Dữ liệu của Blockchain.com hôm 10/12 cho thấy năng lực khai thác (hashrate) của Bitcoin toàn cầu đạt 113% so với tháng 5 khi Trung Quốc bắt đầu mạnh tay trấn áp hoạt động khai thác tiền điện tử trong nước. Đà tăng hashrate được coi là tín hiệu tốt với tiền điện tử phổ biến nhất thế giới, vốn mất 30% giá trị chỉ trong một tháng qua.
"Bitcoin đã vượt qua được những tác động từ lệnh cấm của Trung Quốc", Kevin Zhang, đại diện công ty Foundry, từng chuyển số máy đào trị giá 400 triệu USD tới Bắc Mỹ, cho hay.
Brandon Arvanaghi, kỹ sư đào tiền điện tử, cho rằng điểm sáng là hệ thống đào Bitcoin vượt qua đợt "thử lửa" lớn nhất từ trước đến nay mà không chịu nhiều ảnh hưởng. "Mạng lưới Bitcoin trở nên mạnh hơn chỉ sau 6 tháng. Liệu ai còn đặt câu hỏi 'điều gì sẽ xảy ra nếu các nước cấm Bitcoin' sau sự kiện này nữa?", ông nói.
Trung Quốc từng là nước có hệ thống đào Bitcoin lớn nhất xét về hashrate, khi chiếm 65% hashrate toàn cầu trong tháng 4. Tuy nhiên, lệnh cấm hoạt động khai thác và đầu tư Bitcoin tại quốc gia tỷ dân khiến hashrate của toàn bộ mạng lưới Bitcoin trên thế giới sụt giảm hơn 50%.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc hồi tháng 10 khẳng định khai thác Bitcoin và các loại tiền số khác không chỉ bị đưa vào "danh sách đen" của hoạt động công nghiệp, mà còn phải bị loại bỏ lập tức. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để nước này đạt mục tiêu phát thải carbon trung tính vào năm 2060.
Trong khi đó, hoạt động khai thác tiền điện tử của Mỹ đang được thúc đẩy nhờ khả năng bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, giá điện rẻ và chính sách ưu đãi thợ đào tại một số bang. Dù vậy, quá trình chuyển dịch có thể chỉ trong ngắn hạn, khi các nước Bắc Âu có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào với giá rẻ, cùng khí hậu lạnh dễ làm mát những cỗ máy phải hoạt động không ngừng nghỉ.
Điệp Anh (theo CNBC)