thầy dạy rằng việc điều trị bệnh rất quan trọng nhưng phòng bệnh cũng quan trọng không kém.
Ra trường, khi được mời về làm tại cơ sở thực phẩm Đồng Tâm (tiền thân của NutiFood), công tác trong lĩnh vực về dinh dưỡng cộng đồng, bà rất vui. Tại đây, bà Lệ mong ước sản xuất ra được những sản phẩm có thể đóng góp vào sự phát triển về thể chất, trí tuệ cho trẻ em Việt Nam, để có nhiều thế hệ trẻ cao lớn, khỏe mạnh, thông minh, thật sự đóng góp cho sự phát triển trong tương lai của đất nước.
Ngày đó, khi bước vào làm việc tại cơ sở thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm, bản thân bà được truyền cảm hứng bởi lịch sử hình thành, quá trình phát triển của NutiFood, xuất phát từ câu chuyện nhân văn thông qua chiếc máy xay sinh tố ở trong bệnh viện. Bà nhớ, những năm 90, mỗi buổi sáng tại bệnh viện nhi TP HCM, cứ 8-10 em điều trị bệnh thì có đến 2-3 tử vong, nguyên nhân các bé không có đủ dinh dưỡng đáp ứng với bệnh tật, để lành vết thương sau điều trị.
Để khắc phục thực trạng, một vị bác sĩ khi ấy đã dùng chiếc máy xay sinh tố để xay nhuyễn nhiều loại thực phẩm, bỏ men tiêu hóa vào giúp nuôi ăn cho các em qua ống thông dạ dày. Việc làm tưởng chừng rất đơn giản ấy cùng với tâm huyết của chị đã giúp cứu sống hàng ngàn trẻ em lúc bấy giờ. Sau này vị bác sĩ ấy cũng chính là người sáng lập ra NutiFood và bà may mắn có cơ hội làm việc và học hỏi rất nhiều từ vị bác sĩ đặc biệt này.
Câu chuyện nhân văn về chiếc máy xay sinh tố cũng là khởi nguồn cho triết lý kinh doanh mà bà gìn giữ, nuôi dưỡng và kiên định theo đuổi cho đến ngày hôm nay: "Mỗi sản phẩm làm ra không phải để tìm kiếm lợi nhuận, mà trước hết, phải đáp ứng được những về nhu cầu dinh dưỡng của cộng đồng", bà nói.
Ở những ngày đầu làm việc, cơ sở thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm rất nhỏ. Với khát vọng và ý chí mạnh mẽ, mong muốn nhanh chóng học tập từ tất cả các công ty đa quốc gia khác, công ty đổi tên thành NutiFood.
Khi đó, để phát triển NutiFood đã tuyển dụng nhiều nhân viên giỏi từ các công ty đa quốc gia để vừa học hỏi, vừa hợp tác làm việc. Để điều hành công ty, bà đi học vào buổi tối. Từ năm 2000 đến 2007 tốc độ tăng trưởng trung bình 237%. Mong muốn công ty bước lên một tầm cao mới, công ty mời những người trẻ có tài. Nhưng, không may mắn khi có những ngưởi giỏi bỏ đi, nhiều đối tác từ chối hợp tác.
Thời điểm đó, để vượt qua khủng hoảng, bản thân bà cũng tự động viên chính mình, nhân viên cùng đồng cam cộng khổ để vượt qua những khó khăn. Cả công ty làm việc chăm chỉ, 5 năm như vậy để vượt qua thời kỳ gian khổ.
Sau này, những lần đi công tác cộng đồng về các vùng sâu vùng xa, bà thấy trẻ em Việt Nam bị tình trạng suy dinh dưỡng rất cao, đặc biệt nông thôn với tỷ lệ trên 30%, có những em 8-10 tuổi mà nhìn thoạt qua tưởng chừng mới 4-5 tuổi bình thường khác. Điều đó thôi thúc bà cùng các đồng nghiệp phải nghiên cứu ra được các sản phẩm để điều trị, hỗ trợ về dinh dưỡng cho các em vùng sâu vùng xa, sản phẩm không chỉ phải thật sự hiệu quả mà cảm quan nó cũng phải ngon để các em thích dùng, khi đó sẽ thoát dần khỏi suy dinh dưỡng thấp còi.
Triết lý kinh doanh của công ty đơn giản, đó là làm việc gì cũng bằng cái tâm của mình. Khi nghiên cứu để cho ra một sản phẩm bất kỳ, bà và đôi ngũ nhân viên đều nghĩ là cho con cháu, bản thân, cha mẹ, và những người thân của mình dùng nên dồn hết tâm huyết. Bản thân, gia đình là những người dùng thử sản phẩm trước tiên, sau đó mới đến cán bộ công nhân viên của công ty.
Ngoài ra, cái tâm của NutiFood còn thể hiện về trách nhiệm xã hội, đóng góp của mình cho cộng đồng. Công ty đã tham gia tài trợ nhiều dự án dinh dưỡng cộng đồng với mục tiêu giúp thế hệ trẻ Việt phát huy mọi tiềm năng về tầm vóc và trí tuệ như: tham gia đề án 641 của Chính phủ về phát triển tầm vóc, thể lực người Việt Nam ..., tham gia tài trợ dinh dưỡng cho đội tuyển U19 Việt Nam, tài trợ các tài năng thể thao và nhiều hoạt động từ thiện khác.
Làm việc tận tâm, trong 3 năm liền từ 2016, 2017, 2018, sản phẩm GrowPlus của NutiFood dành cho trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi liên tục đứng đầu Việt Nam trong ngành sữa. Đồng thời, sữa bột pha sẵn của NutiFood cũng liên tục đứng đầu thị phần sản lượng tại Việt Nam.
Đầu năm 2019, NutiFood đã cùng Tập đoàn Asahi của Nhật Bản công bố thành lập một liên doanh hợp tác giữa hai bên để đưa các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em chuẩn Nhật Bản vào thị trường Việt Nam. Asahi cũng là công ty đang sở hữu WAKODO, thương hiệu thức ăn trẻ em Số 1 tại Nhật Bản đã có mặt hơn 100 năm.
Bên cạnh đó, để phát triển lâu dài, công ty có kế hoạch phát triển bài bản, đào tạo đội ngũ trẻ tuổi, nhiệt huyết. Để truyền cảm hứng, bản thân thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm việc với nhân viên, mong họ hạnh phúc, đam mê khi làm việc.
Việc đào tạo đội ngũ tốn kém chi phí, nhưng bà tin rằng những điều này sẽ giúp công ty phát triển tốt trong thời gian tới.