Ngoài việc cải thiện khả năng kết nối giữa 10 quốc gia thành viên, ASLN còn thúc đẩy việc sử dụng cơ sở hạ tầng logistics thông minh và bền vững, hỗ trợ Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 - một chính sách thúc đẩy hội nhập giữa các thành viên ASEAN.
ASLN được khởi động vào tháng 11/2020 với dự án đầu tiên mang tên Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (siêu cảng) giữa Singapore và Việt Nam. Đến nay, hai dự án đã được khởi công trong khuôn khổ ASLN, một ở Việt Nam và một ở Campuchia.
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc
Dự án đầu tiên thuộc ASLN là Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, nằm tại tỉnh Vĩnh Phúc. Việt Nam và Singapore đã hợp tác khởi động trung tâm vào tháng 11/2020 dưới sự tham dự của thủ tướng hai nước.
Dự án cho thấy sự phát triển của một kho container nội địa và trung tâm logistics tại Vĩnh Phúc - nơi các nhà quy hoạch gọi là "siêu cảng". Sau khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những trung tâm logistics lớn nhất miền Bắc Việt Nam, kết nối 20 khu công nghiệp bằng đường sắt, đường bộ và đường hàng không, cũng như kết nối với Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Dự án do Tập đoàn T&T của Việt Nam và Tập đoàn YCH của Singapore quản lý, thu hút hơn 166 triệu USD tài trợ.
Phnom Penh Logistics Complex
Tháng 3/2021, Bộ Giao thông Công chính Campuchia và Tập đoàn YCH của Singapore đã công bố thỏa thuận khung phát triển Khu liên hợp Logistics Phnom Penh tại Campuchia. Đây là dự án thứ hai được khởi công trong khuôn khổ ASLN.
Theo thỏa thuận, Phnom Penh Logistics Complex được thiết kế để trở thành một khu phức hợp logistics hiện đại, đẳng cấp thế giới, sử dụng công nghệ logistics để cải thiện khả năng phục hồi, khả năng hiển thị và quy trình logistics. Dự án cũng mở một học viện đào tạo và trung tâm khởi nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực của Campuchia trong lĩnh vực logistics.
Giống như dự án tại Việt Nam, Phnom Penh Logistics Complex hướng tới mục tiêu "SuperPort" của Tập đoàn YCH. Dự án có chi phí ước tính khoảng 200 triệu USD và sẽ chính thức khởi công vào năm 2022.
Hai dự án đầu tiên trong khuôn khổ ASLN tiết lộ xu hướng về các dự án trong tương lai và cách các nhà đầu tư nước ngoài có thể hưởng lợi từ chúng. Đáng chú ý, cả hai dự án đều có sự tham gia của Tập đoàn YCH. Mặc dù không chắc chắc tất cả dự án ASLN đều có sự tham gia của YCH Group nhưng có thể sẽ có các công ty giàu kinh nghiệm, chuyên môn ở các thị trường phát triển hơn.
Các công ty ngoài khu vực vẫn có thể tham gia vào các dự án thông qua việc cung cấp các dịch vụ tư vấn, hàng hóa và dịch vụ. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài có thể trở thành nhà tài trợ chính cho các dự án ASLN.
Các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong khu vực ASEAN cũng được hưởng lợi từ các dự án, ngay cả khi không trực tiếp tham gia. Với tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng nghiêm trọng ở nhiều nước ASEAN, hội nhập khu vực nhiều hơn sẽ giúp giá logistics rẻ hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho thương mại hàng hóa và dịch vụ trong khu vực.
Đóng góp vào Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025
Mục tiêu của ASLN là thúc đẩy các ưu tiên logistics được nêu trong Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025. Logistics chỉ là một lĩnh vực trong đó, tập trung vào cơ sở hạ tầng bền vững, chuyển đổi số, quá trình vận chuyển...
Về logistics, kế hoạch tổng thể nêu rõ hai mục tiêu chiến lược là giảm chi phí và cải thiện tốc độ, độ tin cậy của chuỗi cung ứng ở mỗi quốc gia rhành viên ASEAN. Để theo đuổi hai mục tiêu chiến lược này, quy hoạch tổng thể bao gồm hai sáng kiến, đó là:
- Tăng cường khả năng cạnh tranh của ASEAN thông qua các tuyến thương mại và logistics.
- Nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng thông qua giải quyết các điểm nghẽn chính.
Các ưu tiên về logistics cũng được đưa vào các mục tiêu khác trong Kế hoạch tổng thể, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng mềm để hỗ trợ cơ sở hạ tầng chính, thương mại điện tử và đưa ra các thước đo khách quan trong tiến độ và các điểm nghẽn.
Tuy nhiên, Kế hoạch Tổng thể cũng lưu ý, các sáng kiến cải thiện logistics trước đây ở ASEAN không phát triển nhanh chóng như kế hoạch do sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan. Trước những thách thức này, các công ty logistics phải phối hợp nhiều hơn nữa, các quốc gia thành viên ASEAN phải xác định các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng của khu vực.